Chia sẻ

Tre Làng

NHỮNG TIẾNG NÓI TÔN TRỌNG LẼ PHẢI VÀ SỰ THẬT

Lập trường và những hành động sai trái của phía Trung Quốc với những bước đi nhằm để hợp thức hóa cái gọi là Đường 9 đoạn (hay còn gọi là Đường lưỡi bò) không được chính những học giả, nhà khoa học của nước họ ủng hộ.

Trung Quốc đang tạo những bước đi nhằm để hợp thức hóa cái gọi là Đường 9 đoạn (hay còn gọi là Đường lưỡi bò), coi thường Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà họ đã cam kết. Thế nhưng, lập trường và những hành động sai trái của phía Trung Quốc không được chính những học giả, nhà khoa học của nước họ ủng hộ.

Như Tiền Phong đã đưa, ngày 14-6-2012 vừa qua, một cuộc hội thảo mang tên “Nam hải tranh đoan, quốc gia chủ quyền dữ quốc tế quy tắc” (Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế) đã được Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com tổ chức tại Viện NCKT Thiên Tắc.

Doãn Văn Cường, một chuyên gia uy tín về biển của chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận: Ông không thể lý giải về nguồn gốc lịch sử của cái gọi là Đường 9 đoạn. 

Tại hội thảo, nhiều học giả đã mạnh dạn phát biểu bác bỏ những luận điểm sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc về yêu sách Đường 9 đoạn (Đường lưỡi bò) trên Biển Đông và chủ trương dựa vào luật pháp quốc tế cùng Công ước LHQ về Luật Biển 1982 để giải quyết mọi tranh chấp.

Tiền Phong đã trích dịch và đăng ý kiến của học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa trên số báo Tiền Phong Chủ nhật ra ngày 24-6-2012. Theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc, Tiền Phong xin trích dịch tiếp ý kiến của một số học giả tại cuộc hội thảo này cùng ý kiến của các cơ quan truyền thông Hoa ngữ.

Giáo sư Triết học Hà Quang Hộ, Đại học Nhân dân Trung Quốc: Là con người phải giữ nhân tính. Chúng ta đều là người, không phải là dã thú sống trong rừng rậm. Trong quan hệ người với người, không chỉ biết yêu bản thân mình, mà nhất định phải tính cả đến lợi ích của người khác…Nói về vấn đề Nam Hải (Biển Đông), các chuyên gia Viện Nghiên cứu Hải dương chỉ ra rằng (việc) ta (Trung Quốc) kiên trị Đường 9 đoạn có lẽ có vấn đề.

Tôi không phải chuyên gia, chỉ nhìn vào bản đồ với tư cách một người bình thường, người dân các nước xung quanh cũng nhìn vào bản đồ của chúng ta vẽ.

Nếu ý nghĩa của cái gọi là Đường 9 đoạn như chúng ta thấy là đường biên giới quốc gia của Trung Quốc trên Nam Hải được vẽ sát vào bờ biển Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei như thế, (thì) tôi không tin là những quốc gia đó có thể chấp nhận.

Nếu Nam Hải được vẽ thành một “nội hải” (của Trung Quốc) như vậy, thì các nước khác cần vận tải trên biển cũng không thể chấp nhận, như thế sẽ trở thành tranh chấp mãi mãi.

Dĩ nhiên là không lợi với các nước đó, cũng không có lợi cho Trung Quốc. Cách tốt nhất là tôn trọng các điều khoản liên quan của Luật Quốc tế, Luật Biển, phấn đấu hoạch định dứt điểm trong hòa bình và hữu hảo… Tóm lại, trong ngoại giao phải chú trọng đạo nghĩa.

Chúng ta không được xem thường điểm này: Chúng ta đang sống trong một thế giới mọi người dựa vào nhau để tồn tại, chúng ta muốn sống thì cũng phải để cho người khác sống.

Giáo sư Thường Hội Bằng, Học viện Quan hệ quốc tế Bắc Kinh: Trong trật tự quốc tế hiện nay, hành vi không mang tính xác định của Trung Quốc gây lo ngại cho các quốc gia xung quanh. Đối với Trung Quốc, có một vấn đề là làm thế nào chấp nhận các quy tắc quốc tế hiện hữu, như tôn trọng Công ước LHQ về Luật Biển.

Trong giải quyết vấn đề này, chúng ta bên cạnh việc giữ lãnh thổ, giữ được lợi ích quốc gia mình, đồng thời cũng phải xem xét đến quy tắc quốc tế.

E rằng, chúng ta phải thừa nhận: Ở Nam Hải (Biển Đông), phân chia cương vực là một vấn đề cần phải thảo luận, chỉ có thể được giải quyết thông qua hiệp thương, đàm phán. Trung Quốc cần bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề này một cách lý tính.

Trong nước ta có một số dư luận khiến người ta cảm thấy mất lý tính. Cơ hồ họ cảm thấy Trung Quốc nay đã hùng mạnh, có thể đánh một trận… Nếu không giữ được tỉnh táo, khinh suất sử dụng vũ lực, sẽ không lợi cho sự trỗi dậy của Trung Quốc… Chúng ta cần tỏ cho các nước xung quanh, cho cả thế giới thấy chúng ta trỗi dậy hòa bình. Nếu tính sai, quyết đánh một trận thì sẽ ảnh hưởng đến cả chiến lược của Trung Quốc.

Vấn đề Nam Hải (Biển Đông), tôi chủ trương cần giải quyết bằng biện pháp phi quân sự... Một mặt, chúng ta cần làm tốt công tác (tuyên truyền) cho dân chúng trong nước không phải Đường 9 đoạn đã là lãnh thổ chúng ta, thừa nhận đó là vấn đề chưa được giải quyết trong lịch sử.

Trong quá trình đó, phải tôn trọng quy tắc quốc tế… Chúng ta cần phải xử lý quan hệ quốc tế một cách lý tính (tỉnh táo), không được để đầu óc bốc hỏa.

Trương Kỳ Phàm, Giáo sư Học viện Pháp luật, ĐH Bắc Kinh: Trung Quốc khi xử lý vấn đề quốc tế, đặc biệt là những vấn đề liên quan lãnh thổ, trước hết cần có thái độ cơ bản, đó là: Tôn trọng pháp luật.

Xem chừng trong việc xung đột lợi ích giữa ta với rất nhiều nước, một số cách làm của ta không chú ý đến mặt lý, nhất là các cư dân mạng.

Mọi người trong vấn đề này thường không đếm xỉa đến mặt lý. Hễ có tranh chấp là tập hợp lại, chỉ cần người khác tranh chấp lãnh thổ với ta là nhất định (cho rằng) ta đúng, bất kể theo đạo lý nơi đó có phải của ta hay không cũng cứ nhất định (cho rằng) là của ta.

Thái độ đó, lô-gic đó không hay, không thể cứ liên quan lợi ích là bất chấp đúng sai. Tôi rất không đồng tình với kiểu hành xử chính trị quốc tế luật rừng. Là nước lớn chúng ta phải tôn trọng quy tắc.

Có thể thấy một số điều chúng ta đưa ra thực tế không thể đứng vững. Ví dụ sự quy thuộc trong lịch sử. Bản thân vấn đề này khá hàm hồ… Lịch sử không thể quyết định tất cả, không thể nói nơi ấy trước đây của tôi nên nay nhất định phải là của tôi.

Cần giải quyết theo Luật Quốc tế, theo Luật Biển. Bao gồm cả việc khi hai bên chưa đạt được nhất trí thì cần giao cho cơ quan trọng tài quốc tế có uy tín đưa ra phán quyết cuối cùng…

Phóng viên Hãng Reuters David Lague viết bài đăng trên trang web bằng tiếng Trung ngày 25-5: Trung Quốc căn cứ cái gọi là Đường 9 đoạn để yêu sách lãnh thổ của mình trên Biển Đông, khiến cho khoảng 90% diện tích 3,5 triệu cây số vuông của nó quy vào bản đồ của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Hoa Dân quốc lần đầu tiên chính thức công bố đường biên giới mơ hồ này trên bản đồ, sau đó, chính phủ CHND Trung Hoa tiếp tục kế thừa chủ trương đó.

Mặc dù, Trung Quốc gắng hết sức tìm kiếm chứng cứ lịch sử để hậu thuẫn cho chủ trương về lãnh thổ ấy, nhưng họ có rất ít chứng cứ có thể giải thích cho nguồn gốc của Đường 9 đoạn.

Tháng 9-2008, khi Wikileaks công bố các bức điện mật của các quan chức ngoại giao Mỹ cho thấy: Báo cáo của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh nói: Doãn Văn Cường, một chuyên gia uy tín về biển của chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận: Ông không thể lý giải về nguồn gốc lịch sử của cái gọi là Đường 9 đoạn.

Hãng tin quốc tế Hoa ngữ Đa chiều (DWNews) ngày 15-6 đăng bài “Lập trường mù mờ của Trung Quốc về Đường 9 đoạn”.

Bài báo viết: “Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền với vùng nước rất gần bờ biển của Việt Nam mặc dù khu vực này cách những đảo mà họ rêu rao là có chủ quyền hàng mấy trăm hải lý.

Cơ sở pháp lý duy nhất có thể hậu thuẫn cho chủ trương ấy của Trung Quốc tựa hồ chỉ là: Nó nằm trong Đường 9 đoạn. Điều này hiển nhiên không được Việt Nam chấp nhận và coi là trái với Luật Quốc tế... Vấn đề chủ quyền lãnh thổ có thể đưa ra trọng tài quốc tế.

…Tranh chấp về mỏ dầu của Trung Quốc với Việt Nam hoàn toàn nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được hoạch định bắt đầu từ lục địa của nước họ.

Việt Nam cho rằng những khu vực mỏ dầu này không tồn tại tranh chấp vì chúng cách rất xa bất cứ khu vực đang có tranh chấp nào, bất cứ một hòn đảo nào có thể sử dụng để hoạch định vùng đặc quyền kinh tế cũng đều cách rất xa.

Còn Trung Quốc thì lại cứ cho rằng họ có chủ quyền và quyền quản lý đối với vùng biển có mỏ dầu.

Nói đến “chủ quyền và quyền quản lý” của Trung Quốc ở Nam Hải thì không thể không nói đến Đường 9 đoạn. Bản đồ Đường 9 đoạn của Trung Quốc được chính phủ Trung Hoa Dân quốc chính thức công bố lần đầu năm 1948, sau được chính phủ CHND Trung Hoa kế thừa.

Đường 9 đoạn bao phủ phần lớn diện tích toàn bộ Nam Hải. Đói với các nước như Việt Nam và Philippines, việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với toàn bộ vùng nước bên trong Đường 9 đoạn hoàn toàn trái ngược luật quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển.

Người ta cho rằng Trung Quốc không có bất cứ căn cứ pháp luật nào cho chủ trương đòi chủ quyền đối với vùng nước bên trong Đường 9 đoạn, trừ phi những khu vực thuộc lãnh hải các đảo của Trung Quốc”.

Giáo sư Chính trị quốc tế ĐH Trung Hưng Đài Loan Tống Yến Huy cũng cho rằng: Đường (Lưỡi bò) này được tuỳ tiện vạch ra, cũng chẳng có toạ tiêu (điểm xác định bằng kinh, vĩ độ) chuẩn xác.

Cho đến nay, nhiều người vẫn không thể hiểu được phương pháp thể hiện của cái đường này. Cả chính phủ Trung Hoa Dân quốc (Quốc dân Đảng) và CHND Trung Hoa đều chưa làm rõ được bản chất của đường này hoặc địa vị pháp luật của vùng nước mà nó khoanh vào.

Giáo sư Luật Đại học Quốc lập, Đài Loan Du Khoan Tứ cũng khẳng định: Đường ranh giới hình chữ U (Đường 9 đoạn) không những được xác định trước khi có Công ước Geneva 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải và UNCLOS 1982, mà còn không có điểm cơ sở, cũng không có mốc kinh độ, vĩ độ, vì thế nó khó có thể được coi là một đường biên giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog