LâmTrực@
Gần đây tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh lại xuất hiện những cuộc biểu tình chống hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông giống như hồi này năm ngoái.
Dĩ nhiên có biểu tình thì phải có khẩu hiệu. Bởi khẩu hiệu là ngọn cờ tập hợp người tham gia biểu tình. Khẩu hiệu chính là nội dung, là yêu cầu đòi hỏi, là mục đích muốn đạt tới điều gì đó về chính trị, kinh tế và xã hội… mà người biểu tình đặt ra và hướng tới…
Hôm nay Tiến sĩ Phạm Gia Minh - một cây bút khá quen thuộc với độc giả các báo và trang mạng điện tử, trong đó nổi bật là với báo VietnamNet - đã gửi cho trang blog của tôi bài viết nhan đề “ANTI CHINA”.
Bài viết đã đề cập tới các cuộc biểu tình nói chung nhưng tập trung bàn sâu về nội dung và ý nghĩa của khẩu hiệu biểu tình.
Dòng tiếng Anh ở tít bài nói trên chính là một trong những khẩu hiệu được những người biểu tình lựa chọn và giương cao. Nhìn nhận nội dung câu khẩu hiệu này ra sao, nên hay không nên tiếp tục sử dụng khẩu hiệu như thế này chính là các ý kiến bàn đến của tác giả Phạm Gia Minh.
Nhận thấy những ý kiến phân tích và lý giải của Tiến sĩ Minh rất nghiêm túc và có ý nghĩa thực tiễn trong đời sống chính trị xã hội hiện nay, nên sau khi được sự đồng ý của tác giả, chủ blog tôi xin giới thiệu với bạn đọc.
Rất mong nhận được những ý kiến phản hồi.
-----
ANTI CHINA ?
Trong các cuộc tuần hành hòa bình mang tính tự phát, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo diễn ra hiện nay ở Hà Nội và nhiều thành phố khác, nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đã có dịp cảm nhận một cách sinh động truyền thống yêu nước vốn luôn thường trực trong huyết quản con người Việt Nam mỗi khi sơn hà gặp nguy biến.
Nhân dân có nhiều sáng kiến như mặc áo NO-U ( nói không với đường lưỡi bò), giương cao Quốc kỳ và bản đồ Tổ quốc gắn liền lãnh hải có Hoàng Sa- Trường Sa, ủng hộ Luật Biển mới được Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước đã phê chuẩn, ủng hộ Luật quốc tế UNCLO và bộ Quy tắc ứng xử COC v.v…Tất cả đã cho thấy kẻ xấu không dễ gì xúi giục người tham gia tuần hành để kích động họ có những hành vi gây rối trật tự xã hội.Thời nay yêu nước không thể chỉ bằng trái tim nóng mà còn cần cả cái đầu tỉnh táo và cách hành xử mưu lược nhưng quyết đoán và bản lĩnh nữa. Phân biệt rõ kẻ thù là quan trọng nhưng phải hiểu được nộit ình cũng như lực lượng của đối phương mới đảm bảo thắng lợi.
Trên một số biểu ngữ trong các cuộc tuần hành thấythấp thoáng khẩu hiệu ANTI CHINA khiến dư luận dễ lầm tưởng đây là một cuộc kỳ thị sắc tộc giữa hai quốc gia , và nếu như vậy sẽ có cảnh nhân dân hai nước đối đầu nhau một cách không cần thiết. Việc xâm chiếm Biển Đông trắng trợn bất chấp Luật pháp quốc tế và Lịch sử là mưu đồ và hành động phiêu lưu của một bộ phận hiếu chiến trong giới cầm quyền Bắc Kinh vốn được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa Đại Hán đã lỗi thời. Thực tế là trong nhân dân Trung Quốc cũng có những tiếng nói dũng cảm, tôn trọng sự thật và kiên quyết phản đối hành động xâm lược này. Ví dụ như nhiều học giả Trung Quốc trong cuộc hội thảo ngày 14/6/2012 do Viện kinh tế Thiên Tắc tổ chức cùng trang báo mạng Sina.com ( 4) cùng biên tập viên Tân Hoa Xã Chu Phương đã cực lực phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông, đòi xóa bỏ cái gọi là thành phố Tam sS của Trung Quốc (1), hay giáo sư Ngô Kiến Dân, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc, người đã từng là phiên dịch tiếng Pháp cho các lãnh tụ Trung Quốc như Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đã thẳng thắn tuyên bố về chính sách của lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay ở Biển Đông là một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan không thể chấp nhận được… (2). Cùng quan điểm đó, vào ngày 20/7/2012, học giả cũng là nhà bình luận nổi tiếng của trang mạng Phượng Hoàng (Hồng Kông, Trung Quốc) - ông Tiết Lý Thái - đã đưa ra ý kiến phân tích kỹ lưỡng sự đuối lý về mọi mặt yêu sách “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đòi hỏi (3)
Cũng nên nhìn nhận một thực tế là người dân Trung Quốc hiện nay cũng đang là nạn nhân của tệ tham nhũng tràn lan, bất bình đẳng giàu – nghèo, cướp đất, ô nhiễm môi trường, cắt xén an sinh xã hội, đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng. Hàng trăm triệu cư dân các tỉnh phía Nam Trung Quốc sát ViệtNam vốn dĩ là hậu duệ của các quốc gia Bách Việt trước đây sau đó đã bị người Hán từ Phương Bắc tràn xuống thôn tính và đồng hóa vô cùng tàn bạo. Có lẽ Việt Nam là tộc người duy nhất trong khối Bách Việt đó còn tồn tại như một quốc gia độc lập, có chủ quyền, văn hóa và chữ viết riêng. Những mâu thuẫn âm ỉ giữa người Hán và các sắc dân thiểu số khác vẫn là một vấn đề nan giải trong xã hội Trung Hoa ngày nay. Trước áp lực ngày càng gia tăng khi mà hàng năm có tới hàng trăm ngàn cuộc biểu tình, bạo loạn nên nhà cầm quyền phải tìm cớ gây chiến bên ngoài để làm lạc hướng quần chúng bằng thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi mà kết cục luôn là mất mát và tổn thất về nhân mạng, của cải vật chất của từng gia đình nhân dân Trung Quốc vốn ngày nay chỉ được có 1 con. Nguồn tài nguyên dầu mỏ và hải sản cướp được từ vùng biển các quốc gia ASEAN sẽ không giúp kinh tế Trung Quốc phát triển bền vững mà đó chính là quả bom hẹn giờ không dễ gì có thể gỡ được khiến quốc gia này đi vào ngõ cụt. Lịch sử oai hùng của các đế quốc xưa nay đều kết thúc ở những cuộc viễn chinh bên ngoài diễn ra cùng mâu thuẫn và bất ổn bên trong sau những tham vọng bành trướng không tưởng của giới cầm quyền. Đế chế La Mã, Nguyên - Mông, Đức quốc xã , Liên Xô hùng mạnh một thời đều không cưỡng nổi số phận đó và dường như lịch sử lại đang lặp lại với những ai không chịu từ đó mà rút ra bài học.
Trong một thế giới “phẳng” với công nghệ truyền thông Internet tiên tiến nên chăng cần có những diễn đàn chung cho nhân dân và trí thức Việt Nam - Trung Quốc trao đổi về những vấn đề biển đảo, những mối quan tâm chung rất thiết thực của họ trong đời sống hiện nay như đấu tranh chống quan tham tại địa phương, bảo vệ quyền con người được sống trong một môi trường nhân văn, lành mạnh và hòa bình … Sự trao đổi thông tin tạo sự hiểu biết lẫn nhau trong nhân dân sẽ góp phần ngăn chặn những ý đồ hiếu chiến từ những kẻ cầm quyền. Và nếu Việt Nam chúng ta biết xây dựng cho mình một xã hội tự do - dân chủ, lành mạnh hơn những hình mẫu xã hội bất hợp lý mà người dân Trung Quốc đang phải chịu đựng thì sức thuyết phục cho chính nghĩa Việt Nam lại càng được củng cố trong tâm trí cộng đồng quốc tế, trong đó có số đông của 1,3 tỷ nhân dân Trung Hoa . Chính nghĩa phải là sự hướng thiện và hội nhập với những giá trị nhân đạo chung của nhân loại mà không thể song hành với mọi hình thức đàn áp toàn trị đang đi vào quá khứ.
Kêu gọi tinh thần dân tộc hẹp hòi hay kích động tâm lý chiến tranh xâm lược một quốc gia khác theo lối huênh hoang “dạy cho ai đó một bài học” trên thực tế luôn đem lại thất bại cho chính kẻ gây chiến. Thế giới ngày nay của cộng đồng các dân tộc văn minh với những chế tài nghiêm ngặt không còn là khu rừng hoang cho những kẻ hiếu chiến, tham lam mặc sức hoành hành.
Vậy thì khi đi tuần hành hòa bình thể hiện lòng yêu nước bảo vệ biển đảo quê hương nên chăng chúng ta cũng cần có tinh thần tranh thủ sự đoàn kết quốc tế và biết phân hóa đối phương bằng cách thay khẩu hiệu ANTI CHINA (chống Trung Quốc) bằng ANTICHINESE AGGRESSORS (chống Trung Quốc xâm lược). ?
Cái cốt cách “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn” của dân tộc Việt Nam ta như Nguyễn Trãi đã tuyên ngôn mấy trăm năm trước đến hôm nay vẫn nguyên thế.
Thăng Long – Hà Nội 25/7/2012
TS. Phạm Gia Minh
-----
(1). Tienphongonline 19/7/2012
(2) tamnhin.net 16/7/2012
(3) VOV online, tin của Xuân Dần, phóng viên thường trú tại Bắc Kinh
(4) Đất Việt Online 24/7/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét