Chia sẻ

Tre Làng

CÓ BỘ TRƯỞNG NÀO NGỒI QUÁN ỐC KHÔNG?

Năm 2003, Tuổi trẻ có hẳn một bài báo ca ngợi “Người đứng đầu chính quyền TP không ngại đóng vai một khách nghèo, ngồi hàng giờ ở một quán ốc để biết mức thuế đánh vào nhiều hộ dân bất hợp lý thế nào”. 9 năm qua, chuyện này vẫn mới, vẫn lạ. Không nói, bất cứ ai đọc cũng có thể đoán ra đó là ông Nguyễn Bá Thanh- đương chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Câu chuyện 9 năm vẫn hy hữu, là bởi những “trường hợp Nguyễn Bá Thanh” quá hiếm. Hiếm đến mức độc nhất vô nhị.

Vị Bộ trưởng này có thể khoe hàng trăm tin nhắn vào máy di động. Vị Bộ trưởng kia có thể lập trang web cá nhân. Rất điển hình là các vị quan chức tiếp công dân ngay tại nhà riêng. Nhưng vẫn rất khó để trả lời câu hỏi những người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước bây giờ làm thế nào để hiểu được tâm tư nguyện vọng của dân.

Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt đã ký ban hành nghị định 89 về Quy chế tiếp công dân. Theo đó, thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp phải tiếp công dân “ít nhất 1 ngày trong tháng”. Những năm sau đó,phòng tiếp dân, quy chế tiếp dân mọc như nấm tại hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước. Thậm chí có hẳn đội ngũ các công chức “Chuyên nghiệp tiếp dân”. 

Nhưng không phải ngẫu nhiên nhân dân gọi đội ngũ “chuyên nghiệp tiếp dân”, bất quá, cũng chỉ như một anh bưu tá, nhận đơn thư, ghi nhận bức xúc và hứa sẽ…chuyển. 

Trả lời báo chí sau khi thị sát tại Tiên Lãng, LS Nguyễn Đức Tiết, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật của Mặt trận có nói về sự loanh quanh của Chính quyền khi đưa ra quyết định thu hồi đất “Người thì nói là để xây sân bay, người thì bảo để quai đê lấn biển và di dân, người khác lại khẳng định thu hồi rồi chia nhỏ tổ chức đấu thầu để tăng nguồn thu cho xã”. “Như vậy là chưa rõ ràng, chưa minh bạch”- ông Tiết kết luận. 

Vụ án Cống Rộc có thể sẽ không xảy ra nếu trước khi ra quyết định cưỡng chế, chính quyền tổ chức đối thoại thẳng thắn, minh bạch và trách nhiệm với dân. 

Thiếu đối thoại, dù có quy định về tiếp dân, dù đâu đâu cũng có trụ sở tiếp dân, dù có hẳn đội ngũ “chuyên nghiệp tiếp dân”- chính là nguyên nhân dẫn đến khoảng cách giữa quan chức và người dân, giữa chính quyền và công dân. Khoảng cách đó, qua minh chứng điển hình là vụ Tiên Lãng, giờ lớn đến mức nghi kỵ, đối đầu. 

Hôm 12-3, Thủ tướng Chính phủ vừa thông báo chính thức việc dành 5-7 phút mỗi tuần- trên chương trình thời sự tối chủ nhật của Đài truyền hình quốc gia- để các vị Bộ trưởng, các quan chức đầu ngành đối thoại với người dân. Vị Bộ trưởng gần nhất sẽ đối thoại sẽ là bà Bộ trưởng Bộ Y tế với vấn đề tăng giá viện phí, một đề án đến giờ vẫn gây ra những phản ứng dữ dội từ phía người dân. 

Có thể, việc tăng cường, và định kỳ đối thoại của các Bộ trưởng với người dân sẽ “đề cao trách nhiệm của người đứng đầu”. Có thể đây sẽ là tiền lệ tốt để người dân có thể hiểu được “tại sao chính sách”- thay vì tự hỏi, tự trả lời. Có thể đây là một tiến bộ trong việc thúc đẩy quyền được biết của người dân. Nhưng một cuộc đối thoại qua mạng, hay trên truyền hình không thể thay thế các cuộc đối thoại trực tiếp. Sự định kỳ giải thích cũng không thể thay thế cho việc lắng nghe trước mỗi quyết định thời điểm. 

Giá như Bà Bộ trưởng đối thoại với dân trước khi trình ký đề án viện phí. Giá như Bộ trưởng Tài chính giải thích với dân trước khi cộp dấu cho giá xăng tăng. Giá như Bộ trưởng GTVT trả lời trực tiếp câu hỏi tại sao thu phí. Giá như Bộ trưởng Nông nghiệp tính hộ nông dân được lợi thế nào khi mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trước khi gật đầu. 

Giá như Bộ trưởng nào cũng ngồi quán ốc. 

Bởi điều người dân cần không phải là việc thanh minh, trần tình về những quyết định đã ban hành- một sự đã rồi. 

Bởi việc đối thoại chỉ thực sự có ý nghĩa một khi nó được tổ chức trước khi các chính sách, quyết định hành chính, có ảnh hưởng đến hàng chục triệu dân được ban hành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog