LâmTrực@
Chuyện ngày nảy ngày nay kể rằng, có hai cô gái lên phòng chat túm lấy nhau tâm sự đôi ba chuyện bực bội nào đó trong cuộc sống. Cô này muốn diễn tả cái sự phẫn nộ tột bậc của mình với chuyện tăng giá vô lý của mấy bà tiểu thương ngoài chợ nhưng lại không thể nào dùng mấy chục chữ cái mà viết ra những lời lẽ giống với mấy bà tiểu thương, đành phải giữ phím shift rồi cứ thế đập bừa tay vào hàng phím thứ hai từ trên xuống để ra một chuỗi ký tự $!^#&@*. Cô kia nhìn chuỗi ký tự và nghiễm nhiên ngầm hiểu rằng bạn mình vừa… văng tục. Thật là tiện lợi!
Chuyện ngày nảy ngày nay kể rằng, có hai cô gái lên phòng chat túm lấy nhau tâm sự đôi ba chuyện bực bội nào đó trong cuộc sống. Cô này muốn diễn tả cái sự phẫn nộ tột bậc của mình với chuyện tăng giá vô lý của mấy bà tiểu thương ngoài chợ nhưng lại không thể nào dùng mấy chục chữ cái mà viết ra những lời lẽ giống với mấy bà tiểu thương, đành phải giữ phím shift rồi cứ thế đập bừa tay vào hàng phím thứ hai từ trên xuống để ra một chuỗi ký tự $!^#&@*. Cô kia nhìn chuỗi ký tự và nghiễm nhiên ngầm hiểu rằng bạn mình vừa… văng tục. Thật là tiện lợi!
Hồi xưa, khi chưa có cách giao tiếp qua mạng cũng chưa có phím shift, số “cơ hội” để một cô gái chưa chồng đẩy một từ không mấy đẹp đẽ tuột ra khỏi suy nghĩ chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi: Vài lần mắng chó chửi mèo (nếu nhà cô có nuôi chó mèo), vài lần nhân danh chị gái dạy dỗ đứa em nghịch ngợm (nếu nhà cô có đứa em nghịch ngợm), bức xúc lắm thì một đôi lần tìm một góc vắng chui vào tuôn ra mấy câu cộc cộc vu vơ. Sở dĩ như vậy vì cuộc sống ngày xưa không nhiều tính cạnh tranh, người ta ít quay cuồng với chuyện bon chen giành giật nên cũng ít bị stress hơn. Mà đã gọi là “thiếu nữ con nhà” thì chỉ quanh quất khuê phòng, không va chạm giao tiếp với bên ngoài nhiều, lại luôn được bà, mẹ hay chị nhăm nhe nhắc nhở từng lỗi phát âm hòng rèn cho “con bé” chữ ngôn trong tứ đức. Đâm ra việc văng tục trở thành đặc quyền của bọn con trai hùng hổ và đám con gái “nhà không có người giáo dục”.
Nhưng đó là chuyện của năm một nghìn chín trăm lâu lắm. Còn bây giờ là thế kỷ XXI, hội nhập rồi, từ góc bếp bước thẳng ra biển lớn rồi, mọi thứ diễn ra thật nhanh, áp lực cho người con gái cũng thật nặng. Các thiếu nữ mười bảy mười tám không còn được phép học cầm chừng rồi ru rú trong nhà chăm lo nấu nướng thêu thùa nữa mà phải vừa đỗ đại học nguyện vọng một khoa tiếng Đức vừa biết nấu một lúc mấy mâm cỗ đặc sệt Việt Nam đãi họ hàng. Các cô gái hăm tư hăm nhăm cũng không còn được phép làm ở một cơ quan hành chính lương ba cọc ba đồng để có thể thảnh thơi đi chợ hay đan len nữa mà phải vừa lo báo cáo quý ba ở công ty liên doanh với Đài Loan vừa nhớ sinh nhật mẹ bạn trai để làm bánh kem kiểu Pháp. Căng thẳng lắm! Mà nhiều chuyên gia đã phát biểu trên báo chí đại ý rằng việc nói ra một đôi câu không thanh nhã sẽ khiến người ta bớt căng thẳng hơn. Chẳng thế mà thỉnh thoảng ở chỗ này chỗ kia, sang trọng lịch sự hẳn hoi, bà con lại tá hoả vì một số từ không tiện kể vào đây được phát ra từ miệng những cô gái trông qua ngoại hình rõ nhu mì lại còn đeo kính cận.
Thôi thì ngoài lý do stress muôn thuở, cũng phải tìm thêm cớ này cớ khác mà biện hộ cho những bóng hồng (nói chung là) dễ thương ấy. Rằng hình như cái cô vừa văng lung tung ấy là gái đã có chồng, thấy mình yên bề rồi nên bớt khép nép ý tứ đi chăng? Rằng cái thói già mồm ngoa ngoắt của đàn bà con gái đã được ghi vào giai thoại dân gian rồi, chấp làm gì! Rằng cả thế giới người ta “tưng bừng” nói tục, ở nước đây bang đó người ta còn biến những câu khó nghe thành bài thành bản có đàn có trống đệm theo để ra dòng nhạc này nọ phát ra rả trên MTV, bảo sao giới trẻ không bị nhiễm… Nhưng dù có đem cả toàn cầu hoá, APEC, WTO lẫn PNTR ra mà bào chữa thì cũng chẳng giúp các thiếu nữ nói bậy thoát được cái tội làm hư hại thuần phong mỹ tục. Chi bằng tìm mẹo nào biến những lời văng tục trở nên duyên dáng hơn để sao cho khi nói ra cô gái vừa làm xẹp được cơn cáu giận trong người vừa gây cười được cho người nghe đặng giảm tội đi chừng nào hay chừng ấy.
Có một mẹo khá hữu hiệu để các quý cô giữ chút duyên trong cái việc không duyên tí nào này: Tìm trong văn học hoặc phim ảnh các câu nói trứ danh của nhân vật, chẳng hạn như “Mẹ cha con Nở” của Chí Phèo hay “Con bà nó” của Vi Tiểu Bảo, gặp việc bực dọc thì đem ra dùng tạm. Dù sao, có đôi cánh nghệ thuật nâng đỡ, câu nói tục sẽ trở nên dễ chấp nhận hơn. Những lời khó lọt tai sẽ trở nên dí dỏm với một số thính giả chăm xem chăm đọc. Còn nếu có ai vẫn ngu ngơ thắc mắc thì quý cô có thể nén nỗi bức xúc riêng mà nhẹ nhàng giải thích rằng lời này đã trích dẫn từ đấy từ kia cho người ta, sẽ được tiếng là thanh nữ am hiểu.
Nhưng nói thật, mẹo ấy cực chẳng đã mới phải dùng thôi, chứ nhấm chút đường phèn vào lưỡi để nói lời hay ý đẹp thì vẫn dễ cho các cô hơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét