Chia sẻ

Tre Làng

Hồ sơ cuộc chiến chống FULRO # 14

Kỳ cuối: THẤY GÌ QUA SỰ HÌNH THÀNH VÀ TỒN TẠI FULRO?

MẺ LƯỚI CUỐI CÙNG
Sau trận hy sinh của hai anh Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu, ban chuyên án xem xét lại mọi diễn biến của Fulro và phát hiện, chính 3 đối tượng Fulro bị ta bắt về trong các chuyến trước đó đã viết thư vào một chiếc thắt lưng với nội dung “Đây là tổ chức tình báo cộng sản...” rồi gửi về rừng qua liên lạc của Fulro. Toán Fulro thứ 2 mà ta không kịp đón ngày 23-12-1980 tại xã Tân Hội (Đức Trọng) vẫn tìm cách liên lạc với anh Phi và anh Ba Bình, tha thiết chờ được đi “xuất ngoại” (?!). Nhận định của Ban chuyên án là toán Fulro này không đồng lõa với toán Fulro 1 (toán đã bắt anh em của ta) và quyết định tìm cách kéo toán này. Anh Trần Hữu Phi gặp đại tá Vũ Linh xin được thay anh Lâm Văn Thạnh làm tròn nhiệm vụ...
Trước đó, sáng 23-12-1980, như quy định, toán Fulro thứ 2 do Traghiđin cầm đầu đến điểm hẹn chờ các anh đến đón. Họ chờ đến 8 giờ, không thấy, đành rút sâu vào rừng và nghe ngóng tình hình. Ngay tối hôm đó, 4 tên Fulro từ núi Voi xuống gặp toán 2 này ra lệnh cấm không được xuất ngoại theo con đường của ông Ya Đuk, nếu tiếp tục đi sẽ mắc mưu cộng sản, ai không nghe sẽ bị bắn bỏ. Mặt khác, chúng khẳng định đã giết chết anh Bình và lái xe Hoàng (tức anh Nguyễn Ngọc Diêu), hai anh Trần Văn Hai và Tư Cho chạy thoát. Trong khi chúng đến thì có mặt hai liên lạc (“chim mồi”) của ta và định bắn hai người này vì tội lôi kéo Fulro. Nhưng toán Fulro ở đây đã xin cho họ. Trước lời đe dọa của toán Fulro Ê Đê tại căn cứ núi Voi, toán Fulro 2 vốn tin tưởng anh Bình giờ tỏ ra hoang mang, không biết đâu là sự thật. Do từng liên lạc qua thư với anh Bình và biết rõ nét chữ của anh, Traghiđin viết thư gửi anh Bình. Ban chuyên án đã cử người giả nét chữ anh Thạnh, hồi âm thư, nói rằng anh Bình hiện đang ở Vũng Tàu làm phiên dịch viên cho Tổng thư ký Caritas, có thể anh Phi sẽ đón. Anh Bình rất mong gặp lại Traghiđin cùng lời hứa sẽ đem lại cho Traghiđin và những người anh em một cuộc sống tốt đẹp. Để củng cố thêm niềm tin với nhóm của Traghiđin, ông Ya Đuk cũng viết thư kêu gọi Traghiđin hãy tin tưởng đưa anh em theo ông. Ông sẽ đảm bảo tính mạng và số phận của họ. Anh Phi quyết định một lần nữa làm “cảm tử quân” để thực hiện cơ hội hiếm có mà Ban chuyên án và đồng đội, đồng chí của anh đã vất vả tạo lập, và cũng vì lời hứa với anh Thạnh: nếu một trong hai người, ai hy sinh trước, người kia sẽ làm nốt nhiệm vụ của người ngã xuống!

Nhóm của Traghiđin rời địa điểm giáp huyện Di Linh và hẹn ngày 13-1-1981 cho xe đón họ. Đúng hẹn, anh Phi ngồi ghế thay anh Lâm Văn Thạnh, anh Nguyễn Bảo Toàn lái xe. Một tổ công tác bảo vệ được bố trí trên một chiếc xe khác. Toán của ông Traghiđin cử một đối tượng đến điểm hẹn đón hai anh Phi, Toàn rồi xin các anh cho ôtô vào sâu thêm khoảng 1 cây số. Anh Phi thoáng rùng mình khi nghĩ đến lần bị phục kích ngày 23-12 trước đó. Nhưng, không muốn để lỡ mất cơ hội, anh thương lượng và hai bên cùng đến một điểm vừa đủ để giữ an toàn. May mắn đã không xảy ra sự cố nào đáng tiếc. Kết quả ta đón thêm được 8 người, trong đó có 3 “đại úy” Fulro.

Đến đây, Ban chuyên án quyết định chấm dứt phương thức câu nhử, vì không còn điều kiện cho phép. Ta chuyển sang kế hoạch tấn công bằng biện pháp khác vào hàng ngũ Fulro. Mặt khác, đưa số người từng theo Fulro, nay trở về, sẵn sàng hợp tác với ta viết thư kêu gọi Fulro về hàng. Lần lượt sau đó, các ông Rơ ông Đông; Tam Bou Sun - “thiếu tá”, Phó tư lệnh vùng 4 Fulro; Kara Jăn Ha Xuyên - “trung tá”, Tư lệnh quân khu 4; K,Diêp (tự Hà Búp bê), tư lệnh phó biệt khu thủ đô TW Fulro; K,Vênh - “trung tá”, chỉ huy vùng Đầm Ròn; Tou Néh Đen - “thiếu tá”, tỉnh trưởng tỉnh Phan Rang đã đưa gần 200 bạn bè, chiến hữu cùng gia đình đầu hàng ta, trở về với buôn làng. Hàng trăm Fulro tại nhiều căn cứ khác đóng chân trên đất Lâm Đồng sau những ngày luồn rừng sang bên kia biên giới, bị bỏ rơi, đói khát cũng quay về đầu hàng cách mạng ta. Họ đều được đối xử tử tế, được đưa về với gia đình, buôn làng, được cấp đất, làm nhà ở và phụ cấp lương thực. Cuộc sống của họ sau đó rất khấm khá. Như ông Hà Búp bê, hiện ở thôn Đa Me, xã Nthol Hạ (Đức Trọng) mỗi năm thu vài trăm triệu đồng từ cà phê; ông Tam Bou Sun làm CA xã Ninh Gia - Đức Trọng; ông Rơ ông Đông ở thôn 4, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) nổi tiếng là già làng uy tín, gương mẫu, làm kinh tế giỏi. Ông cũng là chủ căn nhà xây đầu tiên, hoành tráng nhất của thôn vào năm 1993. Năm 2003, ông vinh dự được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghé thăm nhà. Năm 2004 gia đình ông nhận được một hộp quà cùng tấm ảnh Bác Hồ của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi tặng. Xin trích lại một đoạn trong thư kêu gọi của các ông Tam Bou Sun và Kara Jăn Ha Xuyên viết ngày 14-7-1987: “...vì nghe theo âm mưu thâm độc của đế quốc và bọn cầm đầu Fulro, anh em ta đã sống trong rừng sâu, nước độc, rày đây mai đó, chẳng có ích gì cho chúng ta và dân tộc, ngoài hậu quả đói rách, chết chóc, đau thương! Bao nhiêu anh em ta đã chết cùng với đại tá MBột (tổng tham mưu phó) những cái chết vô nghĩa!...”.
Từ năm 1977 - 1987, thực hiện nghị quyết của các kỳ Hội nghị CA toàn quốc, các kế hoạch của Bộ Nội vụ, Cục nghiệp vụ, CA các địa phương đã thực hiện nhiều chuyên án giải quyết vấn đề Fulro (khoảng 55 chuyên án), thu được thắng lợi lớn. Một số chuyên án lớn qua đấu tranh đã giúp cơ quan an ninh đánh giá, hiểu rõ hơn nội tình của Fulro; tạo những bước ngoặt trong quá trình đấu tranh, giải quyết vấn đề Fulro ở địa phương và trên toàn Tây Nguyên. Chuyên án F384 (từ tháng 3-1984 đến tháng 7-1985) của CA tỉnh Đăk Lăk, đấu tranh lôi kéo số Fulro ly khai người M,nông ở địa bàn Đăk Mil, Đăk Nông - Đăk Lăk. Vơi kết quả gọi hàng 47 người, tiêu diệt hai đối tượng, bóc gỡ một khung chính quyền ngầm cấp xã, ta đã giải quyết cơ bản bộ phận Fulro người M,Nông; kịp thời ngăn chặn âm mưu thành lập tổ chức Fulro mới do người M,Nông lãnh đạo, góp phần đẩy nhanh quá trình tan rã của Fulro ở Tây Nguyên. Chuyên án T107 đấu tranh với số cầm đầu quân khu 1 Fulro; T108 đấu tranh với số chỉ huy quân khu 2, Y384 đấu tranh với toán đặc biệt của bộ quốc phòng Fulro; F485 đấu tranh với số chỉ huy quân khu 4 và một bộ phận của bộ tổng tham mưu do tên đại tá Ênuôl M,Bột cầm đầu của CA hai tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Đăk Nông - Đăk Lăk - sau chuyên án F101 đã thu được những thắng lợi rất quan trọng: giải quyết dứt điểm vấn đề Fulro Chăm (1984); diệt, bắt, gọi hàng hơn 500 Fulro ở rừng và bóc gỡ gần 2.000 cơ sở của Fulro trong buôn, ấp. Ở Tây Nguyên, các tỉnh đã cơ bản phá rã hệ thống tổ chức ở rừng của Fulro. 

Năm 1983, trung úy Nguyễn Đức Hiệp (hiện là đại tá - Giám đốc CA Lâm Đồng) đã đánh tan căn cứ Fulro tại núi Voi, tiêu diệt tên “thiếu tá” B,ré Niê (còn gọi là Y Giôn) - kẻ cầm đầu toán Fulro Ê Đê đã bắt các anh Thạnh, Diêu, Phi, Cho và là kẻ trực tiếp bắn chết anh hùng Lâm Văn Thạnh. Ông Paul Yưh sau đó chết tại Đăk Lăk. Có thông tin rằng, một số Fulro hung dữ đã đầu độc “đệ nhị phó thủ tướng” của mình. Song, sự vụ đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Trước đó, tháng 8-1978, ông Y Gơk Niê Kđăm - “thủ tướng” tự phong của Fulro đã “cao chạy xa bay” sang nước Mỹ.
Đầu năm 1992, những biến động về chính trị - xã hội trên toàn thế giới đã tác động đến nước ta nói chung và vùng DTTS nói riêng. Ở Campuchia, sau khi quân tình nguyện Việt Nam rút về nước (1989), bọn phản động Pôn Pốt Iêng Xari lại ngoan cố, điên cuồng chống phá. Để thực hiện giải pháp chính trị, lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (UNTAC) đã can thiệp đất nước Campuchia. Tháng 12-1992, toàn bộ số Fulro còn lại (gồm 407 người cả phụ nữ và trẻ em) do “đại tá” Y Pênh A Yun cầm đầu đã ra hàng UNTAC, tuyên bố chấm dứt hoạt động chính trị và vũ trang, nộp vũ khí và được đưa đi định cư ở Mỹ. Đến đây chấm dứt hoàn toàn tổ chức Fulro. 

Mười bảy năm (1975-1992), dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, với sự quyết tâm và kiên trì chiến đấu, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, lực lượng CAND, quân đội Việt Nam cùng nhân dân các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai - Kon Tum, Lâm Đồng, Đăk Lăk - Đăk Nông) và các tỉnh phụ cận (Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Phước, An Giang...) đã đấu tranh làm tan rã hoàn toàn tổ chức, lực lượng Fulro. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu (chủ yếu là gọi hàng) 15.000 lượt Fulro ở ngoài rừng; bóc gỡ hàng trăm khung chính quyền ngầm cùng 62.500 cơ sở của Fulro trong buôn ấp; thu 2.712 vũ khí các loại. Lần đầu tiên, vấn đề Fulro được giải quyết triệt để bằng con đường cách mạng. Fulro không còn tồn tại với tư cách là một tổ chức, lực lượng chính trị phản động, đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên và vùng dân tộc Chăm. 

Xuyên suốt sự hoạt động, tồn tại của Fulro cho thấy, đó là một tổ chức cực đoan, chuyển thành khủng bố; âm mưu chia rẽ, ly khai theo sự xúi giục từ bên ngoài. Tất cả các thủ lĩnh Fulro trong các thời kỳ đều lợi dụng sự ngây thơ, tin tưởng của đồng bào để kích động, chia rẽ, lừa phỉnh họ. Chiêu bài đi biểu tình được tiền thưởng; nếu không nghe, không theo Fulro sẽ bị dân làng ruồng bỏ, bị trừng trị, sau này không được chia phần đất; rồi bạo lực, đổ máu không mang tính chính nghĩa. Từ sau năm 2001, Fulro chuyển sang hoạt động kích động, gây rối... dẫn đến việc nhiều người nghe và theo kẻ xấu phải đến trại tạm cư bên kia biên giới sống trong cảnh thiếu thốn, đói khát. Bản chất xuyên suốt của Fulro là độc ác. Trong xu hướng hiện nay càng không phù hợp nên sẽ dẫn đến sự diệt vong tất yếu. 

Qua thực tiễn đấu tranh và qua lịch sử, có thể khẳng định rằng, đấu tranh chống Fulro là một phần trong cuộc đấu tranh chống các thế lực phản động khác, được Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang xác định đó là vấn đề lâu dài; là vấn đề chính trị gắn với dân tộc, văn hoá, kinh tế. Vì thế, nhiều chủ trương, chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS luôn được chú trọng, quan tâm đặc biệt; nhằm từng bước nâng cao dân trí, ổn định đời sống kinh tế, văn hoá của bà con DTTS. Nhiều bậc trí thức là người DTTS trở thành những hình mẫu, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, về ý thức chính trị để dạy dỗ, dìu dắt thế hệ trẻ. Lực lượng kế thừa ngày càng uy tín nhờ được trang bị học vấn, kiến thức. Chúng ta càng thấy thấm thía với tư tưởng của Bác: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”!
NGỌC HÀ (CÔNG AN TP HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog