Phạm Xuân Cần
Có khá nhiều bài thơ, câu nói thường được cho là của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ được trích dẫn trong khi nói, chúng còn được trích dẫn trong các bài viết, thậm chỉ là các công trình nghiên cứu hoặc các bài luận văn chính trị xã hội quan trọng. Không chỉ người dân hoăc cán bộ bình thường có sự nhầm lẫn, mà rất nhiều lãnh đạo từ cơ sở đến Trung ương cũng mắc phải lỗi này. Trong rất nhiều sự nhầm lẫn tai hại đó phổ biến nhất là trường hợp câu thơ “Không có việc gì khó...” và câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu...”
Câu thơ “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” thường được biết đến với tên gọi “Khuyên Thanh niên”. Từ hàng chục năm nay khi được in, được nói đến người ta nghiễm nhiên cho đó là thơ của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, hầu như không có ai suy nghĩ gì khác. Ở công trình Thủy điện Hòa Bình dưới bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đồi cũng khắc trang trọng bài thơ này với tên tác giả Hồ Chí Minh. Khoảng năm 1975, 1976 bản thân tôi khi học tiếng Trung Quốc thậm chí còn cố gắng dịch bài thơ này ra...chữ Hán để đăng báo...tường! (Đầu đề tôi dịch là “Khuyến Thanh niên”, câu đầu dịch là “Thế gian một hữu nan chi sự”. Thầy giáo dạy Trung văn đọc xong chỉ cười). Rất may sau đó đọc cuốn “Chúng ta có Bác Hồ” của nhà xuất bản Lao Động, tôi bắt gặp hồi ký của một cựu cán bộ Đoàn. Trong đó ông này kể lại hồi ở chiến khu Việt Bắc, ông có gặp xin Bác Hồ một bài thơ để tuyên truyền giáo dục thanh niên. Bác Hồ nói đại ý thơ thì Bác chưa có, nhưng có mấy câu này người xưa hay dùng để dạy thanh niên hay lắm. Sau đó Bác viết lại mấy câu trên cho người cán bộ nọ. Và, có lẽ từ đó mấy câu thơ này đã trở thành bài “Khuyên thanh niên” bất hủ. Thế nhưng, phải cách đây mười mấy năm gì đó tôi mới biết cụ thể xuất xứ của bài thơ này. Té ra đó là một câu trích trong sách giáo khoa chữ Hán xưa “Ấu học ngũ ngôn thi”. Nhà thơ Ngô Văn Phú đã giới thiệu và dịch đăng một chương cuốn sách này trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong đó nguyên văn chữ Hán của bốn câu thơ này như sau: “Tạc sơn thông đại hải/ Luyện thạch bổ thanh thiên/ Thế thượng vô nan sự/ Nhân tâm tự bất kiên” (鑿 山 通 大 海/ 鍊 石 補 青 天/ 世 上 無難 事/人 心 自 不 堅). Như vậy, có thể nói Chủ Tịch Hồ Chí Minh không phải là tác giả của những câu thơ này. Tuy nhiên, chính Bác là người dịch ra tiếng Việt những câu thơ hàm súc, giàu ý nghĩa đó. Đó là một bản dịch tuyệt vời!
Trường hợp hai câu thơ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” lại hoàn toàn khác. Rất nhiều cán bộ, giáo viên hễ cứ nói đến vai trò quần chúng nhân dân là y như rằng không thể thiếu câu này, với lời dạo: “Bác Hồ đã dạy...”. Thế nhưng, thực chất đây là hai câu trong một bài ca dao khá nổi tiếng thời chống Pháp của...nhà thơ Thanh Tịnh. Bài này được nhà thơ Thanh Tịnh sáng tác năm 1948 trong cuộc vận động nhân dân đóng thuế nông nghiệp. Đó là bài Dân no thì lính cũng no. Nguyên văn:
“Trông lên thì thấy đầy sao
Nhìn quanh thì thấy đồng bào mến thân
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong
Thóc thuế mà có dân đong
Trăm công nghìn việc ngược dòng cũng xuôi
Đêm nằm nghĩ lại mà coi
Liệu còn thằng giặc đứng ngồi sao yên ?
Nhân dân là bậc mẹ hiền
Cơm gạo áo tiền thì mẹ phải lo
Dân no thì lính cũng no
Dân reo lập nghiệp, lính hò lập công...”
Thế nhưng nguyên do gì mà những câu thơ trên bỗng nhiên trở thành thơ Bác Hồ? Tôi xin đưa ra một giả thuyết. Tôi đã đọc một bài nói chuyện của Chủ Tịch Hồ Chí Minh với Công an Hà Nội những năm chống Mỹ. Khi nói về việc Công an phải dựa vào nhân dân, Bác có nói đại ý: Đồng bào Quảng Bình nói rất đúng: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Được biết hồi đó hai câu này được viết thành khẩu hiệu và rất phổ biến ở Quảng Bình. Tôi không biết có phải đó là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến hai câu thơ này không. Nhưng, có thể khi được Người nhắc đến thì những câu thơ đó trở nên nổi tiếng và vì nhiều lý do khác nhau người ta nghĩ đó là thơ Bác Hồ mà tuyệt nhiên không có sự nghi ngại nào. Mặt khác cũng phải thừa nhận hai câu thơ dung dị mà hàm chứa tư tưởng rất lớn của nhà thơ Thanh Tịnh cũng khá gần gũi với cách viết, cách nói của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Phải chăng đó cũng là một lý do tạo nên sự ngộ nhận này?
Hiểu đúng để sử dụng đúng những bài thơ, câu nói mà sinh thời Chủ Tịch Hồ Chí Minh thường nhắc đến là điều rất cần thiết. Mọi sự ngộ nhận là không nên và rất dễ bị xuyên tạc.
Khi viết lại những chuyện này tôi chưa có điều kiện tra cứu lại những tài liệu mà mình đã đọc, nhưng tin chắc về cốt lõi là như vậy. Rất mong các bạn cùng trao đổi thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét