Những dòng sông mang nặng phù sa cõng trên lưng biết bao thân phận người. Thế mà người đời cứ qua sông rồi là quên mất cả dòng sông.
Còn nhớ lắm, ngày tôi sinh, nơi tôi sinh ở ngôi nhà ông bà ngoại, bờ phải phía trên khúc sông chảy qua kinh thành Thăng Long - Hà Nội.
Tôi biết đến Hà Nội vào những năm sáu mươi, thời bao cấp, tôi được giáo dục cầm súng đi đánh Mỹ. Được tập huấn ở Cầu Chui, Gia Lâm - Hà Nội. Mang quân hàm binh nhì, phụ cấp hàng tháng 5 đồng. Số tiền vừa đủ mua xà phòng tắm 72%, díp đánh răng Ngọc Lan và tem thư. Còn lại, chỉ đủ đi bộ qua cây cầu Long Biên, lượn một vòng xung quanh Hồ Gươm, ăn một que kem Hồng Vân, lại đi bộ qua cầu, trở về Cầu Chui để học cách đánh Mỹ.
Cây cầu Long Biên và dòng sông Hồng mang trong tiểu sử của nó biết bao sự kiện, bao chiến công, bao thương tích, lịch sử đã ghi chép lại khá cụ thể, khá đầy đặn. Còn với tôi cây cầu ấy, khúc sông ấy là những cuộc cuốc bộ, bụng đói, bước chân như ngắn lại, như con ngựa đi nước kiệu, thở hồng hộc để kịp về doanh trại. Điểm danh cho kịp trước khi tiếng kẻng vang lên.
Năm mươi năm đã trôi qua. Vào một ngày của năm Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, ngày hội trên cầu Long Biên. Năm mươi năm tôi mới lại thả bộ trên cây cầu Long Biên bên người bạn đời xuống bãi giữa, cô ấy mua mấy bắp ngô nướng.
Chúng tôi qua đầu cầu bên Gia Lâm, uống một trái dừa xiêm. Mua một con tò he. Cô ấy được ký họa một bức chân dung, bằng bàn tay của một họa sĩ trẻ đang hành nghề trên cầu. Tôi kể cho cô ấy những cuốc đi bộ trên cầu Long Biên mà chưa một lần cô ấy nghe, được chứng kiến nhiều việc tôi đã được phục vụ để trả nợ cho dòng sông Mẹ nơi tôi sinh ra, nơi tôi sống những năm tháng đáng sống nhất, gian nguy nhất và chan chứa yêu thương nhất mà người dân Hà Nội ưu ái dành cho tôi.
Biết ơn mãi mãi là một cảm hứng đi suốt cuộc đời tôi. Dù thời khắc ấy là bình minh, là giông bão. Là thơm ngát mùi hương những loài hoa Hà Nội. Là gương mặt người. Là những bóng đêm.
Có một lần tôi đề xuất với những người có trách nhiệm ở Thủ đô ta, xin đừng đặt tên nước cho tên quận... Cái quận Hoàng Mai bây giờ, các vị ấy dự định đặt tên là quận Vạn Xuân. Mọi việc như ván đã đóng thuyền. Tôi thức suốt một đêm để thuyết trình cái lý lẽ đừng có đặt tên nước làm tên quận. Xong việc bốn giờ sáng, tôi, hai nhà báo và một hoạ sĩ ngồi bên bờ hồ Trúc Bạch, ở nơi ranh giới giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch.
Thời ấy dân Hà Nội bảo là nơi ranh giới giữa cái hồ sống (hồ Tây) và cái hồ chết (hồ Trúc Bạch). Không rượu, không bia, chỉ có mấy chai lavie và thuốc lá, tôi thanh thản mà đọc mấy câu ghi lại cảm xúc biết ơn cái đêm ấy của anh em chúng tôi.
Biết ơn nhiều cái đêm không ngủ
Đêm bàng hoàng đêm hốt hoảng về đâu
Trời chưa sáng mà mặt người ngời sáng
Đêm tưởng dài đêm có dài đâu!
Sáng hôm sau tôi đọc tờ thuyết trình viết ở cái đêm ấy. Ý kiến của tôi được chấp thuận. Thế là có cái tên quận Hoàng Mai bây giờ. Còn tên nước Vạn Xuân từ thời vua Lý Bôn - Lý Bí vẫn là tên nước. Cái hồ sống và cái hồ chết mà chả bao giờ chết được vốn là một phần của con sông Mẹ đã xui khiến tôi và các bạn tôi làm được một việc thật ra là chả mang lại tiền của gì, nhưng nó là cái duyên mà phải làm để trả ơn, để biết ơn tất cả, biết ơn những con sông, những dòng sông, và những gương mặt người.
Hà Nội - bên dòng sông Cái Tháng Chạp - Canh Dần
Phạm Chuyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét