Chia sẻ

Tre Làng

ÔNG LÃO ĂN MÀY

Mỗi lần giơ tay lên nhìn đồng hồ là một lần cô thấy sốt ruột hơn, cô đã đứng ở bến đợi xe bus này gần 30 phút mà chưa thấy có chiếc xe bus nào cả, cô đưa mắt về phía xa xa nơi cuối con đường để xem có dấu hiệu nào của một chiếc xe bus sắp đến hay không? Không, chẳng có gì ngoài dòng người đang gấp gáp đi cuốn theo lớp bụi mờ. Hôm nay thời tiết đột ngột trở lạnh , thi thoảng lại lất phất mấy hạt mưa, cứ như là mùa đông đã đến tự bao giờ. Vậy mà cô không biết trước để chuẩn bị kịp mặc áo rét, cô khẽ so vai và đan hai tay vào nhau, tay phải nắm lấy khủy tay trái và ngược lại, có cảm giác như co mình lại như thế sẽ bớt lạnh hơn. Giờ này cũng đã gần 12h, vừa đói vừa lạnh cô càng muốn xe bus đến nhanh hơn. Chán nản cô quyết định lại ghế đợi trong lán ngồi chờ cho đến khi xe đến chứ không đứng ngóng thế này nữa, quay lại cô đã nhìn thấy có nhiều người ngồi mất rồi. So với lúc ban đầu chỉ có mình cô với một hai người nữa giờ thì đã có đến cả chục người, có cả một chị bán hoa quả đang ngồi một góc trong lán đợi xe. Cô thầm nghĩ: chà đúng là thời buổi buôn bán, chỗ nào người ta cũng tranh thủ , mà cũng đúng thôi, chỗ đợi xe bus là nơi luôn có khách mà. Ở nhiều chỗ bến đợi khác còn có cả cô bán bánh mì, chú xe ôm và bà bán nước nữa cơ. Có khi họ độc chiếm luôn cả lán chờ, khách đi xe chẳng có chỗ mà che nắng che mưa.

Mưa có vẻ nặng hạt hơn và mau hơn, cô chạy vào trong lán đợi xe và đứng nép cạnh mâm hoa quả của chị bán hàng. Chị đang nhặt những quả đẹp bày lên trên, thi thoảng có một vài quả sứt, nẫu. Quả nào sứt, sẹo ít thì chị dùng dao tách phần xấu ấy đi và vứt ngay ra vỉa hè, quá nào nẫu, sứt sẹo nhiều thì chị vứt cả quả đi. Đói và khát nước, sau khi trả giá cô cũng chọn lấy vài quả táo định ăn trong lúc đợi xe đến vì theo chị bán hoa quả phải 12h 30 mới có xe vì giờ này người ta đang bàn giao ca trưa. Chị bán hàng ở đây lâu rồi nên chị biết. Ăn xong một quả táo cô mới biết mình thật sự đã sai lầm, lúc đói mà ăn hoa quả thì cũng chẳng đỡ đói hơn là bao, thậm chí còn có cảm giác cồn cào, nôn nao lạ. Chẳng còn sự lựa chọn nào khác, cô cứ đứng yên, mắt nhìn về phía chiếc xe bus sẽ đi tới.

Phía đằng xa cô thấy có một ông lão ăn mày nhếch nhác đang đi dần về phía cô đang đứng, đầu tóc ông ta dính chặt vào nhau, trông bên bết và bẩn thỉu, chẳng nhiều năm rồi ông ta không có khái niệm gội đầu là gì, bộ quần áo màu nâu rách cũ, và cũng bẩn không kém, một tay ông ta cầm một thanh gậy, phía bên kia là một chiếc túi cói vừa nhỏ như chiếc túi xách kẹp nách và trên tay ông ta là một chiếc đĩa sắt cáu đen, như một chiếc đĩa người ta vẫn cho chó ăn lâu ngày mà không rửa. Đoạn đường này là phố nhưng giờ là trưa nên các cửa hàng gần như không có khách, ông cụ chẳng thể ghé vào đâu để mà ăn xin. Ông ta không dám ăn xin trong cửa hàng, chủ nhà sẽ đuổi đi ngay. Nhìn bước chân ông ta là biết ông ta đang hướng về phía bến đợi xe bus. Nơi gần nhất có nhiều người mà không ai đánh chửi, đuổi ông ta đi chỗ khác. Khi ông ta tới gần, bàn tay ông giơ chiếc đĩa sắt bẩn về phía mọi người, những ánh mắt hiếu kì nhìn ông rồi đưa đi nhìn chỗ khác, tất cả mọi người đều muốn tránh khỏi ánh nhìn của ông, lảng xa khỏi chỗ ông đứng. Họ muốn xe bus đến nhanh, họ đợi đã lâu lắm rồi, ai mà muốn gặp cái ông già bẩn thỉu thế này chứ. Có tiếng dè bỉu của ai đó: Eo, kinh!

Ông lão ăn mày đã đến cách chỗ cô đứng có dăm bước chân, cô định mở khóa túi lấy ví, cô chợt nhớ ra mình sắp hết tiền, chính xác hơn là hết từ hôm qua, cô bảo cuối tuần này cô về nên bố mẹ cô không gửi tiền thêm, nhưng rồi vì sinh nhật đứa bạn mà cô đã hết trước kế hoạch và đi mượn tạm được 5 chục nghìn. Hôm nay ngoài ăn sáng, lúc nãy mua táo, cô chỉ còn đủ tiền xe bus. Không, ông lão ăn mày không tiến lại phía cô ông tiến lại phía lòng đường, chỗ quả táo, quả cam hỏng mà chị hoa quả vừa vứt đi, ông lão nhặt lên, sau đó đi lại phía trước đó, chỗ có một vũng nước mưa, rửa quả táo rồi đưa lên vạt áo lau khô rồi đưa lên miệng, ông ta dùng răng cắn chỗ hỏng, nhổ xuống đất rồi ngon lành nhai và nuốt chỗ con lại của quả táo. Có tiếng ai đó lại thốt lên: Bẩn quá! Khiếp.

Nhìn cách mà ông lão đang ăn, cô biết ông ta đang rất đói, có lẽ với người khác khái niệm bẩn sạch và nhiều khái niệm khác quan trọng lắm, nhưng với ông già ăn mày này bây giờ miếng ăn mới là thứ quan trọng, với bộ dạng của ông ta thì bàn ăn sạch sẽ thịnh soạn mới bị coi là kệch cỡm. Mà làm gì có như thế, chẳng kiếm ở đâu ra, làm gì có ai cho? Ông ta không phải là những kẻ ăn mày vô liêm sỉ, ông không van nài người ta cho mình, ông chỉ hướng đến họ cái đĩa và ánh nhìn, nếu họ đáp lại bằng ánh mắt không bằng lòng thì ông ấy sẽ đi tiếp. Qua cách ăn xin của ông nói lên suy nghĩ của ông như vậy. Không giống như những kẻ ăn mày khác mà cô đã gặp, họ sẽ đến họ van nài, kể lể hoàn cảnh và họ bám dai như đỉa đói, khi ai đó dứt khoát không cho, họ sẽ chửi sẽ nguyền rủa người ta. Và hơn hết những kẻ đó chỉ giả bộ tàn tật, đau đớn chứ thực ra nhìn kĩ là biết họ còn khỏe lắm. Trường hợp này cô thấy rõ ông già ăn mày là một người đàn ông già, yếu. Chắc về cuộc đời ông cũng có nhiều uẩn khúc lắm. Tự nhiên cô lại thấy có một sự cảm thông, thân thiện lạ với ông ta. Cô nhớ tới người ông đã mất sớm của cô. Nhớ tuổi thơ được ông bế, bồng đi chơi và kể chuyện cổ tích cho nghe. Cô mạnh dạn tiến lại chỗ ông già đang ngồi , trước ánh mắt ngạc nhiên của ông, cô đặt bọc táo cô vừa mua vào bàn tay cầm đĩa của ông. Ánh mắt ông lộ rõ vẻ ngạc nhiên, sự hàm ơn. Cô nói nhẹ nhàng: Ông ăn đi ạ.

Đúng lúc đó xe bus đến, mọi người hối hả lên xe, cô vội vàng chạy lên xe theo mọi người. Trên xe cô ngồi ở ghế hàng đầu, qua cửa kính cô thấy ông già mở túi cho táo vào chỉ giữ lại một quả, ông vẫn cầm quả táo trên tay và mân mê chứ chưa thấy ông ấy ăn ngấu nghiến như ban nãy. Chẳng biết ông để dành cho ai hay để dành để tối ăn hay để dành để làm gì. Sau đó ông ngước nhìn chiếc xe bus chạy ngang qua trước mặt. Cô dựa vào thành cửa sổ xe bus, tự nhiên thấy lòng ấm lạ, không còn lạnh và đói như ban nãy nữa. Chỉ 2 tiếng nữa thôi là cô sẽ về tới nhà, mai là giỗ ông nội cô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog