Không có tên tác giả
Người dịch: Quốc Thanh
15-08-2012
Gần đây, có một bài viết đáng để chúng ta phải suy ngẫm, bài này được đăng trong blog của một quân nhân hải quân.
Trong bài nói, tàu chiến của Trung Quốc rất tiên tiến và cũng rất mạnh, chiến đấu cơ cũng tiên tiến hơn của Việt Nam, nhưng những cái đó chỉ để làm thỏa mãn tâm lí của người Trung Quốc, chứ thực ra cũng chẳng được tích sự gì.
So với hải quân Trung Quốc, hải quân Việt Nam không đáng để mắt, chỉ được hợp thành từ một số ít ỏi tàu tên lửa và những chiếc tàu chiến không thể gọi là tàu hộ tống, lại chỉ dùng vào chi viện cho máy bay chiến đấu SU-27 để chống trả lại Trung Quốc, vì thế mà hải quân Mỹ nói chúng là “lạc hậu nhất Đông Nam Á”.
Song vị quân nhân này đã chuyển sức mạnh của ngòi bút viết tiếp: Lực lượng hải quân lạc hậu nhất Đông Nam Á được hợp thành từ một số ít ỏi tàu tên lửa và những tàu chiến không thể gọi là tàu hộ tống này lại đã khống chế được 24 hòn đảo ở Biển Nam Trung Hoa[i], đồng thời bảo vệ được nguồn dầu khí dồi dào ở Biển Nam Trung Hoa mà họ đã cai quản, nguồn dầu khí ở những hòn đảo đã chiếm giữ ở Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam đang khai thác từ thập kỷ 80 đến nay đã được hoàn tất nhờ những chiếc tàu hộ tống hải quân như vậy đấy.
Nguồn dầu khí ở những hòn đảo đã chiếm giữ trên Biển Nam Trung Hoa ùn ùn chở về đất liền, khiến cho Việt Nam trước thập kỷ 80 vẫn còn là một nước thuần nhập khẩu dầu mỏ khí đốt nhảy vọt trở thành một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ khí đốt của thế giới, hiện hàng năm Trung Quốc đều phải nhập một lượng lớn dầu mỏ khí đốt từ Việt Nam!
Vị quân nhân Việt Nam này còn nói, tuy chúng ta không thể sánh được với hải quân Trung Quốc, nhưng đất nước chúng ta hết sức coi trọng việc xây dựng hải quân, đặt chuyện phát triển hải quân lên hàng đầu. Hàng năm chúng ta đều tổ chức diễn tập quân sự quy mô lớn, hàng năm đều tổ chức 3 cuộc diễn tập tổng hợp 3 thứ quân trên Vịnh Bắc Bộ, hàng năm đều nhiều lần tổ chức diễn tập tổng hợp hải không quân ở những hòn đảo đã chiếm giữ trên Biển Nam Trung Hoa. Hiện giờ, các nhà lãnh đạo và chính phủ Việt Nam đặt ra yêu cầu rõ ràng cho chúng ta là: Phải bảo vệ sự an ninh và phồn vinh cho Vịnh Bắc Bộ cùng những hòn đảo đã chiếm giữ trên Biển Nam Trung Hoa, phải đảm bảo sẽ nhanh chóng tấn công và tiêu diệt kẻ thù khi xảy ra những “sự kiện mất an ninh” và “tranh chấp lãnh thổ” ở các khu vực và vùng biển này.
Không chỉ có vậy, vị quân nhân Việt Nam này còn nói, hải quân Việt Nam hiện đang tìm tìm kiếm để mua các thiết bị hải quân mới từ Nga và Ấn Độ, từ đó mà tạo ra bước nhảy vọt cho hải quân Việt Nam về thực chất. Cuối cùng, vị quân nhân Việt Nam này kêu gào: Chúng ta hãy nói với từng người Trung Quốc rằng, trên Vịnh Bắc Bộ cùng những hòn đảo đã chiếm giữ ở Biển Nam Trung Hoa, hàng ngày đều có một lực lượng “tuần tra và cảnh giới” của hải quân Việt Nam đang không ngừng phát triển lớn mạnh, để cho người Trung Quốc không dám tiến thêm một bước nào nữa!
Mặc dù bài viết mang hơi hướng tự vỗ ngực khoe khoang, nhưng phần lớn nội dung về cơ bản đều là thực. Hải quân Trung Quốc đích thực là lớn mạnh hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng số đảo ở Nam Hải[ii] mà Việt Nam đã chiếm giữ là nhiều nhất, không chỉ có vậy lại còn ồ ạt khai thác dầu mỏ khí đốt, từ đó khiến cho Việt Nam từ nước nhập khẩu dầu mỏ khí đốt đã nhảy vọt thành nước xuất khẩu, thậm chí còn xuất một phần dầu khí cho Trung Quốc đại lục. Cái cớ để cho người Việt Nam ngạo mạn như vậy là gì? Đó chính là cái đội quân hải quân Việt Nam rách nát tơi tả này, đội quân hải quân Việt Nam này tuy lạc hậu, nhưng lại có thể xông lên tuyến đầu vì sự mở mang bờ cõi cho Việt Nam. Còn hải quân của chúng ta thì sao? Không những số đảo đã chiếm giữ ở Nam Hải ít đến thảm hại, mà lại còn cứ đứng giương mắt nhìn lực lượng hải quân nhỏ yếu hơn rất nhiều ở xung quanh đang liều mạng giành giật hải đảo của mình.
Không chỉ có vậy, hải quân Trung Quốc còn chẳng làm nên được trò trống gì ở Đông Hải, một hòn đảo Điếu Ngư đã nằm chắc trong tay hải quân Nhật Bản, hải quân Trung Quốc cứ ngây ra chẳng thể tựa nổi vào rìa. Hải quân Trung Quốc nhỏ yếu chăng? Không, chúng ta rất mạnh. Hiện nay, hải quân Trung Quốc có tổng số 30 vạn quân, trong đó bao gồm 2,5 vạn lính hàng không hải quân, 2,5 vạn lính quốc phòng ven biển, 4 vạn lính đánh bộ; chúng ta có đội quân tàu ngầm, có 25 tàu khu trục, 47 tàu hộ tống, 18 tàu đổ bộ cỡ lớn khiến cho ngay cả các nước siêu cường cũng phải nhìn thấy mà khiếp; ngoài ra, tên lửa, ngư lôi, máy bay trực thăng chống ngầm và tàu chở máy bay trực thăng cũng hết sức đáng gờm, còn tàu sân bay thì nghe nói đang được chế tạo. Mặc dù khoảng cách so với Mỹ là rất lớn, nhưng khoảng cách so với Nhật Bản lại rất nhỏ, còn các nước Đông Nam Á thì quả thực là kém chúng ta tới mấy bậc. Nhất là Việt Nam, nước đã xa rời chúng ta mới đây vẫn còn là người anh em tốt xã hội chủ nghĩa này, với thực lực hải quân được coi là kém nhất Đông Nam Á, lại đã chiếm giữ nhiều đảo nhất ở Nam Hải của Trung Quốc.
Khi bàn tới việc vì sao Việt Nam lại khuấy chuyện tranh chấp Nam Hải lên vào lúc này, nhà bình luận thời sự Khâu Chấn Hải ở Phòng theo dõi tin tức quân sự của báo Phượng Hoàng cho biết: Cử chỉ này của Việt Nam là để gia tăng thêm sức ảnh hưởng trong các bên đương sự ở Nam Hải, mượn đó để đề cao địa vị thực tế của mình trong các bên ở Nam Hải, mượn đó để gây nên mối quan tâm chung về vấn đề Nam Hải của các nước Đông Nam Á, dùng sức mạnh của các nước đương sự ở Đông Nam Á hoặc Nam Hải để cùng chống lại Trung Quốc, nhằm đạt mục đích lấn chiếm và bá chiếm Nam Hải thêm một bước nữa của mình.
Tạo dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh
Theo báo cáo, từ sau Đại hội 9 Đảng cộng sản Việt Nam, Việt Nam ra sức đẩy mạnh chiến lược phát triển biển, mưu đồ dùng hải quân làm tiên phong để không ngừng mở rộng ra biển, nỗ lực trở thành cường quốc biển từ của Đông Nam Á cho đến của thế giới ở thế kỷ 21. Khu vực Nam Sa[iii]lại đang có tranh chấp lãnh thổ với nước ta, vì thế, động hướng phát triển hải quân của Việt Nam đặc biệt gây quan ngại cho mọi người.
Gần đây, theo tin từ Russian “Lenta” News Networks, hải quân Việt Nam đang chế tạo 30-40 tàu chiến 400 tấn, đồng thời lên kế hoạch đầu tư 3,8 tỉ đôla Mỹ để xây dựng một khu quân cảng lớn rộng 3.000 ha ở vùng đông bắc Việt Nam. Theo ước đoán, quân cảng này được xây dựng xong sẽ có thể cho cập cảng được tàu chiến 40 000 tấn, không chỉ làm vợi bớt nỗi khó khăn tàu chiến Việt Nam chỉ có thể cập cảng được ở căn cứ Cam Ranh phía nam, mà còn tăng cường được rất lớn việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho hải quân Việt Nam, nâng năng lực bảo đảm chiến đấu của quân đội Việt Nam lên một trình độ mới. Đồng thời, còn thay thế một loạt radar cảnh giới tầm xa để tăng cường độ giám sát vùng Biển Nam Trung Hoa.
Vị quân nhân Việt Nam nói: “Từ khi mua 11 chiến đấu cơ Su-27 của Nga vào năm 2005, năng lực không chiến của hải quân Việt Nam tăng lên hẳn, còn kế hoạch mua các chiến đấu cơ tiên tiến Su-30MK, Mic-28H, Ka -31 và Su-39… cũng đang được thực hiện theo trình tự. Việt Nam lên kế hoạch trước năm 2015 sẽ xây dựng xong lực lượng hải quân hiện đại. Theo đó, năng lực hộ tống đường dài và năng lực tác chiến trên biển của hải quân Việt Nam sẽ đạt được các yêu cầu của hải quân hiện đại.
Theo báo chí Singapore cho biết: “Tàu mặt nước của hải quân Việt Nam chủ yếu là tàu tên lửa do Nga chế tạo, ngoài mua 4 tàu tên lửa lớp “Con nhện độc” (tiếng Anh: ‘Poisonous spider’ class missile boats) ra, còn tận dụng công nghệ của Nga để chế tạo 6 tàu tên lửa BP50 và tàu hộ vệ tên lửa KBO2000 cũng đã được nhập ngũ, năng lực tác chiến của tàu mặt nước đã có được bước nhảy vọt về chất; năng lực tác chiến dưới nước của hải quân Việt Nam vốn tương đối kém, tuy nhiên, kể từ khi mua 2 tàu ngầm mini của Hàn Quốc, năng lực tác chiến tàu ngầm đã bước đầu được hình thành. Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị lập một lực lượng tàu ngầm, đồng thời lên kế hoạch mua tàu ngầm diesel-điện lớp kilo của Nga.”
Nguồn: Blog Junshi8888
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét