Chia sẻ

Tre Làng

Sự tăm tối của tâm hồn

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng ở mọi nơi, do sự hợp lý của các tài năng kinh doanh và sự bất hợp lý của những cơ cấu kinh tế xã hội, hay của chính con người. Lão Tử nói: Đạo của trời là đem chỗ nhiều bù chỗ ít. Đạo của người là đem chỗ ít bù chỗ nhiều.

Từ hồi có nền kinh tế thị trường, cái khoảng cách giàu nghèo ở nước ta ngày một gia tăng, nhất là tình trạng tham nhũng và sự tan vỡ của các khối tài sản công hữu, làm cho người ta giàu lên nhanh chóng, không phải vì tài năng kinh doanh hay sáng tạo gì cả. Kết quả là đất nước thì nghèo đi mà nhiều tư nhân ngày càng giàu lên, thậm chí bất chấp những cuộc khủng hoảng kinh tế có một số người vẫn tiếp tục giàu lên - điều phản ánh sự phi lý của kinh tế hiện đại và những nền kinh tế đang phát triển.

Giàu có bằng sức lao động, người ta vẫn có thể khoe khoang. Giàu có bằng chiếm đoạt, người ta càng dễ khoe khoang. Đó là một tâm lý rất bình thường. Cuộc thi giàu của hai đại gia cổ Trung Hoa là Vương Khải và Thạch Sùng đã trở thành truyền thuyết trong lịch sử.

Thạch Sùng thì rửa nồi bằng mật, Vương Khải rửa nồi bằng kẹo mạch nha. Thạch Sùng đun bếp bằng bạch lạp, Vương Khải đun bếp bằng ngân phiếu. Thạch Sùng khoe cây san hô cao ba trượng, Vương Khải cầm gậy sắt đập tan rồi đưa ra cây san hô cao chín trượng. Đại loại cuộc thi cứ diễn ra như vậy và được dân gian thêm thắt vào rất nhiều tình huống ly kỳ.

Cái tâm lý khoe của không có gì mới, mà nó thường trực trong người nông dân Việt Nam. Không có tiền thì đành chịu kham khổ, có rồi thì tô vẽ nhà cửa cố gắng cho khác người, điện thờ không thiếu thứ gì. Một thời kỳ bao cấp và chiến tranh gian khổ kéo dài, khi có điều kiện thì bao nhiêu ức chế cũ được xả ra gấp bội giống như một phản ứng ngược chiều. Tình dục, ăn uống, cờ bạc, tốc độ, hàng hóa xa xỉ... những thứ trước kia bị kìm hãm nay lật ngược cả lại.

Có hẳn một ngành công nghiệp phục vụ sự xa xỉ của các tỉ phú, các ngôi sao, các danh nhân, doanh nhân. Ôtô đắt tiền, du thuyền sang trọng, đồ trang sức quý, thời trang cao cấp... Ngành công nghiệp đó cũng tạo việc làm cho nhiều người, đặc biệt là những người có tay nghề cao và cũng là một cách phân phối bớt sự giàu có đang béo phì hơn. Cho nên, người ta thấy cũng không cần chỉ trích quá nhiều sự phô trương giàu có, mà trong lòng thấy nó thật thảm hại nhiều hơn.

Một đám cưới triệu đô đem lại việc làm cho hàng trăm người khó khăn, còn chờ mong người giàu làm từ thiện thì lâu lắm. Và thường là người làm ra sự giàu có ít khoe khoang hơn con cháu của họ - những người sinh ra đã ngồi trên đống vàng.


Nếu nhìn rộng hơn sẽ thấy sự tương đồng giữa một đám cưới phô trương với một đám ma xa xỉ hoành tráng của một thiền sư (thậm chí còn phổ biến hơn những đám cưới). Nó phản ánh sự tối tăm trong tâm hồn, sự dị đoan trong tín ngưỡng, sự giàu có đi ngược chiều với sự suy thoái của văn hóa.


PHAN CẨM THƯỢNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog