Chia sẻ

Tre Làng

“Nó có đẻ ra chúng mày đâu mà gọi là mẹ”

Lâm Trực
Đọc bài báo này thấy thương chị Miền kinh khủng. Xin đăng lại để mọi người cùng suy ngẫm.

"Bố mẹ chồng cứ bảo với bọn trẻ: "Nó có đẻ ra chúng mày đâu mà gọi nó là Mẹ. Mẹ chúng mày trên bàn thờ kia kìa" - chị Trần Thị Miền (50 tuổi  Xuân Hòa - Vũ Thư - Thái Bình) nhớ lại những ngày đã qua, rơi nước mắt.
Định bỏ chạy nhiều lần...
"Bố tôi cưới được mẹ Miền là một điều may mắn, gia đình tôi trở thành gánh nặng trên vai mẹ. Nếu không về với bố, chắc mẹ đã có một cuộc sống sung sướng, an nhàn hơn. Chẳng biết bao nhiêu quả ngọt vào ai mà đắng chát cứ theo mẹ từng ngày. Tôi thương mẹ nhiều hơn những gì tôi nói ra và hơn cả những điều ít ỏi tôi đã làm được cho mẹ - Đinh Văn Dũng (con trai anh Đinh Văn Dụng - chồng chị Miền) nói về người mẹ ghẻ của mình.

Còn chị Miền thì bảo ngay từ đầu nếu anh Dụng không đưa chị đi đăng ký kết hôn thì chắc là chị đã bỏ chạy mất. Ngày mới về nhà thấy hai đứa con chồng, đứa lên 5, đứa lên 3 nheo nhóc, ăn cơm thì không mâm, không bát đĩa, chỉ mỗi cái thìa xới thẳng từ nồi, nền nhà đất thì lồi lõm ổ voi ổ gà, bố mẹ chồng trái tính, khó chiều, nhà thì có mà cửa thì không. Đêm đến hai đứa con chồng với vợ chồng mới cưới nằm chung một chiếc giường chật hẹp... "Tôi nghĩ và chán nản vô cùng".

Chị Miền chăm sóc mẹ chồng
Bà Hoạt (thím của anh Dụng) cho biết: Nó về làm dâu nhà này khổ lắm, lại mang tiếng dì ghẻ. Làm quần quật ngày đêm để có tiền trả mấy khoản nợ cũ cho gia đình, cả tiền thắp điện từ năm 1993 mà mãi đến 1997 nó vẫn phải làm mà trả. Khổ thân.

“Ngày mới về nhà, hai đứa con cứ chạy theo gọi tôi bằng Mẹ. Bố mẹ chồng cứ bảo với chúng: "Nó có đẻ ra chúng mày đâu mà gọi nó là Mẹ. Mẹ chúng mày trên bàn thờ kia kìa. Chúng nó nào biết gì đâu, đến nỗi mỗi khi ra mộ chị cả thắp hương, hai đứa còn vạch quần đái lên trên mộ. Thế rồi nghe lời ông bà, hai đứa cứ xưng hô trống không. Mãi cho đến khi lên 8 lên 10, chúng mới lại gọi Mẹ, tôi mừng đến rớt nước mắt” - chị Miền tâm sự.
Tủi phận làm mẹ nghịch tử

Đinh Thế Hùng và Đinh Văn Dũng - hai người con chồng tranh nhau kể lại những ngày tháng ham chơi, ngỗ nghịch khiến mẹ Miền lo lắng, muộn phiền: "Bọn tôi toàn trốn học đi đánh nhau với bạn. Có lần người ta lùng đến tận nhà, đòi mẹ đền 5 triệu, không thì sẽ tìm giết bọn tôi. Hai anh em trốn trong nhà mấy ngày liền không dám ló mặt ra đường, cũng không đến lớp học. Mẹ chạy vạy kì đủ 5 triệu mang đến cho người ta để cứu chúng tôi.


Chị Miền ứa nước mắt nhớ lại ngày đầu về làm mẹ ghẻ của hai đứa con chồng

Lên lớp, chúng tôi đùa nghịch với bạn rồi đập vỡ lọ hoa, sọt rác, thiết bị của lớp. Đến mỗi kỳ họp phụ huynh, cô giáo đều phê bình “con mẹ” và bắt phải đóng tiền bồi thường. Có hôm đến bữa cơm, bố hỏi mẹ, kết quả học tập của hai con thế nào, mẹ bưng bát cơm mà nước mắt chảy dài, không nói một lời nặng. Bố biết ý nên thôi, nói lảng chuyện khác.

Ở cái xóm Cự Lâm này, chắc chưa ai ngỗ nghịch như anh em nhà tôi, thế mà chẳng bao giờ bị mẹ mắng. Mẹ chỉ nhẹ nhàng kể những câu chuyện để khuyên hai anh em. Nhưng chúng tôi cứ bỏ ngoài tai. Đêm, mẹ lại khóc nhiều hơn. Bây giờ, tôi mới kịp hiểu những dòng nước mắt ấy chua chát đến chừng nào.

Bố tôi tính hay keo kiệt, mỗi khi biết mẹ đi chợ mua quà bánh cho hai anh em tôi là bố lại mắng mẹ. Còn anh em tôi được kẹo thì sung sướng lắm, mặc kệ không quan tâm mẹ bị mắng hay không. Nhiều lần mẹ mua bánh quy đưa cho hai anh em rồi bảo chạy ra chỗ khác mà ăn, đừng để bố thấy bố lại mắng. Nghĩ lại ngày ấy mà thương mẹ bội phần. Mẹ nào đã dám sắm cho mình một cái khăn mặt mới, toàn chắt chiu miếng ngon, quần áo đẹp cho hai anh em tôi".

Không phải mong được bù đắp

Ông Đỗ Văn Khương, trưởng thôn Cự Lâm cho biết: Người như chị Miền hiếm lắm. Phải nói là chị ấy quá nghị lực và bản lĩnh khi dạy dỗ hai đứa con trăm đường ngỗ nghịch giờ khôn lớn nên người. Làm tròn bổn phận dâu con với gia đình anh Dụng đã khó, làm mẹ của hai đứa con chồng càng khó hơn.

Ba đứa con chị Miền giờ đã khôn lớn. Cứ mỗi cuối tuần, các con đi làm, đi học xa về nhà quây quần, chuyện trò bên mâm cơm, chị Miền lại thấy ấm lòng. Ba anh em thương yêu nhau, không phân biệt con mẹ con cha.
Chị kể: mỗi khi về nhà, hai đứa lớn đều không quên mua kẹo, mua dây nơ đẹp cho em gái cài tóc. Chị cười: "Thằng Dũng đi sang nhà bạn gái chơi cũng kì kèo con Hạnh đi cùng cho bằng được".

Cuộc sống gia đình bây giờ khá giả hơn nhưng chị vẫn chịu khó làm lụng ngày đêm vì còn các con đang tuổi ăn học, lại thêm phụng dưỡng bố mẹ chồng đã ngoài tuổi 80. Anh Dụng làm nghề thợ xây, nay đây mai đó nên việc gia đình một tay chị gồng gánh.

"Dũng nói: “Sau này chúng con đi làm sẽ gửi tiền về cho mẹ an hưởng tuổi già. Mẹ không phải làm lụng vất vả nữa”, nhưng tôi mong các con khôn lớn trưởng thành chứ không phải mong được bù đắp" - nhắc đến những dứa conc hồng, chị Miền lại nở nụ cười hạnh phúc.
Hoàng Cúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog