Hầu như dân nhậu nào cũng thủ câu nho nhe “nam nhi vô tửu như kỳ vô phong” làm bửu bối.
Họ chế tạo ra đủ thứ lý sự mắc cười để biện minh cho sự bét nhè. Nhưng chung quy, đó toàn là kiểu làm thơ tự khen mình rằng “sau khi say, anh hiên ngang vịn chai bia đứng dậy”!
Ngồi bàn nhậu mà tưởng ra chiến trường!
Dân nhậu lấy cớ “rượu vào lời ra” để tự nịnh mình quảng giao, ai chơi cũng được. Tuy vậy, nếu bình thường im thin thít như thịt nấu đông, khi nhậu nói hùng hục khỏe như máy bơm xả ruộng hạn, đó là rượu nói hay người?
Để cởi lòng, phải có rượu bia. Lúc không có hơi men, hẳn sẽ vật vã trong bít bùng cô quạnh? Dân nhậu cứ tán phét rằng rượu bia có tác dụng như thần dược với sự hưng phấn thần kinh, có tác dụng như thần linh với toàn cơ thể. Vậy có phải chỉ cần nhậu vài tăng, dân nhậu tự dưng hóa thành thần thánh? Ô, nếu thế thì thiệt là vi diệu! Nhưng tiếc là đời không bao giờ có chuyện này!
Nhiều dân nhậu quắc cần câu lại hào sảng tự ví mình như nhà hùng biện. Dòm sơ thì có vẻ thế. Dân nhậu cũng huơ chân múa tay, nói đông tây kim cổ, dưới đất trên trời đủ cả. Nhưng cái khác, là nhà hùng biện luôn biết rõ mình nói gì, nói cho ai, nói để dẫn dắt người nghe đi đâu. Còn mấy ông nhậu, đến tự dẫn mình ra chỗ xả còn nhiều phen vất vả, vậy mà cứ tưởng sẽ dẫn dắt được thiên hạ quần hùng.
Bệnh theo miệng mà vào, và hàng lít lít rượu bia cũng theo đó mà tàn phá lục phủ ngũ tạng. Đàn ông mà để bụng bia to như đàn bà chửa, thân thể thì rệu rã, sức lực thì yếu ớt, để đến nỗi cái cô diễn viên múa Việt kiều phải lên báo mà than: “Trai Việt sex kém lắm!”. Trời ơi còn nỗi nhục nào hơn!
Rồi họa cũng theo miệng mà ra. Rượu vào lời ra kiểu gì chẳng gây họa. Thiếu gì cảnh con cháu xỉn, chỉ mặt bậc cha chú lè nhè: “Ê mậy, sao thấy cái mặt này quen quen”. Hơi men nổi bừng bừng, tự nhiên thấy mình khỏe như voi, vinh vang như cọp. Sạch hơi men, lại thấy mình nhát như thỏ, làm biếng như mèo. Để duy trì bản lĩnh trong cơn mơ hão, đâu có cách gì khác ngoài chuyện tiếp tục nâng ly. Cái đó thường được gọi nôm na là “tưởng tượng như tưởng... voi”!
Nếu chỉ lúc nhậu mới đáng mặt là đàn ông, vậy lúc không nhậu, sinh vật đó thuộc “đàn” nào?
“Kỳ vô phong” và cờ rũ
Ở đời, lắm chỗ phải phân định đẳng cấp thấp cao để dễ bề cư xử, hoặc đơn giản là để dễ trả lương. Trên bàn nhậu, chỉ có một thứ duy nhất để phân định “tài năng” là tửu lượng. Than ôi, chẳng lẽ tài cán, năng lực đàn ông mà phải lụy vô thứ thước tấc sủi bọt trong chai?
Bàn nhậu há cũng là núi cao vực sâu, rừng thiêng núi thẳm, hay những trở ngại kinh người? Chai cốc là thành lũy quân thù hiểm ác, mồi nhậu là những thử thách ghê hồn? Bạn nhậu là địch thủ để vất vả dốc sức so tài?
Sao không gỡ những rối rắm ngoài đời bằng khả năng lúc tỉnh, mà phải đợi vào bàn thi thố lúc say? Trai khôn tìm bạn chốn ngả nghiêng mới đích thị là tìm đồng minh quân tử? Thử thách thương trường rốt cục chỉ nông sâu như những cái ly?
Mấy ông nhậu hay viện cớ “nhậu để làm ăn, nhậu để có quan hệ”. Ngụy biện hết ráo! Nói vậy thì dân kinh doanh thứ dữ cỡ bầu Đức, chẳng lẽ phải sáng xỉn chiều say mới ký được hợp đồng? Mấy ông CEO tập đoàn bự chắc nên đặt văn phòng ngay quán nhậu để mọi sự được xuôi chèo mát mái?
Phàm là đàn ông phải tự mình biết làm chủ cuộc chơi, chẳng bao giờ để tài năng, bản lĩnh của mình lệ thuộc vào thứ “gió” thổi ra vù vù từ những cái chai. Chẳng cần nhậu mà cờ vẫn bay, hợp đồng vẫn rào rào, gái đẹp theo nườm nượp, đó mới là bản lĩnh.“Kỳ vô phong” chẳng qua là niềm vênh vang của những anh yếu kém mà quen tự sướng. Mà thật ra, với dân nhậu, câu nho nhe đó vẫn luôn đúng phóc: Nếu không có “gió”, “cờ” nào cũng rũ từ A tới... Z!
BÁCH VŨ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét