Trung Quốc đang tạo ra một loạt sự cố: nâng cấp địa khu để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa -Trường Sa của Việt Nam, gọi thầu quốc tế trong vùng đặc quyền kinh tế/thềm lục địa của Việt Nam, cử tàu tuần tra vào biển Việt Nam, sẽ cắm giàn khoan 981 ở biển Đông… Những sự kiện này diễn ra khi cuộc đối đầu Trung Quốc gây ra với Philippines chưa kết thúc hẳn.
Ngày 27.6, đại diện bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mở thầu quốc tế tại chín lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Trước đó, vào ngày 26.6, người phát ngôn bộ Ngoại giao ta đã khẳng định: Việt Nam cực lực phản đối việc làm ngang ngược của Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp.
Chủ định gây ra một loạt sự cố
Ông Đỗ Văn Hậu, tổng giám đốc PVN chỉ trên bản đồ 9 lô mà CNOOC vừa mời thầu nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tại cuộc họp báo ngày 27.6.2012. Ảnh: Getty Images
|
Bên cạnh việc cực lực phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, bộ Ngoại giao nước ta đã kêu gọi Trung Quốc nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế và bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Hành động ngang ngược nói trên của Trung Quốc diễn ra gần như cùng lúc với việc Trung Quốc nâng cấp địa khu đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là kịch bản được chuẩn bị sẵn, có tính toán sâu xa và chủ đích lâu dài.
Tuyên bố của người phát ngôn bộ Ngoại giao và tổng giám đốc tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) trong các ngày 26 và 27.6 đã chỉ rõ, chín lô dầu khí nà Trung Quốc đang gọi thầu nói trên hoàn toàn không phải nằm trong khu vực có tranh chấp mà thuộc chủ quyền Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Việc Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam không những xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, mà còn vi phạm UNCLOS là Công ước quốc tế mà Trung Quốc là thành viên, làm phức tạp thêm tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Chúng ta cũng đã kêu gọi các công ty dầu khí quốc tế không tham gia dự thầu chín lô dầu khí mà CNOOC gọi thầu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Cùng trong những ngày bộ Ngoại giao Việt Nam đang phê phán hành động sai trái nói trên của Trung Quốc, một nhóm tàu tuần tra bao gồm bốn tàu Hải giám Trung Quốc (CMS) đã di chuyển từ một thành phố duyên hải của Trung Quốc về phía Biển Đông của Việt Nam. Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết, nhóm tàu nói trên dự kiến thực hiện cuộc hành trình 4.500 km trong chiến dịch tuần tra này, thậm chí còn nhấn mạnh rằng các cuộc diễn tập theo đội hình sẽ được tiến hành nếu điều kiện hàng hải cho phép.
Trong một diễn biến liên quan khác, nhà nghiên cứu Lưu Phong, thuộc viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc, mới đây đã nói với hãng Reuters rằng với việc cải thiện công nghệ giàn khoan biển xa của Trung Quốc, giàn khoan Trung Quốc xâm nhập khu vực trung tâm và phía nam biển Đông chỉ là vấn đề thời gian. Hiện nay, hoạt động khoan thăm dò biển xa của CNOOC và hai trùm dầu mỏ quốc doanh khác của Trung Quốc đều ở các vùng biển dọc tuyến hoặc lân cận thềm lục địa, nhưng việc triển khai giàn khoan 981 trị giá 1 tỉ USD cùng với một số thiết bị khoan thăm dò đồng bộ đã phần nào cho thấy hoạt động khoan thăm dò của Trung Quốc có thể sẽ được đẩy xuống phía nam.
Tiến khả công, thoái khả thủ
Theo nghiên cứu viên nói trên, bất cứ quyết định nào về việc đi vào khu vực tranh chấp để khai thác dầu khí đều sẽ do các nhà hoạch định chính sách từ Bắc Kinh đưa ra chứ không phải là CNOOC. Một số chuyên gia thuộc ngành này cho rằng, trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở khu vực vẫn rất cao, bất cứ hoạt động khoan thăm dò nào đều ít khả năng xuất hiện trong khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, không loại trừ CNOOC - một công ty luôn cố gắng có tăng trưởng về sản lượng - có thể sẽ muốn tận dụng cơ hội “tinh thần dân tộc lên cao”, cố gắng tranh thủ Chính phủ Trung Quốc ủng hộ kế hoạch thăm dò dầu khí biển sâu của họ.
Chính tờ “Thời báo Hoàn cầu” (tờ báo chính thức của Đảng cộng sản Trung Quốc) ngày 25.6 cũng công khai thừa nhận việc Trung Quốc nâng cấp địa khu để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam không phải là phản ứng bị động của Trung Quốc sau khi Việt Nam thông qua luật Biển ngày 21.6 mà là việc làm chủ động của Trung Quốc, nhất cử lưỡng tiện, “tiến khả công thoái khả thủ”. Và như chính tờ báo này thừa nhận, vượt qua “tuyên bố chủ quyền đối ngoại” thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh trong việc quản lý các vùng biển, đảo liên quan đến Biển Đông, việc làm này có sức nặng hơn việc thông qua luật Biển (!) và sự chủ động này của Trung Quốc là do Việt Nam và Philippines ép buộc (!)
Trong khi đó, trả lời các cơ quan truyền thông trong nước, ông Phạm Bình Minh, bộ trưởng bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định: “Với việc Quốc hội thông qua luật Biển Việt Nam, chúng ta đã chuyển một thông điệp quan trọng đến cộng đồng quốc tế. Đó là: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982, phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng cam kết rõ: “Đây là chủ trương nhất quán của Nhà nước ta. Chúng ta đã, đang và sẽ kiên trì thực hiện chủ trương này. Trên thực tế, đến nay chúng ta đã giải quyết được một số tranh chấp với các nước láng giềng. Ví dụ năm 1997, ta cùng Thái Lan phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; năm 2000, cùng Trung Quốc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ; năm 2003 cùng Indonesia phân định thềm lục địa...”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét