Chia sẻ

Tre Làng

NHỮNG GIÁO CHỨC TỰ TÁCH MÌNH KHỎI KHỐI ĐÒAN KẾT DÂN TỘC

Tuyệt nhiên trong những giáo lý của Thiên Chúa, không có dòng nào kêu gọi giáo dân vượt khỏi giới hạn của một "con chiên ngoan đạo". Vậy mà, đang có một số linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và Giáo xứ Thái Hà dù đã nhận cho mình nhiệm vụ giúp Chúa "chăn chiên" lại ra sức kích động, lôi kéo giáo dân lương thiện đi đòi đất đai, bôi xấu chính quyền, thậm chí là đòi can thiệp cả... dự án kinh tế.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải muốn gì?

Trong thông cáo phát đi ngày 22/4/2009, Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải đã đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến... chính trị, dự án kinh tế nhằm tổ chức cầu nguyện vào tối 25/4/2009 để kêu gọi giáo dân hiệp thông.

Linh mục Nguyễn Văn Khải đã đi ngược lại những gì mà một người tu hành chân chính cần làm!

Điểm đầu tiên trong trong Thông cáo, Linh mục Nguyễn Văn Khải đã "tuyên bố xanh rờn" rằng: "Hiện tượng bất công tràn lan trên đất nước" nên phải cầu nguyện để "Cho bất công sớm chấm dứt, sự thật được tôn trọng, công lý và hòa bình được sớm hiển trị trên quê hương Việt Nam".

Ngay sau khi lời kêu gọi mang tính chất kích động này phát ra, trên các diễn đàn Internet, các tờ báo, nhiều người dân đã đăng đàn và bày tỏ sự phản đối trước những lời lẽ kích động và mang tính chất hằn học này. Để khách quan, chúng tôi xin đăng tải vài ý kiến của những người lớn tuổi, từng trải và ở tuổi "tri thiên mệnh" họ hiểu hơn ai hết những gì gọi là hòa bình và công lý trên đất nước chúng ta.

"Linh mục Khải tuyên truyền là cầu nguyện để "công lý và hòa bình sớm hiển trị trên quê hương Việt Nam". Vậy xin hỏi ông Khải, ông đang sống trong đất nước không hòa bình, không công lý à? Sao ông lại hồ đồ đến thế? Liệu ông có còn tỉnh táo nữa không, hay chỉ vì những hậm hực cá nhân mà ông sẵn sàng nói nhảm, nói những điều dối trá, bịa đặt như vậy.

Tôi là một người lính, đồng đội tôi và hàng triệu người Việt Nam khác đã hy sinh xương máu để giành lại hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hơn 30 năm sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, cả nước đang trên đường phát triển ngày càng vững mạnh. Dân ta ngày một ấm no, giàu có hơn. Ông đang sống ở đâu vậy ông Khải? Hãy tỉnh lại đi, nếu ông còn chút lương tri!".

"Tôi không biết ông Nguyễn Văn Khải già trẻ thế nào, không biết ngày xưa ông có từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân hay không mà bây giờ ông lớn tiếng nói như vậy. Yêu nước, yêu hòa bình ai mà chả nói được, chúng tôi đã từng đặt sinh mệnh mình trước hòn tên mũi đạn của chiến tranh, chúng tôi hiểu rõ giá trị của cuộc sống hòa bình bây giờ, ông Khải ạ!".

Tuy nhiên, nếu ai tinh ý quan sát hành vi và lời nói của Linh mục Nguyễn Văn Khải từ trước đến nay sẽ chẳng khó khăn gì mà không nhận ra ngay, cái mà Linh mục Khải gọi là "bất công" thực chất là sự hằn học trước kết quả của phiên xét xử 8 giáo dân phạm tội "Gây rối trật tự công cộng" và "Phá hoại tài sản" tại 178 Nguyễn Lương Bằng.

Kết quả của phiên tòa đã tỏ rõ sự công minh của pháp luật, đồng thời thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước đối với những giáo dân do kém hiểu biết, thiếu thông tin, bị kẻ xấu kích động mà vi phạm pháp luật. Một phiên tòa được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội, thế nhưng lại không như ý muốn của Linh mục Nguyễn Văn Khải cũng như sự dày công chuẩn bị những màn kịch "gây áp lực với chính quyền" của một số linh mục tại giáo xứ Thái Hà.

Sự hằn học và gây áp lực nhằm những mưu đồ riêng của ông Khải nêu trên, có lẽ là không phù hợp với một con chiên của Chúa!

Thiết nghĩ, nếu là một buổi cầu nguyện trong sáng và hòa bình của những người Thiên Chúa giáo lương thiện, đâu cần những lời lẽ to tát và hằn học như thế! Đồng bào Thiên Chúa giáo ở khắp mọi miền đất nước ta vẫn thường tổ chức những buổi cầu nguyện riêng nhưng có đưa ra lời kêu gọi sặc mùi "chính trị" như Phêrô Nguyễn Văn Khải đâu!

Khi ông Nguyễn Văn Khải đưa ra luận điệu "Trước hiện tượng bất công tràn lan trên đất nước" là ông đã cố tình khái quát hóa, thổi bùng một số việc riêng rẽ, nhằm bôi xấu bản chất tốt đẹp của xã hội Việt Nam - một xã hội mà Đảng, Nhà nước và toàn dân đang nỗ lực xây dựng theo phương châm "công bằng, dân chủ, văn minh". E rằng, khi đưa ra luận điệu này, bản thân ông Nguyễn Văn Khải đã tự cô lập mình ra khỏi một cộng đồng đang hòa hợp. Và chúng ta cũng dễ dàng hiểu được, một cá thể khi tự tách mình ra khỏi cộng đồng, sẽ tìm cách quay lại phá hoại khối đại đoàn kết của cộng đồng đó.

Chưa hết, sau luận điệu nặng mùi chính trị, ông Nguyễn Văn Khải còn hướng mũi tên về phía các... dự án kinh tế. Sự kích động thể hiện rõ trong luận điểm thứ 2 của thông cáo: "Cho các nhà lãnh đạo quốc gia sáng suốt nhận ra tác hại về môi sinh, về kinh tế cũng như về an ninh quốc phòng của dự án Boxite Tây Nguyên" để "từ đó can đảm quyết định ngừng dự án khai thác".

Kích động đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trước chủ trương kinh tế lớn của Nhà nước, rõ ràng ông Nguyễn Văn Khải đã vượt quá giới hạn của một người tu hành, can thiệp vào chính trị và đi ngược lại lợi ích của đất nước.

Trong thông cáo của Giáo xứ Thái Hà phát đi ngày 22/4, ông Nguyễn Văn Khải còn không quên nhắc đi nhắc lại mối "hậm hực" cũ: "Cho công lý và sự thật được thực thi ở Giáo xứ Thái Hà", "Tuyên án giáo dân phá hoại, gây rối trong khi những kẻ phá hoại, gây rối thực sự lại không bị truy tố".

Khi Nguyễn Văn Khải nêu luận điệu "Cho công lý và sự thật được thực thi ở Giáo xứ Thái Hà" - nhiều người thốt lên: Ô hay, thế lâu nay trong Giáo xứ Thái Hà không có công lý và sự thật? Bà con giáo dân lương thiện ở Giáo xứ Thái Hà vẫn sống hòa hợp trong cộng đồng thủ đô đó thôi. Ông có mục đích gì riêng thì xin "tự làm, tự chịu", đừng cố tình lôi kéo, đừng cố tình tách những giáo dân lương thiện ra ngoài khối đoàn kết toàn dân như vậy.

Phêrô Nguyễn Văn Khải còn không quên "khơi" lại vụ việc giáo dân bị xử "Gây rối trật tự công cộng" và "Phá hoại tài sản" tại 178 Nguyễn Lương Bằng. Thiết nghĩ, nhà nước ta với chính sách hòa hợp dân tộc, tự do tôn giáo, vẫn luôn xem bà con Thiên Chúa giáo là công dân như bao người khác, mà công dân thì bình đẳng trước pháp luật. Sao ông còn cố tình "khơi" chuyện, chẳng lẽ ông không muốn bà con giáo dân ở Giáo xứ Thái Hà của mình là công dân. Với luận điệu này, một lần nữa Phêrô Nguyễn Văn Khải lại cố tình tách các giáo dân ra khỏi cuộc sống bình thường. Không biết dụng ý của ông ta là gì?

Ông Khải cho rằng: "Trong khi những kẻ phá hoại, gây rối thực sự lại không bị truy tố" - hay là cơ quan pháp luật còn truy tố "sót" mất ai trong vụ đập phá bờ rào Công ty May Chiến Thắng? Nếu ông còn thấy có ai "gây rối, phá hoại" mà chưa bị truy tố, với trách nhiệm của một công dân sống trên đất nước Việt Nam, xin ông đến Cơ quan Công an để trình báo, đưa những kẻ "gây rối" ra để xử lý cho công bằng. Pháp luật thì phải rõ ràng, đằng này ông lại "chửi đổng" như vậy, e rằng, không xứng tầm một người "chăn chiên" cho lắm!

"Khơi" lại việc ở Vườn hoa 1-6, nơi mà hàng nghìn người dân thủ đô, trong đó có bà con Giáo xứ Thái Hà đang được hưởng thụ, vui chơi chứng tỏ Phêrô Nguyễn Văn Khải còn giữ trong lòng một nỗi "hậm hực".

Vườn hoa Hàng Trống - công trình phúc lợi xã hội cũng bị linh mục Nguyễn Văn Khải mang ra soi mói.

Có lẽ Linh mục Lê Quang Uy đã "quên"!

Không chỉ bất bình với bản Thông cáo của Phêrô Nguyễn Văn Khải, dư luận những ngày gần đây còn phẫn nộ về những luận điệu can thiệp, chống chính quyền trong bài viết của Linh mục Lê Quang Uy: "Hãy cứu lấy Tây Nguyên khỏi thảm họa Boxite đỏ" đăng trên website của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

"Ở Việt Nam, bao nhiêu năm nay người ta cứ lải nhải tuyên truyền, ấn vào mấy thế hệ liên tiếp thời hậu chiến cái luận điệu rằng thì là đất nước mình còn nghèo, còn đang phải ra sức và từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh...".

Xin không bàn luận nhiều về câu nói này, vì có lẽ ông Lê Quang Uy đã... quên! Ông đã quên rằng những gì ông được thụ hưởng trên đất nước này ngày hôm nay phải đổi bằng không biết bao nhiêu xương máu của hàng triệu người đi trước.

Đất nước ta đã bước ra khỏi chiến tranh nhưng những hậu quả còn lại của nó thì còn rất nặng nề. Nếu ông quên, chúng tôi xin nhắc lại cho ông nhớ: trên đất nước Việt Nam vẫn còn hàng triệu người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha... còn hàng trăm ngàn người sống với những phần cơ thể không còn nguyên vẹn. Vẫn còn đó hàng vạn "nỗi đau da cam" làm nhức nhối những người có lương tri, yêu chuộng hòa bình công lý trên khắp thế giới. Họ đã hy sinh để cho những người như ông được sống hôm nay, ông Lê Quang Uy ạ! Ông định quên họ hay sao khi mà Nhà nước có các chính sách nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh mà ông cũng mang ra bêu riếu?

Có lẽ còn gì để nói nữa đâu với một con người lãng quên quá khứ, lãng quên những nỗi đau, lãng quên những người đã chết cho mình được sống!

Chưa hết, trong bài viết của mình, Linh mục Lê Quang Uy còn thể hiện sự thiếu hiểu biết và con mắt suy xét đen tối khi nhìn nhận về việc mở rộng diện tích nuôi tôm xuất khẩu; chương trình đánh bắt xa bờ và xây dựng các đường giao thông.

Nực cười hơn, trong những ngày này, khắp nơi đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thì ông Lê Quang Uy lại ám chỉ một cách không thiện chí đến con đường của cả dân tộc ấy.

Ông ta ám chỉ dự án đường Hồ Chí Minh là "không những tốn kém tỉ tỉ, còn phá hoại vành đai rừng phòng hộ đầu nguồn, khiến đất đai cằn cỗi, thêm lũ đá, hạn hán...". Chưa cần đến một người có đầu óc, nhìn xa trông rộng, chỉ cần một chút hiểu biết sẽ nhận thấy ngay tầm quan trọng của dự án đường Hồ Chí Minh đến chiến lược phát triển kinh tế, xã hội quốc gia. Con đường này đang cùng với Quốc lộ 1A tạo nên hệ thống giao thông huyết mạch của đất nước, giúp khai thác nhiều lợi thế, tiềm năng kinh tế các vùng miền trên cả nước. Nói như ông Lê Quang Uy có thể xem là không được "nhìn xa trông rộng" cho lắm!

Việc xây dựng đường Hồ Chí Minh, bên cạnh việc san tải cho Quốc lộ 1A, phục vụ phát triển kinh tế, Nhà nước ta còn xem đây như một cử chỉ "uống nước nhớ nguồn" nhắc nhở mọi thế hệ người dân Việt Nam về con đường huyền thoại của dân tộc. Phê phán những chủ trương nhằm hiện đại hóa đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, Linh mục Lê Quang Uy đã đi ngược lại với quyền lợi của dân tộc, với đạo lý "uống nước nhớ nguồn".

Trong bài viết của mình, Linh mục Lê Quang Uy còn bất mãn: "Khi người ta vô thần, không chịu tin vào Thiên Chúa thì người ta có thể làm đủ thứ chuyện bậy bạ tồi tệ. Người ta đâu còn tiêu chuẩn nào để lượng định thiện - ác, tốt - xấu. Lương tâm trở thành từ ngữ xa lạ. Lòng thương xót trở thành điều hiếm hoi, thậm chí... có điên mới nói chuyện thật thà lương thiện vào thời buổi này!".

Nói như Lê Quang Uy thì những người không theo Thiên Chúa giáo thì đều là tồi tệ cả? Theo chúng tôi, điều này không đúng với quan điểm tự nguyện của các tôn giáo và chắc chắn bà con Thiên Chúa giáo chân chính ở nước ta không hề có quan niệm này.

Còn khi Linh mục Lê Quang Uy nói: "Có điên mới nói chuyện thật thà lương thiện vào thời buổi này" thì có vẻ như ông đang xúc phạm những người sống thật thà, lương thiện, trong đó có những bà con giáo dân chân chính. Công nhận là đang có nhiều người không thật thà, không chân chính trong cuộc sống này, (như những người hay lôi kéo cộng đồng vào âm mưu của riêng mình chẳng hạn...).

Trong bài viết của mình, ông Lê Quang Uy đã nói rằng: "...chúng ta không thể cứ mãi ở bên lề cuộc sống quê hương...". Xin thử ngẫm lại xem, trong khi cuộc sống của nhân dân đang đi lên, trong đó có bà con công giáo, phải chăng các ông mới là những người đi bên lề cuộc sống?!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog