Vì sao vậy, khi gần đây Trung Quốc luôn có những hành động gây bức xúc đối với các nước láng giềng trên Biển Đông. Ngoài chuyện đưa ra vùng chủ quyền "đường lưỡi bò” vô lý, "liếm” hết vùng biển phía Nam Trung Quốc cho đến tận các vùng biển của Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Philippines là liên tiếp các vụ việc bắt giữ tàu đánh cá của Việt Nam trên các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam; thành lập cơ quan du lịch Hải Nam để đẩy mạnh xúc tiến phát triển du lịch khu vực Trường Sa; đưa tàu Ngư chính, mà thực chất là tàu quân sự đi "hộ tống” tàu cá Trung Quốc vào đánh bắt tại vùng biển các nước lân cận, đưa giàn khoan dầu khủng vào khu vực Biển Đông và gần đây lại tuyên bố cấm đánh bắt cá trên vùng phía Bắc Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.
|
Tàu hải quân Việt Nam tuần tra trên biển
Ảnh: Hoàng Long
Những động thái đó trong khi Trung Quốc vẫn "tích cực” tham gia các cuộc họp, "hợp tác” đa phương lẫn đơn phương; vẫn lớn tiếng ủng hộ các tuyên bố giữ ổn định trên Biển Đông... làm cho các nước láng giềng không khỏi lo ngại khi Trung Quốc "nói một đằng, làm một nẻo”, "nói vậy mà không vậy”... Sự bất nhất trong lời nói và hành động của Trung Quốc cùng ý đồ phát triển lực lượng hải quân và quân sự đội lốt Ngư chính, tăng cường đưa thiết bị thăm dò, khai thác dầu khí, tài nguyên về hướng vùng biển phía Nam Biển Đông, thường xuyên tạo sự kiện bức xúc trên Biển Đông... cũng là lời cảnh báo cho các nước láng giềng trên Biển Đông không thể lơ là cảnh giác. Những mưu đồ chính trị nhằm từng bước thôn tính Biển Đông của Trung Quốc đã ngày lộ rõ.
Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn thể hiện mong muốn hòa bình, hữu nghị đối với nhân dân các nước láng giềng. Ngay cả với kẻ thù xâm lược chúng ta vẫn luôn có lòng nhân ái, bao dung. Lê Lợi khi đánh thắng giặc Minh còn "cấp ngựa xe, lương thực cho về”. Tù binh Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ, giặc lái Mỹ bị bắt ở miền Bắc trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ đều được đối xử tử tế, được bảo đảm cuộc sống trong khi người dân phải chia nhau từng bát gạo, mớ rau. Những năm gần đây, ngư dân Trung Quốc vào đánh bắt cá tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đều được nhắc nhở để khỏi vi phạm, chúng ta chưa bao giờ gây khó dễ cho họ. Nếu chẳng may họ gặp tai nạn, bão tố đều được cứu nạn và chúng ta nhanh chóng tạo điều kiện giúp họ được sớm về nước. Vậy sao, Trung Quốc vẫn cứ xâm lấn chủ quyền biển đảo của Việt Nam, liên tục bắt tàu cá của ngư dân Việt Nam và mỗi lần như vậy đều tịch thu hết phương tiện, cố triệt hạ con đường làm ăn, sinh sống của họ? Vậy sao Trung Quốc đưa tàu Ngư chính vào cắt phá cáp tàu thăm dò biển và xua đuổi, đe dọa, bắt bớ tàu cá của Việt Nam... Phải chăng, chúng ta càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới, phớt lờ những thiện chí của chúng ta, dù tình đoàn kết hợp tác Việt Nam - Trung Quốc từ xưa đến nay vẫn đang được Chính phủ và nhân dân Việt Nam coi trọng và không ngừng xây dựng, vun đắp
Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển, kèm theo đó là một vùng đảo, lãnh hải chủ quyền, quyền tài phán rộng lớn theo luật pháp và công ước quốc tế xác nhận, qui định. Việt Nam được xác định là một quốc gia biển nên sống về biển là một điều hiển nhiên và chúng ta cũng đã có Chiến lược phát triển kinh tế biển. Như vậy, biển được coi là "ruộng nhà, vườn nhà, sân nhà” của mình. Phải quyết tâm và quyết liệt bảo vệ Biển của mình. Thực tế hiện nay cho thấy, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của chúng ta, nhất thiết phải từng bước củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ từng bước hiện đại. Quan điểm quân sự, quốc phòng của Đảng ta, Nhà nước ta đã xác định, mạnh về quân sự và quốc phòng là cơ sở quan trọng để giữ vững an ninh chính trị, ngăn ngừa chiến tranh xâm lược và nếu tình huống xấu xảy ra sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Do đó, tăng cường sức mạnh quốc phòng, quân sự nói chung, sức mạnh quân sự trên biển nói riêng không nhằm vào để chống một nước cụ thể mà là nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo quốc gia, trực tiếp giữ vững an ninh vùng biển chủ quyền, bảo vệ ngư dân, chống hải tặc bảo vệ một trong những tuyến vận tải đường biển quan trọng của quốc tế...
Lịch sử hàng nghìn năm ông cha ta chống ngoại xâm đã chỉ rõ, kẻ thù nào xâm lược nước ta không sớm thì muộn cũng phải thất bại dù chúng có tiềm năng kinh tế, sức mạnh quân sự với lực lượng quân đội, vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại lớn hơn, vượt trội hơn Việt Nam nhiều lần. Sức mạnh chống ngoại xâm đó, trước hết bắt nguồn từ tình yêu đất nước, lòng tự tôn dân tộc, truyền thống hào hùng chống ngoại xâm của ông cha ta và cụ thể là tinh thần "Đánh cho sạch không kình ngạc”, "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng hy sinh tính mạng mình cho đất nước, cho Tổ quốc. "Sói biển” Mai Phụng Lưu đã bao lần bị Trung Quốc bắt giữ tàu thuyền, ngư cụ, bao nhiêu lần phải nợ nần để sắm lại tàu thuyền, ngư cụ vẫn quyết tâm, sẵn sàng ra khơi, bám biển, bám vùng lãnh hải của Tổ quốc. Người chiến sĩ điện đài trên nhà giàn DK1, trước bão tố, phong ba, khi nhà giàn đổ, biết sẽ hy sinh vẫn bình tĩnh đến bình thản gửi lời nhắn cuối cùng về đất liền, đến đồng đội "Nhà giàn đổ rồi, em đi đây, xin chào các anh ở lại”. Ý chí đó, tinh thần đó là sức mạnh Việt Nam, khó đất nước nào có và không có một kẻ thù xâm lược nào khuất phục được.
Và tất nhiên, đi kèm với sức mạnh chính trị, tinh thần là sức mạnh của vũ khí, trang bị quân sự. Sau chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược thành công, Việt Nam được dư luận phương Tây đánh giá có tiềm lực quân sự, quốc phòng mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Sức mạnh đó không ngừng được tăng cường, củng cố khi chúng ta đã tích cực nghiên cứu đưa những tiến bộ của khoa học - công nghệ tiên tiến vào để duy trì, cải tiến, phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, đáp ứng kịp với tác chiến trong chiến tranh hiện đại. Đồng thời, trong điều kiện có thể tiếp tục mua sắm thêm nhiều loại vũ khí, trang bị mới. Nhân dân ta vui mừng khi quân đội vừa qua được trang bị thêm máy bay Su 26, Su 30, tàu chiến, tàu ngầm hiện đại phát triển công nghệ thông tin trên biển, cũng nhiều vũ khí khí tài hiện đại khác. Ngoài lực lượng hải quân đang từng bước phát triển hiện đại, chúng ta đã thành lập và phát triển lực lượng cảnh sát biển. Thành tích của lực lượng này đã chứng minh chủ trương đúng đắn của Đảng ta, quân đội ta trong chiến lược phát triển kinh tế biển, bảo vệ an ninh trên biển, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên biển, nhất là trên các vùng biển xa, nơi quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Cả nước chung tay từng bước phát triển các đảo lớn, cụm đảo Trường Sa trở thành các điểm hậu cần nghề cá. Còn tại các địa phương ven biển nhiều nơi đã thành lập các tập đoàn đánh cá, đầu tư đóng mới nhiều tàu thuyền có công suất lớn để đi biển xa, đánh bắt dài ngày trên biển.
Phát triển kinh tế biển và yêu cầu bảo vệ vững chắc vùng biển đảo của Tổ quốc đòi hỏi tiềm lực quân sự, quốc phòng trên biển của nước ta càng phải tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa. Do vậy, để "sân nhà” không bị đe dọa, thậm chí bị lấn chiếm, ngoài sức mạnh về chính nghĩa, về ý chí và tinh thần... với những cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao... trên chính trường quốc tế, chúng ta không thể chậm trễ trong việc tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là tiềm lực về vũ khí, trang bị cho bảo vệ biển đảo. Ta cần có nhiều hơn tàu chiến, tàu hậu cần, máy bay, tàu ngầm hiện đại, tên lửa đất đối biển... Lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên biển cần nhiều hơn những loại tàu chịu được bão tố. Lực lượng cảnh sát biển cần có tàu lớn hơn để có thể vươn tới những vùng biển xa. Và lực lượng dân quân biển phải được củng cố, phát triển mạnh hơn nữa. Đó là những yêu cầu, nhu cầu chính đáng của chúng ta.
Mẫn Hà Anh
|
Không thể chậm trễ việc tăng cường sức mạnh trên biển
22.5.12
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Tin xem nhiều
Thông kê truy cập
Bài viết
Nhận xét
Lượt truy cập
Nhận xét
Lượt truy cập
Liên kết bạn bè
Lưu trữ Blog
- ► 2024 (996)
- ► 2023 (1790)
- ► 2022 (1967)
- ► 2021 (1996)
- ► 2020 (1671)
- ► 2019 (1254)
- ► 2018 (1315)
- ► 2017 (1334)
- ► 2016 (1532)
- ► 2015 (1388)
- ► 2014 (1771)
- ► 2013 (1888)
- ▼ 2012 (1215)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét