LâmTrực@ sưu tầm và đục đẽo
Đến nay, ở nước ta, phản biện xã hội đang nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu lý luận, các nhà hoạt động thực tiễn và đông đảo tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về phản biện xã hội đang ở những bước đi đầu tiên. Vì vậy, việc làm rõ những cơ sở lý luận khoa học của phản biện xã hội là hết sức cần thiết.
1. Khái niệm phản biện xã hội
Phản biện xã hội là phản ánh một hiện tượng tất yếu trong đời sống chính trị - xã hội. Khái niệm này được sử dụng ở nhiều nước từ lâu; nhưng ở nước ta, những năm gần đây mới được quan tâm, thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu, nhất là sau khi “phản biện xã hội” được chính thức ghi trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X.
Để hiểu phản biện xã hội, trước hết phải hiểu phản biện là gì? Phản biện là một từ Hán Việt. Hiểu theo cách triết tự thì “phản biện” có nghĩa là “bàn luận theo hướng (theo cách) ngược lại”, hoặc là sự tranh luận, tranh cãi. Do đó, có thể hiểu phản biện là dùng chứng cứ, lập luận để bác bỏ chứng cứ, lập luận đã được đưa ra trước đó. Theo đó, phản biện là sự tranh luận, tức là đưa ra lập luận để làm rõ đúng - sai; trong phản biện phải hội đủ các luận cứ (thực tiễn, khoa học) để làm rõ cái đúng, cái sai của vấn đề đang tranh luận. Vì vậy, phản biện khác với góp ý kiến, phê bình, kiến nghị (không đòi hỏi phải có đủ căn cứ khoa học, thực tiễn). Là sự tranh luận, phản biện bao hàm cả biện luận và phản biện luận, chứ không chỉ “một chiều”. Trong phản biện không chỉ là bác bỏ, phủ định, mà có thể có cả sự bổ sung, làm rõ hơn vấn đề ở góc độ, phương diện khác nhau. Do đó, không thể đồng nhất phản biện với phản bác, bài xích. Phản biện có nội hàm rộng hơn phản bác; phản bác chỉ là một khả năng, một tình huống có thể có trong phản biện.
Từ cách hiểu phản biện như vậy, có thể hiểu phản biện xã hội là sự phản biện của xã hội (hay là sự phản biện mang tính xã hội), tức là sự biện luận, thẩm định, đánh giá của các lực lượng xã hội đối với những chủ trương, chính sách, đề án, dự án xã hội... liên quan đến quyền lợi và đời sống của thành viên trong xã hội. Như vậy, phản biện xã hội là tiếng nói nhận thức của xã hội, của các lực lượng xã hội. Đó là những lập luận có chứng cứ (khoa học, thực tiễn) nhằm phát hiện, bổ sung, chứng minh, khẳng định hoặc bác bỏ, phủ định một chủ trương, chính sách hay đề án xã hội được công bố hay đang hình thành. Là “tiếng nói”, phản biện xã hội khác với tâm trạng xã hội (trạng thái tâm lý, tình cảm mang tính cảm tính, thường biểu hiện một cách âm ỉ, âm thầm); phản biện xã hội biểu hiện một cách công khai, rõ ràng. Là “nhận thức”, phản biện xã hội phải có chứng cứ, lập luận; do đó, nó cũng không đồng nhất với dư luận xã hội (không cần phải có chứng cứ, lập luận, lý lẽ).
Trong đời sống xã hội, người ta quen với phản biện khoa học - phản biện trong lĩnh vực hoạt động khoa học của các nhà khoa học nhằm đi đến chân lý, khẳng định sự đúng đắn của các lý thuyết, phát minh khoa học. Phản biện xã hội và phản biện khoa học có những điểm giống và khác nhau rất quan trọng. Phản biện khoa học là một khái niệm khoa học, đòi hỏi phải có sự hoàn chỉnh (một cách tương đối) của các lập luận và đặc biệt, đề cao tính khách quan. Phản biện xã hội không nhất thiết phải có sự hoàn chỉnh (cho dù một cách tương đối) của các lập luận; đặc biệt là, mặc dù cũng coi trọng tính khách quan, phản biện xã hội còn có thuộc tính xã hội (phản ánh quyền lợi kinh tế - chính trị - xã hội của các chủ thể phản biện).
Là một khái niệm chính trị - xã hội, phản biện xã hội về thực chất là sự phản biện của nhân dân. Nhân dân là chủ thể của phản biện xã hội với hai tư cách. Thứ nhất, với tư cách là người chủ, nhân dân có quyền giám sát đối với mọi hoạt động của Nhà nước. Bằng hình thức phản biện xã hội, nhân dân có công cụ hữu hiệu, có điều kiện tốt hơn thực hiện quyền giám sát các hoạt động của Nhà nước. Thứ hai, với tư cách là đối tượng chịu sự quản lý của Nhà nước, nhân dân có quyền bảo vệ những lợi ích, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình trước những chủ trương, chính sách, đề án của Nhà nước chưa đáp ứng đầy đủ hoặc xâm phạm các quyền lợi đó.
Bằng những lập luận, chứng cứ dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn của các lực lượng xã hội, các tầng lớp nhân dân, phản biện xã hội làm sáng tỏ đúng - sai của các vấn đề có tính chất xã hội liên quan đến lợi ích toàn xã hội, đến lợi ích của đông đảo nhân dân, giúp Nhà nước điều chỉnh chủ trương, chính sách phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Như vậy, bản chất phản biện xã hội là sự thực hành dân chủ, là đặc trưng rõ ràng của đời sống dân chủ của xã hội. Do đó, thực hiện phản biện xã hội không chỉ có ý nghĩa đem lại những lợi ích (vật chất và tinh thần) chính đáng, hợp pháp cho xã hội, mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc, phản ánh một mối quan hệ chính trị rất cơ bản: quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân.
2. Cơ sở triết học của phản biện xã hội
Cơ sở triết học của phản biện xã hội là phép biện chứng duy vật, mà cốt lõi là học thuyết về sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập.
Phép biện chứng là học thuyết toàn diện nhất, phong phú về nội dung, sâu sắc nhất về sự phát triển của mọi sự vật, hiện tượng của cả tự nhiên, xã hội và tư duy. Khi coi phát triển là sự tự vận động, phép biện chứng đã chỉ ra ba quy luật cơ bản: quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, quy luật những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và quy luật phủ định của phủ định. Phản biện xã hội là một hiện tượng của đời sống xã hội, là hoạt động phản ánh tư duy, quá trình nhận thức của những con người trong xã hội. Vì vậy, phản biện xã hội không thể không tuân theo các quy luật cơ bản của sự phát triển, của sự “tự vận động”. Cơ sở phương pháp luận để nhận thức đúng đắn về phản biện xã hội phải là phép biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trước hết, theo Lê-nin, "Có thể định nghĩa vắn tắt phép biện chứng là học thuyết về sự thống nhất của các mặt đối lập" (1). Tất cả mọi vật đều có tính chất mâu thuẫn trong bản thân nó, do đó, thực chất của phép biện chứng là phân đôi cái thống nhất và nhận thức các bộ phận mâu thuẫn của nó. Lê-nin chỉ ra rằng: sự thống nhất của các mặt đối lập "đó là sựthừa nhận (sự tìm ra) những khuynh hướng mâu thuẫn, bài trừ lẫn nhau, đối lập trong tất cả các hiện tượng và quá trình của giới tự nhiên (kể cả tinh thần và xã hội). Điều kiện của một sự nhận thức chung về tất cả các quá trình của thế giới trong "sự tự vận động" của chúng, trong sự phát triển tự phát của chúng, trong đời sống sinh động của chúng là sự nhận thức chúng với tính cách là sự thống nhất của các mặt đối lập. Sự phát triển là một cuộc đấu tranh của các mặt đối lập" (2).
Xã hội trong sự tồn tại hiện thực không thể không “có tính chất mâu thuẫn trong bản thân nó”, không thể không có sự đấu tranh và thống nhất của các mặt đối lập. Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập trong đời sống xã hội luôn gắn chặt với nhau, tồn tại song hành. Nhưng, như Lê-nin đã khẳng định, sự thống nhất là có điều kiện, tạm thời, thoáng qua, tương đối; còn sự đấu tranh của các mặt đối lập là tuyệt đối. Xã hội không thể phát triển (tự phát triển) nếu không có “đấu tranh” của các mặt đối lập trong xã hội. Nếu xem “thống nhất” và “đấu tranh” của các mặt đối lập trong xã hội như là hai “cực”, thì mâu thuẫn giữa các mặt đối lập đó biểu hiện theo các cấp độ: ủng hộ - góp ý kiến - phản biện - phản kháng - chống đối - nổi loạn và cuối cùng là cách mạng - thay đổi toàn bộ xã hội bằng một xã hội mới. Như vậy, phản biện xã hội là một cấp độ biểu hiện“sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập” của xã hội, có mức độ “mâu thuẫn” cao hơn “ủng hộ” và “góp ý kiến”, nhưng lại thể hiện mức độ “thống nhất” cao hơn các trạng thái “phản kháng”, “chống đối”, “nổi loạn” và cách mạng.
Chuỗi trạng thái xã hội mô tả trên phản ánh quy luật vận động “sự thay đổi về lượng dẫn tới sự thay đổi về chất”. Trong đó, từ “ủng hộ” đến “ nổi loạn” là những thay đổi về lượng nằm trong giới hạn sự tồn tại của chế độ xã hội hiện hữu (“độ”); còn khi vượt khỏi giới hạn (“độ”) của sự “thống nhất” và “đấu tranh”, khi mâu thuẫn đã đến tột đỉnh, sẽ dẫn đến cuộc cách mạng xã hội, phá vỡ chế độ xã hội hiện tại, hình thành một chế độ xã hội mới.
Một chế độ xã hội (thể chế xã hội) nhất định chỉ tồn tại khi những mâu thuẫn giữa các mặt đối lập của nó chưa vượt khỏi giới hạn (“độ”) cho phép. Lê-nin chỉ rõ: "... một sự vật chỉ có sức sống, chừng nào nó bao hàm một mâu thuẫn và nó chính là một lực lượng có khả năng bao hàm một mâu thuẫn và chịu đựng mâu thuẫn ấy. Nhưng nếu có một cái đang tồn tại không có khả năng, trong sự quy định khẳng định của nó, đồng thời chuyển sang sự quy định phủ định của nó và giữ cái nọ trong cái kia, nếu nó không có khả năng chịu đựng mâu thuẫn bên trong của nó, thì nó không phải là một thể thống nhất sống, không phải là căn cứ, mà sẽ sụp đổ vì mâu thuẫn của nó" (3).
Xét trong giới hạn sự tồn tại của xã hội trong một chế độ xã hội nhất định, phản biện xã hội có ý nghĩa tích cực, thể hiện rõ nhất sự cân bằng của “sự thống nhất” và “đấu tranh” giữa các mặt đối lập của xã hội, trực tiếp là giữa Nhà nước với xã hội, giữa lực lượng cầm quyền với đông đảo quần chúng nhân dân, giữa chủ thể với đối tượng của quản lý xã hội. Phản biện xã hội là sự tranh luận, biện luận (và phản biện luận) để làm rõ đúng - sai của các chủ trương, chính sách, đề án xã hội, nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích chung của xã hội, do đó, không chứa đựng sự xung đột lợi ích (mặc dù có sự phản ánh các lợi ích của các lực lượng xã hội, của các chủ thể khác nhau). Vì vậy, phản biện xã hội không đưa đến sự phủ định chế độ xã hội, mà hướng đến đảm bảo sự tồn tại của chế độ xã hội với “sự đấu tranh và thống nhất của các mặt đối lập” trong sự tự phát triển của nó.
Phản biện xã hội là một hoạt động xã hội được thực hiện bằng hai dạng hành động cơ bản là biện luận và phản biện luận, chứng minh (khẳng định) và chứng minh ngược lại (phủ định). Vì vậy, bản chất phản biện xã hội cũng bao hàm “sự đấu tranh và thống nhất của các mặt đối lập”.
Tóm lại, phản biện xã hội là một hiện tượng trong đời sống xã hội, mà sự vận động của nó không thể ra ngoài các quy luật cơ bản của phép biện chứng; nó là sự phản ánh hiện thực của các quy luật đó. Bởi thế, để hiểu đúng và thực hiện đúng phản biện xã hội chỉ có thể dựa trên cơ sở phương pháp luận phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Ghi chú:
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1981, t.29, tr.240.
(2) V.I.Lê-nin: Sđd., tr. 379.
(3) V.I.Lê-nin: Sđd., tr.149.
ThS. VŨ THỊ NHƯ HOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét