Chia sẻ

Tre Làng

ĐẤU KHẨU TỐT HƠN ĐẤU SÚNG

Bài của Joseph Nye - giáo sư Đại học Harvard. Copy trên mạng.

Liệu chiến tranh sẽ bùng nổ tại vùng biển Đông Á?

Sau khi một số người Trung Quốc và Nhật Bản tổ chức các cuộc đổ bộ lên vùng đất cằn cỗi mà Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku, những người biểu tình tại thành phố Thành Đô, phía tây nam Trung Quốc hô vang: “Chúng ta phải giết hết bọn Nhật Bản.”

Tương tự như vậy, một cuộc đụng độ giữa các tàu Trung Quốc và Philippines tại Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông đã dẫn đến các cuộc biểu tình ở Manila. Và một kế hoạch hợp tác đã định từ trước giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bị phá hủy khi Thủ tướng Hàn Quốc đã đến thăm viếng hòn đảo cằn cỗi mà Seoul gọi Dokdo, và Tokyo gọi là Takeshima, và Washington gọi Rocks Liancourt.

Mọi người không nên quá hoang mang. Mỹ đã tuyên bố rằng quần đảo Senkaku (dưới sự quản lý của quận Okinawa khi nó được trả lại Nhật vào năm 1972) được hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật bảo vệ. Trong khi đó, xung đột trên Bãi cạn Scarborough đã yên tĩnh trở lại, cùng lúc Nhật Bản triệu hồi đại sứ từ Seoul vì chuyện Dokdo, có lẽ hai nước sẽ không đi đến chiến tranh.

Nhưng cũng cần phải nhắc lại rằng Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và tại Trường Sa vào năm 1988. Và Trung Quốc đã áp lực Cambodia, nước chủ trì hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay, để chặn một thông cáo chính thức về một nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông - lần đầu tiên trong 40 năm lịch sử 10 thành viên ASEAN đã không thể đưa ra một thông cáo chung.

Sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc ở Đông Á là điền đáng ngại và hiểu được. Tại châu Âu, trong khi Hy Lạp có thể phàn nàn về các điều khoản tài trợ khẩn cấp của Đức, kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay đã cho thấy tiến bộ lớn giữa các quốc gia tại đây. Không có chuyện tương tự đã xảy ra ở châu Á, và các vấn đề có từ những năm 1930 và 1940 vẫn còn nguyên, những vấn đề đó trở thành trầm trọng hơn vì thành kiến trong sách giáo khoa và chính sách của các chính phủ trong khu vực.

Đảng Cộng sản Trung Quốc không còn “rất” cộng sản nữa. Thay vào đó, cơ sở của tính hợp pháp của Trung Quốc bây giờ là tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và chủ nghĩa dân tộc [Đại] Hán. Những ký ức về cuộc chiến tranh Trung-Nhật 1894-1895 và cuộc xâm lược của Nhật Bản trong những năm 1930 rất có ích về mặt chính trị và phù hợp với một chủ đề lớn hơn: Trung Quốc là nạn nhân của các lực lượng đế quốc.

Một số nhà phân tích quốc phòng Mỹ cho rằng chiến lược biển của Trung Quốc hiện nay rất hùng hăng. Họ dẫn chứng bằng sự gia tăng ngân sách quốc phòng và sự phát triển của công nghệ hỏa tiễn và tàu ngầm để bao vây vùng biển kéo dài từ bờ biển của Trung Quốc đến “chuỗi đảo đầu tiên” của Đài Loan và Nhật Bản.

Một số người khác, tuy nhiên, nhận thấy chiến lược của Trung Quốc lộn xộn và mâu thuẫn. Họ dẫn chứng bằng những kết quả tiêu cực của các chính sách quyết đoán hơn của Trung Quốc kể từ khi có cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Thật vậy, chính sách của Trung Quốc đã phương hại đến những quan hệ với gần như tất cả các nước láng giềng.

Hãy xét lại xung đột Senkaku năm 2010, khi Nhật Bản bắt giữ thủy thủ đoàn của một tàu đánh cá Trung Quốc đã đâm vào một tàu bảo vệ bờ biển Nhật Bản, Trung Quốc leo thang trả thù kinh tế. Kết quả, theo một trong những nhà phân tích Nhật Bản, là “Trung Quốc đã đá banh vào gôn của mình”, đảo ngược xu hướng thuận lợi trong quan hệ song phương Trung-Nhật. Tổng quát hơn, trong khi Trung Quốc chi hàng tỷ nhân dân tệ để gia tăng sức mạnh mềm tại châu Á, thì hành động của TQ ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) mâu thuẫn với thông điệp của chính mình.

Tôi đã hỏi bạn bè và các quan chức Trung Quốc tại sao Trung Quốc lại theo đuổi một chiến lược phản tác dụng như thế. Câu trả lời chính thức là Trung Quốc thừa kế chủ quyền lãnh thổ lịch sử, gồm cả một bản đồ có từ thời Trung Hoa Dân Quốc phác họa một “đường chín đoạn” bao trùm hầu như toàn bộ Biển Đông. Một số quan chức thậm chí đã gọi vùng biển này là chủ quyền “lợi ích cốt lõi” tương tự như Đài Loan hay Tây Tạng.

Tuy nhiên, các giới lãnh đạo Trung Quốc đã không bao giờ rõ ràng về vị trí chính xác của “đường chín đoạn”, hoặc liệu các tuyên bố chủ quyền của họ chỉ nhắm đến một số tính năng địa lý nhất định, hoặc về thềm lục địa rộng lớn và biển. Khi được hỏi tại sao họ không nói rõ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình, những người Trung Quốc đối thoại với tôi đôi khi nói rằng làm như vậy sẽ đưa đến sự thỏa hiệp chính trị và điều này sẽ kích động nhóm theo chủ nghĩa dân tộc trong nước. Và đôi khi họ nói rằng họ không muốn đi một nước cờ mặc cả quá sớm.

Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý về một quy tắc ứng xử - không ràng buộc về mặt pháp lý - để giải quyết những tranh chấp chủ quyền, nhưng Trung Quốc tin rằng họ sẽ thắng lợi nhiều hơn trong các cuộc đàm phán song phương hơn là tại các cuộc đàm phán đa phương với các nước nhỏ. Niềm tin đó đã khiến Trung Quốc ép Cambodia ngăn chặn bản thông cáo chung của ASEAN vừa qua.

Nhưng đây là một chiến lược sai lầm. Là một nước lớn, Trung Quốc sẽ có trọng lượng lớn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và nó có thể làm giảm thiệt hại tự gây ra bằng cách đồng ý với một quy tắc ứng xử.

Đối với quần đảo Senkaku / Điếu Ngư, tờ The Economist đã có đề nghị tốt nhất. Trung Quốc nên kiềm chế việc gửi tàu đi vào vùng biển Nhật Bản, và dùng một đường dây nóng trưc tiếp với Nhật Bản để giải quyết các cuộc khủng hoảng do nhóm chủ nghĩa dân tộc “cao bồi” tạo ra. Cả hai nước cũng nên dùng lại khuôn khổ hợp tác phát triển 2008 về các mỏ khí đốt nằm trong tranh chấp ở Biển Đông, và Tokyo nên mua hòn đảo cằn cỗi của tư nhân Nhật Bản và tuyên bố đó là một khu bảo tồn biển quốc tế.

Đã đến lúc tất cả các quốc gia trong khu vực Đông Á nên nhớ lại lời khuyên nổi tiếng của Winston Churchill, “Đấu khẩu luôn luôn tốt hơn đấu súng.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog