Trong bài viết “China’s gunboat diplomacy” đăng trên The Japan Times Online ngày 30/7, nghiên cứu viên cao cấp Michael Richardson của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng Bắc Kinh đang theo đuổi chính sách “ngoại giao pháo hạm đặc sắc Trung Quốc”.
Theo học giả Richardson, có một câu nói cửa miệng trong giới ngoại giao quốc tế “Hãy xem xét những gì người ta làm, đừng tin những gì người ta nói”. Câu nói này quả là đúng, khi xét đến những lời nói và việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những hành động gần đây của Bắc Kinh nhằm khẳng định tuyên bố sở hữu và các quyền tài phán khác đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông đã lấn át những giọng điệu nhẹ nhàng lặp đi lặp lại rằng Trung Quốc không hề tìm kiếm bá quyền.
Những hành động của Trung Quốc trong tháng vừa qua bao gồm:
- Mời các công ty Trung Quốc và đối tác nước ngoài đấu thầu thăm dò và khai thác dầu khí 9 lô, bao gồm hơn 160.000 km vuông, ở vùng biển ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam, bất chấp phản đối của Hà Nội rằng khu vực này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cũng như thềm lục địa Việt Nam và đã có các hợp đồng thăm dò khai thác với một số công ty nước ngoài.
- Phái một đội tàu đánh cá lớn bất thường gồm 30 chiếc tàu cá, dưới sự chỉ huy của một tàu hậu cần 3.000 tấn, đến vùng biển quần đảo Trường Sa đang tranh chấp mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
- Ban hành một cảnh báo thông qua Bộ Quốc phòng rằng Hải quân Trung Quốc "sẵn sàng chiến đấu” và các chuyến tuần tra bằng máy bay sẵn sàng “những bảo vệ quyền lợi biển” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bị chia rẽ về cách thức đối phó với những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông và các cường quốc bên ngoài khu vực không sẵn sàng kiềm chế Bắc Kinh... đang dọn đường cho Trung Quốc bành trướng hơn nữa.
Bắc Kinh đang lợi dụng những gì mà họ coi là yếu kém của ASEAN, Mỹ, Nhật Bản để thúc đẩy cơ chế kiểm soát của Trung Quốc tiến về phía Nam và sâu hơn nữa vào “trái tim hàng hải” của Đông Nam Á (Biển Đông).
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã làm rõ mức độ và bản chất của đòi hỏi của nước này nhằm kiểm soát một khu vực rất rộng lớn ở Biển Đông. Tân Hoa xã ngày 19/7 nói rằng Trung Quốc có "chủ quyền" đối với một diện tích 1,5 triệu km vuông ở Biển Đông, kéo dài về phía Nam đến tận James Shoal, chỉ cách bờ biển Sarawak ở Đông Malaysia và Brunei khoảng 80 km, trong khi lại cách Trung Quốc đại lục đến 1.800 km.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã làm rõ mức độ và bản chất của đòi hỏi của nước này nhằm kiểm soát một khu vực rất rộng lớn ở Biển Đông. Tân Hoa xã ngày 19/7 nói rằng Trung Quốc có "chủ quyền" đối với một diện tích 1,5 triệu km vuông ở Biển Đông, kéo dài về phía Nam đến tận James Shoal, chỉ cách bờ biển Sarawak ở Đông Malaysia và Brunei khoảng 80 km, trong khi lại cách Trung Quốc đại lục đến 1.800 km.
Tuy Tân Hoa Xã không nói cụ thể các khu vực nào ở Biển Đông thuộc về chủ quyền của Trung Quốc, nhưng chắc chắn nó sẽ bao trùm ba quần đảo lớn nhất đang tranh chấp. Đó là quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng bất chấp sự phản đối của Việt Nam, các bãi cạn Macclesfield và Scarborough đang tranh chấp với Philippines và quần đảo Trường Sa mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần.
Tân Hoa Xã nói rằng “trong một động thái khác khẳng định chủ quyền”, Trung Quốc tháng trước đã công bố sẽ thiết lập (cái gọi là) “thành phố Tam Sa” có trụ sở tại quần đảo Hoàng Sa, để quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và các rạn san hô trong ba nhóm đảo chính ở Biển Đông.
Ngày 22/7, Trung Quốc cho biết sẽ đưa quân đồn trú ở Tam Sa, nhưng không nói khi nào hoặc đồn trú bao nhiêu quân. Thông báo thiết lập đơn vị đồn trú nói trên của Bắc Kinh đưa ra chỉ vài ngày sau khi ASEAN kêu gọi tất cả các bên giải quyết mọi cuộc xung đột ở Biển Đông một cách hòa bình.
Sau khi một sự tích tụ được sức mạnh quân sự to lớn trong những năm gần đây, Trung Quốc hiện đang bước vào giai đoạn tăng cường khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Hành động gần đây nhất là việc cử một đội tàu đánh cá lớn, với sự hộ tống của một tàu bán quân sự nhằm đối đầu và đe dọa Philippines cũng như các nước khác tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Đội tàu đánh cá này đã đến rạn san hô Subi ngày 18/7 để bắt đầu đánh cá. Rạn san này hô nằm trong một khu vực thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
"Hạm đội đánh cá lớn" có thể sẽ trở thành một bộ phận chủ chốt trong sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng giám đốc Jianbin của Tập đoàn đánh cá quốc doanh Baosha, có trụ sở ở đảo Hải Nam, còn muốn muốn đi xa hơn. Ông này đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc biến ngư dân thành dân quân để trở thành một mũi nhọn thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Trên tờ “Hoàn cầu thời báo” - phụ trương của “Nhân dân nhật báo”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - số ra ngày 28/6, giám đốc Jianbin nói: “Nếu chúng ta đưa 5.000 tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc đến ở Nam Hải (Biển Đông), số ngư dân sẽ là 100.000 người. Và nếu biến họ thành dân quân, trang bị cho họ vũ khí, chúng ta sẽ có một lực lượng quân sự mạnh hơn tất cả các lực lượng cộng lại của tất cả các quốc gia khác ở Nam hải (Biển Đông)”.
Đây chính là ngoại giao pháo hạm đặc sắc Trung Quốc.
Học giả Richardson kết luận: Cái mà Biển Đông cần là một giai đoạn lắng dịu, trong đó các bên tuyên bố chủ quyền tránh đối đầu và cân nhắc xem làm thế nào để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
MINH BÍCH (ĐẤT VIỆT ONLINE)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét