Đối với đồng bào C'tu, làng nào không có nhà Gươl, không thể gọi là làng văn hóa. Bởi nói tới làng văn hóa của người C'tu thì luôn nhất thiết là phải có không gian sống động linh thiêng của nhà Gươl, "ngôi nhà Gươl đó là tài sản chung, nó như một linh hồn sống, sức mạnh sự gắn kết cộng đồng của làng”.
Cũng như làng Việt, làng của người Êđê, Bana... tuy nhiên làng của người C'tu cũng có những nét, giá trị đặc trưng riêng biệt. Đó là không gian làng được dựng và bố trí nơi đất cao, thoáng mát, có tầm nhìn xa, để dễ quản lý bảo vệ, thường gần nguồn nước khe con suối chảy trong veo để tiện bắt nước về trung tâm làng dùng, người C'tu gọi là C'lang Cr'noo (máng nước chung của làng). Từ xa xưa trong bất kỳ vêêl (làng) của người C'tu ở huyện Tây Giang nói riêng, người C'tu nói chung luôn có nhà Gươl. Đối với đồng bào C'tu, làng nào không có nhà Gươl, không thể gọi là làng văn hóa. Bởi nói tới làng văn hóa của người C'tu thì luôn nhất thiết là phải có không gian sống động linh thiêng của nhà Gươl, "ngôi nhà Gươl đó là tài sản chung, nó như một linh hồn sống, sức mạnh sự gắn kết cộng đồng của làng”.
Theo già làng Alăng Zin (80 tuổi), ở thôn Tàvạc, xã Za hung, huyện Đông Giang cho biết: "Làng của ngươi C'tu theo phạm vi, địa hình và cấu trúc nhà truyền thống, nhà tộc họ được chia làm hai loại. Điểm giống nhau không thể thiếu đó là dù làng C'tu kiểu nào, loại nào luôn có cấu trúc nhà Gươl và g'roong (hàng rào), c'riing (cổng làng) được làm bằng tre, nứa, cây rừng để bảo về bản làng, phòng thú dữ, kẻ thù.
Làng loại nhỏ: ngoài các nóc nhà trong làng, không có nhà tộc họ mà chỉ có nhà gươl vừa nhỏ, làm thô sơ, kiến trúc bên trong nhà gươl thường dùng cây có kích cỡ nhỏ, ít điêu khắc, được làm bằng cây tre, dựng lên duy nhất ở giữa làng, (làng nhỏ).
Làng loại lớn hơn: thường ở giữa có nhà Gươl to, kiên cố lớn gấp hai ba lần nhà tộc họ, bên trong là cả một hệ thống các loại hình nghệ thuật, chạm khắc, đục vẽ công phu, điêu nghệ, xung quanh nhà Gươl được bao bọc tỉ mỉ bởi các nhà sàn của các tộc họ sống trong làng như nhà tộc họ: Bhơ riu, Pơloong, Cơlâu, ALăng, Bhling, Ríah, Z'râm, Abing, Coor, Hốih... tương ứng mỗi họ trong làng có một nhà tộc họ, thường họ nào có số người đông được làm tâm điểm làm nhà tộc họ để quản lý và đóng góp tài sản chung cho làng. Đối với làng của người C'tu đều có điểm chung là tất cả các nhà sàn tộc họ, nhà sàn ở riêng đều luôn hướng cửa chính về nhà Gươl của làng. Đây là điểm đặc trưng rõ nét dễ nhận thấy trong cấu trúc văn hóa làng của người C'tu”.
Các hoạt động thể dục thể thao, đấu vật, đẩy gậy, đan lát, dệt thổ cẩm, điêu khắc... văn hóa văn nghệ và các lễ hội dân gian truyền thống lớn nhỏ luôn được tổ chức ở làng mà tâm điểm vẫn luôn diễn ra ở nhà Gươl, sân Gươl, nhà tộc họ, bên cây nêu cao vút, bên ánh lửa thiêng bập bùng rộn ràng cùng tiếng trống chiêng ngân vang cả núi rừng.
Nhà Gươl là nơi sinh hoạt truyền thống, nơi hội họp giải quyết công việc, nơi sinh hoạt giáo dục truyền thống của dân tộc, nơi lưu giữ những báu vật của làng, nơi diễn ra lễ tục cúng bái, nơi cất giữ của cải chung và cũng là nơi tiến hành các lễ nghi của làng, hay nói cách khác là nơi thiêng liêng nhất, nơi tập trung linh hồn sống của một cộng đồng làng tạo nên sự bền vững của văn hóa cộng đồng dân tộc C'tu. Chính vì mang tính thiêng liêng như vậy nên những người ngủ lại nhà Gươl chỉ là đàn ông và thanh niên còn son rỗi. Còn người thanh niên mới cưới vợ hay vợ đang có bầu hoặc người mang tang và đàn bà con gái kiêng cữ không được ngủ lại tại nhà Gươl của làng.
Việc chọn đất, chọn cây để xây dựng nhà Gươl tương đối phức tạp, nó luôn đòi hỏi theo một khuôn mẫu tương đối chung đó là có trang trí hình vẽ, khắc họa theo lối cổ truyền văn hóa C'tu.
Nhà Gươl của người C'tu có nhiều kiểu loại, tùy theo điều kiện kinh tế, vùng và địa hình cư trú thì mỗi vùng, mỗi làng C'tu khác nhau có những cách xây dựng nhà gươl khác nhau về kích cỡ, vật liệu, nghệ thuật điêu khắc... nhưng vẫn luôn theo khuôn mẫu chung.
Ông Bh'riu Pố, ở thôn Arớh, xã Lăng (huyện Tây Giang) nói: "Nếu dựa theo tiêu chí: Điều kiện kinh tế của làng, mặt nhân công (số dân trong làng), công cụ, đồ nghề và đặc biệt là nghệ nhân của mỗi một làng chúng ta có thể tạm chia Gươl của người C'tu có hai loại cơ bản đó là: Đhơr Lưưng hay còn gọi là Gươl Achị (rựa), là loại Gươl nhỏ: thường được làm bằng cây gỗ có kích cỡ, cột, keo... tương đối nhỏ, vách ngăn bằng cây tre... có điêu khắc nhưng rất ít, công cụ chủ yếu được dùng để làm loại Gươl này là con dao, cây rựa nên được gọi là gươl Achị. Loại Gươl này phổ biến ở các bản làng ít người, điều kiện kinh tế còn khó khăn, dân số ít, nghệ nhân biết vẽ, chạm khắc rất hiếm.
Gươl Chuung (rìu), loại Gươl này thường có quy mô, cấu tạo lớn, công phu, nó thường được làm từ những cây gỗ lâu năm như dổi đá, lim...
Loại nhà Gươl này phổ biến ở những làng văn hóa hùng mạnh về dân số, nhân công, có nghệ nhân nhiều, có các vị già làng tài giỏi biết cách lãnh đạo, đặc biệt có một tình yêu, đam mê và trách nhiệm cao trong việc tôi tạo, xây dựng, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của bản làng, dân tộc”.
Từ những giá trị và tầm quan trọng của nhà Gươl trong văn hóa làng của người C'tu, thiết nghĩ Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành liên quan, và cả những người dân bản địa cần có trách nhiệm cao hơn về nhà Gươl, nhất là ở các bản làng của người C'tu cần phát động phong trào phục dựng, duy trì, tôn tạo, nhất là sử dụng đúng chức năng, giá trị nguyên bản, linh thiêng vốn có của nó và phát huy hơn nữa vai trò của nhà Gươl.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét