Xung quanh vụ “Hoa hậu bán dâm”, hôm qua, báo chí đã tung những cái tít thật đáng “tự hào”: “Nông dân săn hoa hậu”, “Người mua dâm là… đại gia chân đất”. Ấy thế mà không hiểu sao trên nghị trường, bàn về chuyện đầu tư cho tam nông, Đại biểu QH Bùi Mạnh Hùng lại vẫn nói về tình trạng “Người dân còn nghèo nhưng bắt buộc phải thoát nghèo”.
Câu chuyện “nông dân săn hoa hậu”, hay “địa phương muốn được công nhận thoát nghèo” nghĩ thật khốn khổ cho mấy anh dân cày. Bởi hiện thực- như ông Hùng nói- “chuẩn nghèo hiện nay mới chỉ đáp ứng được 48% nhu cầu thực tế” đã thực chất là sự tước đoạt quyền của người nghèo. Đang có một cách nhìn rất khác giữa chính quyền và nông dân. Chính quyền thì chỉ cần thành tích thoát nghèo của địa phương trong khi “Người nông dân rất thực tế, họ không cần những thành tích ảo”- lời ông Hùng. Cách nhìn quy định tầm nhìn. Và nếu tầm nhìn chỉ nhắm tới một câu trong bản báo cáo thành tích mỗi cuối năm thì tầm nhìn đó rõ ràng là không quá cái đít trâu. Tỷ lệ tái nghèo liên tục cao hơn tỷ lệ thoát nghèo chính là một trong những hậu quả của tầm nhìn đít trâu. Ấy thế là không ít đại biểu của dân hôm qua đổ tại cho “sự ỷ lại” của người dân, rằng họ chỉ muốn được nghèo để hưởng “quả sung chính sách”. Cách nhìn đó có khác gì cách nhìn “nông dân săn hoa hậu”?
Hôm qua, QH dành nguyên ngày thảo luận về việc đầu tư cho tam nông. Bên cạnh những câu chuyện khôi hài tồn tại dưới dạng câu hỏi, đại loại “1 xã đào tạo nghề sửa chữa xe máy cho 50 người thì hành nghề ở đâu?”, cũng có vô số những vướng mắc, tồn tại thuộc về phạm trù “tầm nhìn”. Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ vốn đưa cơ giới về đồng ruộng, chẳng hạn chủ trương “nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn”. Những chính sách, những chủ trương đó là đúng. Chỉ có điều nó không thực tế, nó mâu thuẫn với những chính sách, chủ trương khác. Chẳng hạn với quy định máy móc được hỗ trợ phải là loại “có tỷ lệ nội địa hóa 60% trở lên”, trong khi những con “trâu sắt” này thực tế “không đủ sức kéo cày”. Hay việc cơ giới hóa sản xuất, “nền sản xuất hàng hóa lớn” lại được thực hiện trong hoàn cảnh hạn chế về hạn điền. Liệu có anh hai lúa, ba lúa nào có thể “xây dựng một nền sản xuất hàng hóa lớn” trên những mảnh ruộng không lớn quá… bàn tay?
Càng nghĩ càng thấy các nhà hoạch định nên đi gặp bác sĩ viện mắt. Một đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, một nền nông nghiệp “điểm tựa” của cả nền kinh tế, thế mà đến giờ vẫn mang trong mình căn bệnh “được mùa rớt giá”, nói như đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé- chỉ vì chủ trương xây dựng kho dự trữ lúa gạo “hầu như còn trên giấy”, chỉ vì những cái trạm bơm, được phê duyệt từ 2009 đến giờ vẫn mất tích trên giang hồ.
Sự bất công cho tam nông còn được thể hiện cực rõ qua các con số FDI vào nông nghiệp và nông thôn vừa quá thấp, vừa có xu hướng giảm dần (Năm 2001 là 8% FDI cả nước, đến 2010 chỉ còn…1%). Trong suốt 10 năm qua, tổng vốn đầu tư đăng ký trong nông nghiệp chỉ 2,3% vốn đầu tư của cả nước.
Sẽ là quá lạc quan nếu coi đây không phải là “bệnh đau mắt”.
Bởi trong khi QH bàn về chuyện đầu tư cho tam nông thì ở Đồng Tháp, giá gạo giằng co, nông dân lỗ nặng. Tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL. Dâu tây Đà Lạt hết thời. Giá Heo giảm khiến nông dân “treo chuồng”. Điều ế. Hạt tiêu khó tăng. Còn Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp đang mải tranh luận xung quanh chính sách hỗ trợ tạm trữ đường.
Nông dân, diêm dân, ngư dân, chính là những chủ thể của tam nông được bàn đên hôm qua. Nhưng họ nhạy cảm với sự nghèo khó đến nỗi, chẳng hạn chỉ với một cơn mưa dông, 600 diêm dân ở Quảng Ngãi lập tức trở thành tay trắng.
Với những người phải tính từng xu cho cái miệng, nói “nông dân săn hoa hậu” với những con số ngàn USD, quả thực là xúc phạm đến… Franklin. Ông nào đã bao giờ được “gặp mặt, nằm túi” nông dân nước Nam ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét