Lâm Trực - Đôi khi tôi chợt nghĩ, nhân gian hợp rồi li, chân chính đau đớn nhất không phải là bản thân của sự-chia-tay ấy, mà là ở những kí ức, cùng sự nuối tiếc khôn nguôi ở lại.
Tôi, có những mối tình đi qua không để lại chút gì vấn vương, cũng có, đôi khi không phải là một cuộc-tình đích thực mà chỉ là đôi ba kỉ niệm, nhưng khi chợt nhớ về, lại thấy lòng mình buồn tím ngắt.
Tôi thích dùng cụm từ buồn tím ngắt. Nó buồn thật, nhưng lại nhuốm một vẻ gì đó lãng mạn, một kiểu lãng mạn rất trai trẻ, đam mê và đầy tưởng nhớ. Người ta gọi đó là thời-hoa-đỏ. Lũ chúng ta đây chưa già đến mức phải nuối tiếc về cái thời đẹp đẽ ấy, nhưng đôi khi, lúc nào đó, có thể là bên ly cafe đắng buổi sớm mai, có thể không vì lí do nào cả, bất chợt, chúng ta lại nhớ về một thời yêu đắm say nào đó đã qua (dù điều đó không có nghĩa là ta đã mất khả năng lại yêu say đắm).
Tôi đã nghĩ rằng, mình phải giới thiệu bài thơ 'Thời hoa đỏ' của nhà thơ Thanh Tùng, được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc theo một cách nào đó khác thế này. Nhưng khi đặt tay vào viết, thì mọi cảm xúc cứ tuôn ra ào ạt. Viết về thứ gì đó mà mình hoàn toàn hòa vào được, nó khó chịu thế đấy...
***
'Thời hoa đỏ' có lẽ là một trong những bài thơ tình viết trong thời cách mạng đẹp và buồn, và, có thể nói là bài thơ được đông đảo thanh niên, thiếu nữ say mê và ghi nhớ nhất. Bài thơ đỏ, đỏ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đỏ từ hình ảnh những bông hoa như mưa rơi rơi, đỏ từ nỗi say mê của thiếu nữ, đến đỏ màu máu-ứa một thời trai trẻ, và thậm chí đỏ rực của cả sự lặng-im.
Thông thường, khi nói về cái hay của bài thơ hoặc ca khúc nào đó, người ta hay bỏ qua phần hoàn cảnh sáng tác, đơn thuần vì nó chán ngắt và tẻ nhạt. Nhưng đôi khi, chính việc hiểu cái phần tẻ nhạt ấy lại giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc về bài thơ hơn. Nhà thơ Thanh Tùng viết 'Thời hoa đỏ' vào năm 1973, giữa thời kì chiến dịch Quảng Trị, để kỉ niệm mối tình với người vợ đầu chia tay ở Hải Phòng.
Vợ cũ của Thanh Tùng tên Nhàn, là người nổi tiếng có nhan sắc, sau bỏ ông đi lấy người khác ở Quảng Ninh. Khi nghĩ về chuyện hai người, Thanh Tùng hay bảo "đến với nhau bắt đầu và kết thúc cũng vì thơ". Tuy chia tay nhau, nhưng nhà thơ vẫn yêu bà nhiều lắm. Khi nghe tin bà mất vì bị bệnh tim, ông tức tốc xuống Quảng Ninh để tiễn đưa bà lần cuối. Nỗi bi thương về sự xa cách, cùng sự tiếc nuối về một cuộc tình đẹp nhưng không thành đã trở thành nguồn cảm hứng để Thanh Tùng viết bài này, bài mà theo ông là nỗi đau tột cùng thăng hoa thành định mệnh của đời tôi, thành tên gọi của Thanh Tùng.
***
Thời chiến tranh, con người ta có thể ít yêu, vì còn bận rộn với những lo toan cần thiết khác, nhưng đa phần cuộc tình thời chiến nào cũng đẹp, và phi lý đến cùng cực. Có những điều mà khi thế hệ chúng ta nghe nói lại, bỗng thấy tưởng chừng như chính bản thân những con người đầy lý tưởng vào thời kì đó mới có thể làm được. Thanh Tùng từng kể, giữa thời kì chiến tranh ác liệt vào năm 1967, ông vẫn hằng ngày chạy từ Hải Phòng xuống Vĩnh Bảo, chỉ để gặp cô ấy, nói với nhau vài câu rồi quay trở lại, sáng hôm sau còn làm việc. Mối tình của thời bom đạn, chỉ có thế thôi, ấy vậy mà đọng lại mãi.
Đọng lại, ngay cả khi đã chia xa.
Cái say mê một thời thiếu nữ
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi…
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn sâu vào mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót
Cuộc tình đẹp đến thế nào cũng không xóa mờ được nỗi cay đắng của sự vỡ tan, nhưng, may thay, cái hồi tưởng tháng ngày xưa ta dại khờ lại là phương thuốc vô cùng hiệu quả. Ừ, cái thời trai trẻ, ngày ấy...
***
Bài thơ 'Thời hoa đỏ' được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc vào năm 1989, trong chuyến đi dự trại sáng tác ở Liên Xô. Có những sự kết hợp lạ kì làm nên một tác phẩm đẹp, việc nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng trên giường bệnh tình cờ gặp được 'Thời hoa đỏ' của Thanh Tùng là một trong những sự kết hợp lạ kì ấy.
Đem nhạc vào thơ có khó không? Theo nhà thơ Thanh Tùng thì khó, và là thơ tự do thì càng khó nữa. Phải có sự đồng cảm hay mối tương quan nào đó, từng nốt nhạc mới hòa được vào lời bài thơ. Tôi không rành lắm về âm luật cùng những định nghĩa vô vàn rắc rối chung quanh nó, nhưng về phần cảm nhận cá nhân mình, tôi lấy làm ngạc nhiên khi một bài nhạc sáng tác vào những năm đầu của thời kì đổi mới lại có thể 'cũ' đến thế. 'Cũ' đến day dứt và ngỡ ngàng khi Lệ Thu thổn thức
Em thầm hát một câu thơ cũ
Về một thời thiếu nữ, say mê
cho đến cái mùi cũ kĩ quen thuộc, vốn thường thấy trong các bài nhạc thuở ban đầu của nền tân nhạc Việt Nam.
Bài thơ là một câu chuyện kể, những nốt nhạc giúp câu chuyện lay động hơn, còn Lệ Thu, đã thổi hồn vào đó. Hiếm có bài nào mà tài tử Ngọc Bảo từng trình bày lại có phiên bản hay hơn. Không phải nâng tầm Ngọc Bảo, chỉ đơn giản là thế. Nhưng riêng bài này, Lệ Thu là nhất.
Có đáng tiếc không khi một trong những từ đắt và gợi nhất ở bài thơ gốc, khi chuyển thể thành nhạc đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng sửa lại
Như máu ứa một thời trai trẻ
được thay bằng
Như nuối tiếc một thời trai trẻ
Phải chăng, cái máu-ứa đầy mãnh liệt ấy, chỉ có bản thân Thanh Tùng mới cảm nhận được trọn vẹn nhất. Vì trước hết, đó là cuộc tình của riêng ông, đau đớn và nhiệt huyết, hay thời hoa đỏ của riêng ông...
***
anh đâu buồn mà chỉ tiếc
em không đi hết những ngày đắm say
Biết là đường đời vẫn phải luôn tiếp bước, đắm say này dừng, con người ta lại bắt đầu những cung đường đắm say khác. Ấy thế mà, sao vẫn đọng lại tiếc nhớ nơi đây?
Vì mỗi lần yêu, là như sống lại một thời hoa đỏ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét