Lâm Trực nhặt trên Net
Đó là thứ văn hóa xấu xí mà người tự phong (có nghĩa là họ không phải vậy nhưng xưng vậy) nhằm những mục đích nào đó (vì mình, nghĩ là sẽ tốt đẹp cho mình, về phần danh, lợi…). Lắm khi, kẻ tự phong nhất thời cũng đạt được mục đích ấy, nhưng về lâu dài thường phải chịu hậu quả (đương nhiên), và lắm khi cũng bị dư luận “ném đá” tả tơi!
Chuyện mới: tự xưng… Ni cô
Đó là cách để tạo scandal của thí sinh Nữ Trúc Lâm Diệp Hạ Trần, trong cuộc thi Vietnam Idol 2012 đã “phong” mình là “Ni cô”, “người tu”. Tuy nhiên, với bất kỳ người nào có hiểu biết về đạo Phật một chút thôi cũng đã nhận ra ngay đây không phải là một người xuất gia (Ni cô là từ bình dân gọi chung cho những vị nữ xuất gia, đã thọ giới từ Sa-di ni trở lên) bởi sắc phục bên ngoài tới mái tóc còn nguyên - đều là “chứng cứ” bác bỏ hoàn toàn “sắc phong” của cô.
Thí sinh Nữ Trúc Lâm Diệp Hạ Trần - người tự xưng Ni cô trong cuộc thi Vietnam Idol 2012
Chuyện này lẽ ra - nếu có ầm ĩ theo đúng chiều hướng của nó phải là người ta (ở đây muốn nói tới truyền thông, chủ yếu là báo mạng và các trang web tin tức, mạng cộng đồng) sẽ đưa tin: Một thí sinh Vietnam Idol 2012 hồ đồ tự xưng Ni cô. Đằng này, không ít cái tít các báo lại giật một cách “giật gân” là Một Ni cô đi thi Vietnam Idol, hoặc Thí sinh khoác áo tu đi thi Vietnam Idol… Sự lấp liếm này thể hiện hai điều phải suy gẫm, đó có thể là… sự “cả tin” hay nói chân thật là sự thiếu hiểu biết về văn hóa - tôn giáo của người xử lý thông tin (đối với cơ quan truyền thông). Và, đó có thể (chắc chắn hơn) là sự cố tình câu view của chính cơ quan truyền thông, bởi quan điểm của các báo mạng trong cạnh tranh thông tin hiện nay là… càng sốc siếc, càng “nổ”, càng “hở”… càng có “giá trị” (ở đây là sự thu hút số lượng click chuột của người đọc).
Thực hư và tác hại của nó tới bạn đọc thì có lẽ không thể đo đếm được, riêng đối với bạn đọc là Phật tử có hiểu biết về Phật giáo một cách đúng đắn, thì khi nghe chuyện này sẽ không bao giờ buồn đọc, có đọc thì cũng chỉ tiếc cho một hành vi dại dột của thí sinh kia, đồng thời tiếc cho một bộ phận người làm truyền thông (hoặc là chẳng biết gì hoặc là cố tình lờ đi để câu view).
Chuyện cũ: tự phong Vô thượng sư, Đạo sư…
Chuyện cũ mèm là của bà Thanh Hải, một tà sư tự phong Vô thượng sư, giờ ai nghe cũng biết và cảnh giác. Đương nhiên, ở Việt Nam, vẫn có những tín đồ của Thanh Hải vô thượng sư hoạt động núp bóng, bất hợp pháp hoặc rầm rầm rộ rộ dưới nhiều hình thức. Nhưng, phần đông Phật tử thuần thành sẽ chẳng ai tin nổi luận điệu “tà ma ngoại đạo” của Thanh Hải vô thượng sư và những môn đệ của bà. Hiện tượng này đã “thoái trào” vì không còn “chỗ dựa” hậu thuẫn tài chánh cũng như lộ diện hình tướng dưới ánh sáng thông tin ở ngay nơi “bản doanh” của “đạo Thanh Hải”.
Thiết nghĩ, là bậc thánh hiện thân, các ngài sẽ âm thầm bước vào cuộc đời với những công hạnh từ bi - trí tuệ, diệu dụng pháp lành để cứu độ chúng sinh. Còn tự phong và bắt người ta phải quy phục mình bằng cách dụ, dỗ, dọa… thì đều là cách của ngoại đạo, của kẻ mưu cầu quyền lực, khuếch trương thanh thế nhằm thỏa mãn cái tôi của mình, hoặc thông qua đó để làm những việc tày đình, khó đoán. Trong đó, không ngoài mục đích phá hoại chánh đạo, làm ảnh hưởng tới con đường truyền bá Chánh pháp bởi sự ngộ nhận của số đông chúng sinh.
Và nói là chuyện cũ, nhưng mới đây, rất mới đây là một người bỗng dưng tự xưng là “Đạo sư Duy Tuệ” với cái nhãn mác “Thiền Minh triết”, được không ít báo đài “tán dương”. Trang bị cho bản thân, từ bề ngoài na ná nhà tu tới bên trong là giáo dục đạo đức thông qua con đường bước vào truyền thông, ông này đã bước đầu thành công khi tạo ra được những mạng lưới (chân rết) của mình ở nhiều nơi, nhiều hình thức trong sự bỏ ngỏ của các cơ quan chức năng mặc dù Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản phản ứng.
Khó có thể lường hết những tác hại đáng ngờ từ những kẻ tự phong kiểu như Thanh Hải vô thượng sư hay Đạo sư Duy Tuệ mà báo chí đã nhắc tới trong thời gian qua với một thái độ nghiêm túc, có tính cảnh tỉnh cao độ. Nhưng, thường, khi gặp phải những cảnh giác như thế thì sự “lặn” xuống của những “bậc tự phong” có tính chất giống như con vi-rút khi gặp nhiệt độ (đun sôi) thì co lại, tạm thời sống trong vỏ bọc để chờ cơ hội lại tiếp tục hiện hình vi-rút (lần hiện hình sau thường nguy hiểm hơn do đã được rèn luyện kỹ hơn), tiếp tục gây nên những trò đảo điên, làm nhiễu loạn lòng người, nhất là những người yếu đuối, sơ cơ học Phật!
Không thể làm ngơ!
Là người con Phật thật tâm thao thức về lời Phật dạy cũng như về con đường hoằng truyền giáo pháp, mang lại lợi lạc cho quần sanh trong sáu đường luân hồi sanh tử (lục đạo) thì không bao giờ im lặng, làm ngơ trước những sự vụ cố ý làm tổn hại hình ảnh Đức Thế Tôn và Tăng đoàn, làm méo mó lời dạy của Phật - gây ngộ nhận, hiểu nhầm trong quần chúng. Ai tự xưng là người tu theo Phật (dù xuất gia hay cư sĩ tại gia) mà hành xử không trên tinh thần từ bi-trí tuệ, nhằm những mục đích cá nhân… đều là hành vi “đốt nhà”, gây tai tiếng cho Phật giáo.
Ví dụ như vụ việc tự xưng Ni cô của thí sinh Nữ Trúc Lâm Diệp Hạ Trần là một điển hình. Cô này chơi trò con nít khi nghĩ rằng, bận một chiếc áo màu nâu, rồi xưng là Ni cô thì sẽ được sự ủng hộ của Phật tử (được xác định là phần đông người Việt Nam là người tin-yêu đạo Phật, là Phật tử). Ý niệm của việc tự xưng đó là vị kỷ, là nhằm mục đích cá nhân, không trên tinh thần lợi tha (giúp đời, giúp người). Chỉ với dấu hiệu ấy thôi cũng đủ để nói sự thật về sự giả danh này với cộng đồng, hầu giúp những người chưa hiểu về Phật giáo hiểu hơn về đạo Phật, về người tu.
Cũng gần đây thôi, trên mạng xuất hiện một clip một kẻ trong hình thức người xuất gia nữ chửi bới thô bỉ, có hành vi thô bạo ở một sân bay nào đó được truyền đi và đăng tải tại các trang mạng cá nhân với tốc độ chóng mặt. Theo đó, hàng ngàn câu bình luận có ảnh hưởng rất xấu về người tu, về Giáo hội và Phật giáo. Cũng trên một tờ báo điện tử chính thống đã đăng tải hành vi thô bạo (nhảy lên đá, ném mũ cối vào người đi đường) của một thanh niên mặc áo tu sĩ trong nhóm tháp tùng thầy Thích Tâm Mẫn trên hành trình một bước một lạy hành hương về Yên Tử, với lời phân tích rất phản cảm, báo chí thì “phong” là “tiểu sư thày tung chưởng…”, trong lúc đó chưa có một xác minh nào về nhân thân của thanh niên này, dù có nhiều bình luận đề nghị TT.Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, nơi thầy Tâm Mẫn xuất gia có ý kiến để số đông được biết.
Thực ra, những vụ việc tự phong dẫu có nguy hại (nếu mình phát hiện không kịp thời, hoặc phát hiện mà không có tiếng nói chính thức, cụ thể, đúng đắn từ phía Giáo hội), nhưng ở mặt nào đó có thể xem đây là cơ hội để người xuất gia, tham gia công tác truyền thông của Giáo hội nói tiếng nói thẳng thắn, đúng đắn hầu đính chính dư luận. Một khi có tiếng nói chính thức của Giáo hội (trước đây và đã nhiều lần Giác Ngộ nêu ý kiến là nên có người phát ngôn chính thức của Giáo hội) thì sẽ là cơ sở để điều chỉnh dư luận cũng như phản bác lại những luận điệu gàn dở, chống phá, bôi nhọ, làm lệch lạc suy nghĩ của công chúng đối với Phật giáo. Đôi khi, từ chính những vụ scandal như thế này mà Giáo hội lên tiếng “nói cho rõ” về đạo Phật sẽ có tác dụng gấp nhiều lần những bài thuyết pháp cũng nên.
Do vậy, trong tư thế chủ động (có cơ quan chính thức là Giáo hội, cùng niềm tin của đông đảo quần chúng) thì tại sao chúng ta không làm chủ tình thế và hoằng dương Chánh pháp từ những vụ việc ngỡ như là bất lợi này? Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta mong muốn sẽ có nhiều “nghịch duyên” chống phá Phật giáo, âm mưu cải đạo… như những sự vụ xầm xì vừa qua, bởi thuận duyên tối thượng (niềm tin, sự kính ngưỡng, hiểu sâu sắc lời dạy của Phật để ứng dụng hành trì có an lạc của quần chúng) vẫn là điều kiện tiên quyết đánh dấu sự hưng thạnh của Phật pháp. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiễu nhương khó đoán thì vai trò hoằng pháp của người con Phật càng cần phải phát huy, và tất nhiên, là cơ hội để người con Phật “tồi tà phụ chánh”, vượt thoát bến mê sanh tử này…
Cái bẫy của truyền thông và “bẫy” truyền thông!
Cái bẫy của truyền thông được tìm thấy dưới dạng là những cái tít giật gân, câu khách, những phát ngôn xàm bậy lại được “ưu ái” cho lên thành tít, và tự tung hỏa mù để câu view. Báo giới chính thống đã từng xôn xao bàn luận về những thông tin giật gân và những tờ… lá cải xuất hiện, tồn tại rầm rộ trong thị trường báo chí Việt Nam gần đây. Những cái bẫy của truyền thông vì vậy không ngoài mục đích lợi nhuận (có đông người đọc để thu hút quảng cáo).Còn “bẫy” truyền thông là cách nắm nhược điểm của truyền thông (thích những sự giật gân, sốc siếc, hở hang…) nên chủ thể “tự nguyện” tạo những scandal như “khoe thân”, phát ngôn bừa bãi, tự phong để được xuất hiện trên báo, các trang mạng một cách liên tục. Cả hai (cơ quan truyền thông và chủ thể) có cầu, có cung về những thông tin rẻ tiền như vậy nên đã ngầm “bắt tay” nhau tạo nên những dư luận chẳng đâu vào đâu. Bởi cả hai đều có lợi là danh và tiền, dù đằng sau sự biết đến đó, lợi nhuận đó là những đánh giá, nhận xét, chỉ trích rất xấu xí về mình! Người con Phật khi bước vào lộ giới thông tin phải thật cẩn trọng với những dạng thông tin kiểu này. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét