Chia sẻ

Tre Làng

HỒ SƠ CUỘC CHIẾN CHỐNG FULRO # 13


Sau khi tên “thiếu tá” mặt choắt B’ré Niê chia chác hết số quần áo của các anh Thạnh, Phi, Tư Cho hắn bắt đầu tra hỏi. Người gây ấn tượng nhất và đáng dè chừng nhất với hắn là anh “Ba Bình” - Lâm Văn Thạnh. Mấy tháng gần đây anh Thạnh đi lại, gặp gỡ nhiều với số liên lạc Fulro nên qua các tên đồng bọn của hắn, hắn đã nắm được thông tin về anh Thạnh phần nào. Hắn nói thẳng rằng, hắn biết anh Thạnh có võ, bình thường có thể đánh gục vài tên dễ như trở bàn tay. Nhưng hôm nay, hắn đề phòng và trói cả tay, chân anh rất chặt nên anh chỉ còn cách ngoan ngoãn mà khai báo, may ra hắn để cho sống. Anh Phi to con hơn các bạn nên cũng bị chúng trói rất chặt. 

Kỳ 13: NHỮNG NGƯỜI HÙNG TRƯỚC HỌNG SÚNG KẺ THÙ

Tên mặt choắt B,ré Niê với tay lấy chiếc bình đựng rượu mà đám lính bày sẵn trước mặt, ngửa cổ nuốt ừng ực rồi tiến lại gần các anh:
- ...Nói mau! Tụi mày có phải là Công an Lâm Đồng không? Có phải là tình báo cộng sản không? 

Do có sự chuẩn bị từ trước, bởi các anh đã tiên liệu rằng, làm nhiệm vụ này sớm muộn gì cũng bị rơi vào tay đối phương, nên các anh đều lựa câu trả lời để chúng tin các anh không phải là công an. Anh Thạnh nói rằng anh là Nguyễn Văn Bình, tự Ba Bình, thành viên của hội Caritas. Anh Trần Hữu Phi có “thẻ hội viên” mang tên Trần Văn Hai, nên cũng nhất quyết khai mình là Trần Văn Hai. Còn anh Nguyễn Văn Cho thì nhận mình là lái xe thuê, vì ham kiếm tiền, được anh Trần Văn Hai giới thiệu lái xe cho “hội Caritas” để giúp đỡ Fulro... 

- Cái miệng tụi bay không lừa được tao đâu. Tụi bay đích thị là tình báo cộng sản nên mới không sợ chết. Hôm nay tao sẽ cho tụi bay được chết. 

Nói rồi, tên mặt choắt dùng báng súng đánh các anh. Sau đó, hắn kêu bọn lính xốc nách các anh dậy, lấy những mảnh vải che mặt các anh lại và xếp các anh đứng thành hàng. Âm mưu thủ tiêu của chúng đã rõ ràng. Rất nhanh mắt, các anh đã nhìn thấy phía trước là một cái vực sâu thăm thẳm. Có lẽ bọn chúng định vứt xác các anh nơi đây...

- Chạy đi các anh! 

Bất ngờ tiếng hô của anh Thạnh và bóng anh lộn nhào để tính lăn xuống lòng vực. Chỉ một giây chần chừ, cả anh Phi và anh Cho hiểu rằng phải chạy thoát khỏi nơi đây. Một loạt đạn bắn đuổi theo và cả vài tiếng đạn vang lên khô khốc phía các anh vừa chạy thoát. Anh Phi gục khóc bên bờ suối. Phía sau kia, anh Thạnh đã vĩnh viễn nằm lại. 

- Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu nổi vì sao mình chạy thoát, không hề bị mảnh đạn nào găm vào người. Bọn chúng đeo 4 - 5 khẩu súng, nhưng chắc súng không đủ đạn. Lúc đó anh em chỉ nghĩ rằng, theo phản xạ cứ chạy khỏi cái chết hiển hiện trước mắt, còn chết thế nào là một chuyện khác. Nghe súng nổ, tôi cứ ngỡ súng bắn trúng mình. Lúc ấy, toàn thân tê dại, chẳng thể nhận biếât nổi điều gì nữa. Tôi khóc, gọi cả tên anh Tư Cho vì nghĩ anh cũng trúng đạn. Anh Tư Cho thì nghĩ chỉ mình anh may mắn sống sót. Sau này, anh Tư Cho đã nói với tôi như vậy.
Anh Phi bùi ngùi hồi tưởng lại những giây phút kinh hoàng.

Khoảng 11 giờ đêm đó, anh Phi lần theo hướng hồ Tuyền Lâm, men theo triền dốc núi Voi rồi đến đồi pháo binh và tìm được đến trạm gác của Phòng cảnh vệ CA Lâm Đồng. Anh được đưa về trạm xá CA tỉnh để điều trị những vết thương trên thân thể. Kinh khủng nhất là bàn chân anh bị giẫm vào cỏ tranh muốn rách nát. Trùng hợp thay, dù không rành đường trên Tây Nguyên, nhưng anh Tư Cho cũng tìm được đường xuống núi, lần mò sao anh cũng về được đúng trạm gác của Phòng cảnh vệ CA Lâm Đồng rồi được đưa vào trạm xá của ngành như anh Phi.
LẶNG TÌM ĐỒNG ĐỘI
Dù những vết thương trên người đau nhức, nhưng cả hai anh vẫn nhất quyết đến nhà tang lễ để nhìn anh Diêu lần cuối. Một trung đoàn cảnh vệ do thiếu tá Trung Sơn - Phó trưởng phòng dẫn đầu theo hướng các anh Phi và Tư Cho vẽ lại đã lên đường đến đỉnh Hòn Bù tìm xác anh Lâm Văn Thạnh. Thế nhưng, suốt cả đêm trường và mãi đến hết một ngày hôm sau, các anh cũng không tìm ra chỗ bọn chúng đã tra khảo và giết hại anh Lâm Văn Thạnh, bởi dãy núi quá rộng lớn. Cuối cùng, các anh quyết định chờ thêm hai ngày để bộ lòng con thú rừng mà bọn chúng chôn nơi tra khảo các anh đến thời kỳ phân hủy, bốc mùi lên mới có thể tìm được đến. Đúng như nhận định của các anh, ngày 25-12-1980, một trung đoàn cảnh vệ CA Lâm Đồng, sau gần một ngày vượt qua nhiều dãy núi, lần theo những vỏ hộp, bịch xốp, rác thức ăn mà bọn Fulro lấy trên xe của nhóm anh Thạnh, đã tìm đến đỉnh Hòn Bù, khu vực chúng sát hại anh Thạnh. Mùi đặc trưng của bộ lòng động vật đang thời kỳ phân hủy đã giúp các anh khoanh vùng và dễ dàng tìm được xác anh Thạnh. Sau khi bắn anh Thạnh chết, có lẽ vì kiêng kỵ, bọn chúng giấu xác anh vào một hốc cây và úp mặt anh lại. Anh Thạnh được đưa về nghĩa trang liệt sỹ Đà Lạt trong nỗi tiếc thương vô hạn của bao người! Mãi mãi anh không bao giờ còn được thấy vợ và con gái của mình nữa. Thế nhưng, trong trái tim mọi người, anh Lâm Văn Thạnh và anh Nguyễn Ngọc Diêu mãi là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, sự hy sinh cao cả.
Ngày 23-12-1982, liệt sĩ Lâm Văn Thạnh được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. 

Trở lại với anh Nguyễn Ngọc Diêu. Buổi sáng định mệnh đó, ông Tư Vũ cùng với Ban chuyên án có cuộc họp đột xuất với Cụm an ninh Tây Nguyên về tình hình Fulro đang tìm cách kéo thanh niên ra rừng. Mặt khác chúng đang tìm mọi cách chống phá ta dữ dội. Đồng chí Vũ Linh vì thế đã không theo xe đi như thường lệ. Theo tính toán của ông, việc đi đón hai toán Fulro này xuất phát từ 4 giờ sáng. Ta sẽ khống chế và bắt giữ họ tại một điểm sau hai tiếng đồng hồ, rồi theo đường QL11B trở về Đà Lạt. Như vậy, chậm nhất là 9 giờ đoàn đã về rồi. Thế nhưng, ông Tư Vũ chờ mãi vẫn không thấy các anh đâu. Bằng linh cảm nghề nghiệp, đại tá Vũ Linh điếng hồn khi nghĩ rằng, có thể các anh đã bị lộ và bị lọt vào bẫy của những tên Fulro ngoan cố. 

Dưới sự chỉ đạo của Phó giám đốc Tư Vũ, lực lượng CA phong toả toàn bộ khu vực điểm hẹn đầu tiên đón Fulro. Sau khi đi qua khỏi rừng cây rậm rạp bên đường, các anh đã nhìn thấy hai chiếc ôtô vẫn còn nháy đèn pha mà không thấy bóng người. Các anh vội tỏa đi tìm và phát hiện xác anh Diêu. Mọi người lại chia nhau đi các ngả với hy vọng sẽ cứu được các anh còn lại, nhưng những cánh rừng trong núi Voi dày rậm rịt, cuộc kiếm tìm coi như vô vọng.

Anh Diêu được đưa về Đà Lạt khi trời đã ngả về chiều. Bởi một số người già trong làng người đồng bào DTTS gần đó nghe tin đã tìm đến xin làm lễ cúng anh theo đúng phong tục của làng dành cho những người con của núi rừng.
Đây có lẽ là những lần hiếm hoi trong cuộc đời, ông Tư Vũ khóc.
NƯỚC MẮT NHỮNG NGƯỜI VỢ TRẺ
Cả hai chị Trịnh Thị Nhi và Trịnh Thị Nga, vợ của hai liệt sỹ Nguyễn Ngọc Diêu và Lâm Văn Thạnh đều cùng vừa nhận quyết định nghỉ hưu với quân hàm trung tá An ninh thuộc CA Lâm Đồng. Cả hai chị thời gian qua đều công tác tại Phòng hậu cần CA tỉnh. Ngoài việc có sự trùng lặp về họ, tuổi tác, nghề nghiệp, hoàn cảnh; hai chị còn có một điểm chung khá thú vị khác: họ cùng có hai cô con gái đang là các nữ trung úy CA. Con gái của anh Nguyễn Ngọc Diêu là Nguyễn Trịnh Hồng Nhung, còn con gái của anh Lâm Văn Thạnh là Lâm Quỳnh Hương. Hai trung uý trẻ cũng vừa cùng lập gia đình và cùng lên chức mẹ. Chính những điểm chung này đã kéo hai chị Nhi và Nga trở nên đôi bạn thân thiết suốt 30 năm qua. 

Chị Nga sau đó đã đi thêm một bước với người đồng đội, đồng chí của mình và cũng là bạn của anh hùng Lâm Văn Thạnh. Có lẽ cuộc hôn nhân mới hạnh phúc này đã phần nào làm vơi đi nỗi đau của chị, làm ấm lòng các chú, các anh đã tin tưởng giao cho anh Lâm Văn Thạnh “vai chính” trong một chiến dịch “đặc biệt”. 

Chúng tôi đến thăm chị Nhi vào một buổi chiều nắng đẹp. Chị trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 53 của mình. Vì mối tình sâu nặng với anh Diêu, chị Nhi đã chấp nhận ở lại nuôi con khôn lớn. Chị mở tủ đưa cho tôi xem một chiếc máy xay sinh tố, xay bột cho trẻ con và kể rằng, đó là món quà mà anh Diêu đã gom góp tiền mua tặng mẹ con chị. Món quà đó, chị đã cất giữ suốt bao năm, là kỷ vật thân thiết và đầy ý nghĩa của anh. Chị kể rằng, lúc anh tham gia chuyên án, chị đang công tác tại Trung tâm dịch tễ Đà Lạt và đang có thai ba tháng. Anh thường đi suốt cả ngày. Có khi nửa đêm cũng rón rén thức dậy ra đi. Chị gặng hỏi mãi, cuối cùng anh mới nói: Anh đang làm một nhiệm vụ bí mật, không thể nói em biết được. Rồi anh dặn chị một câu nghe... phát sợ: 

- Nhiệm vụ cấp trên giao cho anh yêu cầu phải tuyệt đối bí mật. Cũng có thể anh sẽ phải hy sinh. Em đừng buồn nhé. Nếu hôm nào 5 giờ chiều mà anh vẫn chưa về thì kể như “xong rồi đó nha”! 

Dù anh cố nhắc đến cái chết một cách nhẹ nhàng để an ủi chị, nhưng chị vẫn sợ hãi đến phát khóc. Nhưng vì anh là một chiến sĩ CA đi con đường anh đã chọn, chị khó mà ngăn cản, chỉ nhắc anh hãy nghĩ đến vợ con. Anh mãi mãi không bao giờ trở về được nữa. Nhưng trong căn nhà của mẹ con chị vẫn luôn có bóng dáng anh. Chị đã nuôi con gái lớn khôn bằng tất cả tình yêu của anh với chị.

Có một lần, chiếc kim đồng hồ đã chỉ vào 5 giờ chiều mà vẫn chưa thấy anh về. Chị bỏ dở bữa cơm đang nấu rồi vội khoác áo đi lên cơ quan anh. Vừa ra tới cổng thì anh về. Anh vừa chạy vừa đưa tay vẫy và gọi chị từ xa: “Nhi ơi! Anh còn sống nè!”.
Nghe tin anh mất, chị đã chết lặng vì đớn đau...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog