Quy trình làm giá ăn dùng hóa chất độc hại nhập từ Trung Quốc, qua mô tả chi tiết của phóng viên thâm nhập vào các cơ sở làm giá, đã khiến người tiêu dùng khi đọc bài báo này đều… phát sợ. Nhưng, công bằng mà nói, chính người tiêu dùng, khi ưa chuộng loại giá mập mạp, trắng trẻo, không có rễ… đã “đặt hàng” cho người sản xuất.
Bây giờ, rất sẵn các loại hóa chất không rõ nguồn gốc và hóa tính, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, có thể đáp ứng nhanh tất cả những “yêu cầu”, chủ yếu về hình thức, của khách hàng về những mặt hàng thực phẩm tươi sống nào đó. Để có những mặt hàng thực phẩm vốn quen thuộc với người tiêu dùng nhưng được ‘tân trang” cho đẹp, cho bắt mắt hơn, người sản xuất gần như bắt buộc phải dùng các loại hóa chất “phụ gia” độc hại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chính do yêu cầu của các quán ăn, các nhà hàng, và cả yêu cầu trực tiếp của người tiêu dùng, “có cầu thì có cung”, mới nảy ra những loại thực phẩm độc hại như giá ăn dùng “phụ gia” hóa chất này.
Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, để người sản xuất không phải mang tiếng là làm ra những thực phẩm độc hại tàn phá cuộc sống người tiêu dùng, thì rất cần sự chung tay vào cuộc một cách tích cực từ cả ba phía.
Một, là từ phía những cơ sở thực nghiệm sản xuất thực phẩm sạch của nhà nước. Tại sao, với một mặt hàng thực phẩm đơn giản là giá ăn, mà các cơ sở khoa học thực phẩm của nhàt nước không nghiên cứu được quy trình sản xuất được giá sạch vừa bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, vừa có hình thức hấp dẫn, bắt mắt phù hợp với nhu cầu thị trường? Trong thực tế, giá ăn luôn được coi là loại “rau sạch”, nay bị sản xuất theo quy trình “rau bẩn” như thế, thì nếu muốn chấm dứt quy trình tai hại đến sức khỏe người tiêu dùng, chỉ còn cách thay thế nó bằng một quy trình khác, thật sự sạch và khoa học, lại đáp ứng được yêu cầu về hình thức của thị trường. Chúng ta không thiếu những chuyên gia về thực phẩm, những nhà khoa học thực nghiệm về cây trồng đủ sức để đưa ra một công thức làm giá ăn “sạch và đẹp”, một công thức không phức tạp, phù hợp với người sản xuất vốn là những người nghèo, và đặc biệt là không dùng những chất “phụ gia” là những hóa chất độc hại nhập từ Trung Quốc.
Hai, là về phía người tiêu dùng, kể từ quán ăn, nhà hàng đến các chợ đầu mối, và cuối cùng là những bà nội trợ, cần biết và cần thiết phải “nói không” với những loại giá ăn sản xuất từ hóa chất. Nếu người tiêu dùng từ chối dùng loại giá ăn độc hại này, chắc chắn những người sản xuất sẽ chuyển hướng để đưa ra thị trường loại giá ăn sạch làm từ đậu xanh trong nước và không sử dụng hóa chất. Nếu trong hoàn cảnh hiện tại, chưa có sự giúp sức của các cơ sở khoa học thực phẩm nhà nước, thì việc người tiêu dùng kiên quyết chọn loại giá ăn “thực thà” không bắt mắt lắm, nhưng sạch sẽ, không độc hại sẽ là thông điệp gửi tới các nhà sản xuất giá ăn, buộc họ sản xuất giá ăn sạch đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ba, là về phía người sản xuất giá ăn. Khi thị trường đã yêu cầu “giá ăn sạch” thì lập tức người sản xuất phải đáp ứng nhanh, và chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất giá ăn từ hóa chất Trung Quốc.
Khi cả “ba nhà”: khoa học, sản xuất, tiêu thụ cùng vào cuộc, thì vấn nạn “giá ăn bẩn” mới được giải quyết triệt để. Đó cũng là quy trình để sản xuất nhiều loại thực phẩm tươi sống sạch sẽ khác, có lợi cho sức khỏe nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét