Lâm Trực nhặt và đẽo từ Net
Một tờ báo kinh tế vừa đưa ra bầu chọn “Doanh nhân của năm”. Nhân vật No1 năm nay là tỷ phú Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB). Điều đáng nói là trong bài giới thiệu, tờ báo đã gọi ông là “Bầu Kiên”, và chỉ có đúng hai câu, 79 chữ nói về “lĩnh vực kinh doanh” của ông với 0 con số, 0 chi tiết.
Thành công của ông Kiên, điều khiến dư luận biết đến ông là những phát ngôn “nổ như pháo” của ông trên các diễn đàn của… VFF, chứ không phải vì ông gắn với một thương hiệu nổi tiếng nào.
Một tờ báo đã thống kê:
1- Nổ về tiêu cực: “Trước trận ĐT.LA tiếp HP.Hà Nội ở vòng 25 V.League 2011, anh Long (bầu Long của HP.Hà Nội) nhận được điện thoại bảo chỉ cần bỏ ra 500 triệu đồng là xong hết, bảo đảm HP.Hà Nội sẽ thắng”.
Quả nổ này sau đó không có dư chấn hay chấn động gì hết. Vì đơn giản chỉ là câu chuyện lời nói gió bay.
2- Về thị trường cầu thủ: Là một trong số những ông bầu tỷ phú lên án to tiếng nhất về sự nhiễu loạn trên thị trường chuyển nhượng, giá trị cầu thủ tăng phi mã, cách dùng tiền vô tội vạ của một số ông bầu… Nhưng chỉ ngay sau đó, bầu kiên gây sốc thị trường bằng việc ký hợp đồng với ngôi sao số 1 Việt Nam Lê Công Vinh.
3- Chuyện đóng phí: Tại Hội nghị Chủ tịch 28 CLB, bầu Kiên tuyên bố: Tôi tin chắc Công ty (VPF) làm ăn sẽ có lãi, các CLB không phải đóng lệ phí (500 triệu đồng mỗi mùa) như mọi năm và sẽ được chia lợi nhuận”. Nhưng sau đó, các CLB được thông báo tiếp tục đóng phí.
Hóa ra làm doanh nhân của năm chỉ cần nổ cho hay.
Nói công bằng, chỉ có một “quả nổ” đã được thực hiện, với sự sốt sắng đang ngạc nhiên. Đó là việc ông Kiên đòi “xem xét” lại hợp đồng bản quyền bóng đá mà VFF đã ký với Công ty nghe nhìn toàn cầu AVG.
Hôm 28-12, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF đã chính thức có văn bản với điểm đáng chú ý nhất là yêu cầu AVG chi tối thiểu 10 tỷ đồng/năm trong bản hợp đồng có thời hạn tối thiểu 3 năm. Chỉ 1 ngày sau đó, hôm qua 29-12, ông Kiên, với tư cách Phó Chủ tịch VPF bất ngờ ký văn bản cho phép VTV phát sóng Super League và 3 giải đấu khác, bất chấp việc thương thảo với AVG đã đổ vỡ.
Về bản hợp đồng của VFF với AVG, một tờ báo đã bỏ công phân tích với 6 tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình cho mùa giải đầu tiên và lũy tiến 10% cho từng năm thì đến năm 2030 mỗi CLB chỉ nhận số tiền “chả rính răng” là 500 triệu đồng. “500 triệu năm 2011 còn mua được chiếc xe hơi mini chứ năm 2030 giỏi lắm mua được chiếc…xe gắn máy”.
Với hợp đồng này, có vẻ cũng đúng khi “VFF đã làm cái việc góp phần “nghiệp dư và nghèo hóa” các CLB”.
VFF, VPF và những “ông bầu nổ” sau lưng nó có thể nhờ cơ quan điều tra “vào cuộc” nếu chứng minh được những dấu hiệu lobby, ăn tiền đằng sau việc lãnh đạo- chưa phải là đã cũ- của VFF ký vào bản hợp đồng làm hại bóng đá đó. Nhưng không thể chỉ vì “các CLB không biết gì cả” mà đòi xem lại hợp đồng. Không thể vì bản hợp đồng sẽ tạo ra “20 năm độc quyền” mà sổ toẹt những gì đã được những người tiền nhiệm, dù ngu ngốc, ký kết. Không thể “khoác áo cách mạng” để có thể ra một “tối hậu thư” kiểu cưỡng từ đoạt lý. Không thể nhân danh “vì nền bóng đá” để có thể chơi miếng đòn “một đàn”. Và càng không thể vì sự vố tay của vài nhà đài mà phát hành một công văn ngồi xổm trên pháp luật.
Bởi nếu thượng tôn pháp luật, và chắc chắn phải thế, VFF- một tổ chức xã hội nghề nghiệp đang tồn tại trong một nhà nước pháp quyền, và tất cả những tổ chức được ủy quyền, hoặc kế thừa, sẽ phải nghiêm túc thực hiện một bản hợp đồng đã có hiệu lực và đang được pháp luật bảo vệ.
Cũng là “các cụ”, có câu: Mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Các tỷ phú có quyền đề nghị cơ quan chức năng phải điều tra nguồn gốc, chất lượng những loại thực phẩm mà họ ăn, như thịt bò Kobe chẳng hạn. Nhưng không phải là tỷ phú thì muốn nổ gì thì nổ. Muốn đòi gì thì đòi.
Một tờ báo đã gọi vừa đúng vừa sai khi cho rằng đây là “cuộc chiến bản quyền truyền hình”. Đúng, là vì việc đòi thêm tiền, đòi rút ngắn 17 năm của hợp đồng, thực chất chỉ là chuyện tranh giành cái bánh bản quyền truyền hình. Còn sai, là sẽ chỉ có AVG, có người phiên thành “Anh Vẫn Giầu”- vẫn sẽ là người chiến thắng. VFF, VPF và các “ông bầu nổ” đang nắm đắng lưỡi về mặt pháp lý để có thể sử dụng pháp luật như một vũ khí và liệu có thể thắng khi không tạo chiến tranh mà không có vũ khí?
Nhưng “chiến tranh” hơi phí. Bởi khán giả- dân chúng, ngoài vài trận đấu của tuyển quốc gia- chủ yếu cũng chỉ ngồi nhà xem tivi miễn phí vì “máu đồng bào”- từ lâu đã không còn quan tâm đến V- League.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét