Chia sẻ

Tre Làng

HỒ SƠ CUỘC CHIẾN CHỐNG FULRO # 3


Từ năm 1978-1979, tổ chức, hoạt động của Fulro tiếp tục có những thay đổi. Do mâu thuẫn nội bộ, ngày 12-10-1978, Y Ghơk Niê Kđăm và Nay Guh tổ chức đảo chính, giết chết Y Djao Niê. Y Ghơk Niê lên làm “thủ tướng” Fulro và thành lập nội các mới, sắp xếp lại cơ cấu quân sự từ trung ương đến các quân khu. Ya Đuk làm phó thủ tướng thứ nhất đặc trách nội trị và ngoại giao, kiêm phó chủ tịch thứ nhất Fulro Đêga. Paul Yưh là phó thủ tướng thứ hai đặc trách an ninh quốc phòng. Cơ quan lãnh đạo Fulro đặt tại Đầm Ròn (Lâm Đồng). Đồng thời trung ương Fulro ban hành thiết chế quân luật, ấn định quyền hành và trách nhiệm các cấp chỉ huy trong tổ chức của chúng. 
Kỳ 3: ẢO VỌNG ĐIÊN CUỒNG
Lúc này, bọn cầm đầu Fulro liên lạc được với Sư đoàn 920 của Pôn Pốt đóng tại tỉnh Monđunkiri - Campuchia. Được sự giúp đỡ trực tiếp của Pôn Pốt, Fulro đã đưa gần 200 tên (chủ yếu là số cầm đầu, chỉ huy) sang lập căn cứ tại biên giới Campuchia để huấn luyện, nhận vũ khí và thiết lập hành lang Tây Nguyên - Campuchia. Từ năm 1979, được sự hậu thuẫn của các thế lực phản động, khoảng 1.500 quân Fulro về lại Việt Nam hoạt động, lập thành các toán du kích, đột nhập các trung tâm thành phố, thị xã và các tỉnh Tây Nguyên: Pleiku, Kon Tum, Đà Lạt, Đăk Lăk, Lâm Đồng để khủng bố, ám sát cán bộ rồi rút sang bên kia biên giới. Mặt khác, chúng tiếp tục các hoạt động du kích, phá hoại, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số nổi dậy và bắt theo nhiều thanh niên từ 15 tuổi trở lên vào rừng. Fulro tuyên bố sẽ trả thù dã man những ai “phản bội” hàng ngũ, quay trở về buôn làng hoặc tố giác chúng. Tuy nhiên, vẫn có những người con của buôn làng tỏ ra rất dũng cảm, không ngán ngại bọn chúng. 

Nữ già làng duy nhất ở Tây Nguyên và cũng là bộ đội nghỉ hưu - Ksơr H,Lâm (SN 1945, làng K,rông, xã Ia Ma, huyện Chư Prông, Gia Lai) kể lại: Khoảng tháng 3-1979, một lần, một mình bà đi từ xã Nhơn Hoà qua xã Ia Ly để vào rừng vận động số Fulro từng là người làng cũ với bà đang lẩn trốn, kêu gọi họ trở về với gia đình, buôn làng thì bị chúng đe dọa. Già vẫn không sợ và kiên trì giải thích, thuyết phục chúng quay trở về. Không những không nghe, bọn chúng còn lấy súng uy hiếp, dọa bắn, nhưng già không sợ mà vẫn bình thản nói: “Có giết một mình tôi thì vẫn còn cả buôn làng và rất nhiều người Tây Nguyên vẫn đi theo cách mạng, vẫn theo Đảng, Bác Hồ và đang được sống thoải mái, ấm no hơn những người theo Fulro phải sống chui lủi trong rừng, quay lưng với đồng bào. Về với buôn làng mình đi...”. Bọn Fulro lắc đầu rồi bỏ đi, Ksơr H,Lâm khi đó là một phụ nữ 36 tuổi, cảm thấy cay cay nơi khóe mắt của mình khi nghĩ về những đồng bào của mình bị dụ dỗ, ép buộc ở bên kia chiến tuyến.

Đại tá Y Thoal H,Mok - Phó giám đốc CA tỉnh Đăk Lăk cho biết: Thời điểm này, song song với công tác truy quét Fulro ngoài rừng, lực lượng CA cùng các ban ngành các tỉnh Tây Nguyên đã huy động trên 1.000 cán bộ triển khai xuống các địa bàn trọng điểm, bám dân, phát động quần chúng vận động chính trị, tổ chức các lớp học tập tài liệu chống Fulro và lắng nghe phát biểu, đóng góp ý kiến từ quần chúng về vấn đề Fulro. Có trên 2.800 lượt người tham dự; hàng trăm người đã liên hệ cán bộ vạch mặt tội ác của Fulro trước quần chúng, kêu gọi chồng con, người thân đang theo Fulro trở về làm ăn lương thiện. Hàng ngàn người tự nhận đã tiếp tế cho Fulro nay muốn lập công chuộc tội. Trong hai năm 1978-1979, thêm gần 3.000 Fulro quay về hàng để sống yên ổn với gia đình. Số Fulro còn lại ở rừng, hầu hết là ngoan cố, hoặc bị ép buộc. Chúng điên cuồng chống phá ta dữ dội.
TỘI ÁC TÀN BẠO
Đầu năm 1979, tại huyện biên giới Ea Sup (Đăk Lăk), liên tiếp xảy ra các vụ chặn đánh xe trên đường giao thông, làm 7 cán bộ của ta bị chết, 7 người khác bị thương. Mặc dù không bắt quả tang được những kẻ gây án, nhưng bằng nghiệp vụ, ta xác định và bắt giữ 3 đối tượng liên quan vào ngày 14-3-1979. Qua khai thác chúng và từ các tài liệu trinh sát, ta bóc gỡ được có một tổ chức cơ sở ngầm Fulro, bao gồm: 1 tiểu đoàn 85 tên, được phân thành 3 đại đội, đóng tại 3 buôn trong huyện do Y Trơn làm tiểu đoàn trưởng. Bọn chúng đã cưỡng ép được một cán bộ lãnh đạo của lực lượng vũ trang ta làm cơ sở cho chúng và dự định kéo nhau ra rừng hoạt động chống phá ta lâu dài. Nhưng âm mưu của chúng đã kịp thời bị ta phát hiện, phá rã. 

Ngày 31-3-1979, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - cán bộ phòng cảnh sát bảo vệ được giao bảo vệ đoàn cán bộ Tỉnh ủy và Trung ương về làm việc tại huyện Ea Sup. Trên đường đi, cách trung tâm huyện 6km thì bị 8 tên Fulro phục kích đánh hỏng trần và kính chắn gió của xe. Bất chấp sự nguy hiểm đang đe dọa tính mạng, đồng chí Tùng nhoài người ra cửa xe dùng súng bắn trả quyết liệt bọn phản động, khiến bọn Fulro cuống cuồng tháo chạy; bảo vệ an toàn đoàn cán bộ, nhưng đồng chí đã bị trúng đạn và anh dũng hy sinh. 

Giai đoạn này, bọn Fulro vẫn điên cuồng chống phá, giết hại nhiều người dân vô tội. Từ năm 1978 đến 1989, Fulro ở Gia Lai đã gây nên 215 vụ phục kích, tập kích với những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chúng đã bắn giết dã man 198 người, làm bị thương 169 người khác, đốt 38 nhà dân, 8 trụ sở xã, phá hỏng 6 ôtô, kéo ra rừng 842 người. Ngoài ra, chúng còn tổ chức hàng chục vụ đặt mìn, phá hủy cầu cống trên các tuyến giao thông. Điển hình là các vụ: Đêm 26-3-1979, một toán Fulro tập kích vào 3 xã Ama Rơn, Ia Pia, Chư A Thai (huyện Ayun Pa) giết chết 9 người, bắn bị thương 12 người, đốt phá 3 nhà kho chứa 15 tấn lúa. 8 giờ sáng 11-6-1980, Fulro phục kích trên đường vào Đăk Đoa, huyện Mang Yang bắn cháy 1 xe ôtô làm chết 16 người. Ngày 28-7-1989, chúng tập kích vào một số gia đình xã An Phú, Pleiku bắn chết 5 người dân vô tội. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ án xảy ra ngày 25-5-1980, khi có 4 thiếu niên người Kinh ở xã H,Neng, huyện Mang Yang rủ nhau vào rừng hái xoài đã bị Fulro bắt và giết hại dã man. Sau đó, có 10 người là thân nhân của các em đi tìm đã gặp toán Fulro trên, 6 người chạy thoát, còn 4 người đã bị chúng bắt và giết hại cũng bằng hình thức phân thây như chúng đã làm với các em nhỏ...

Lâm Đồng được Fulro nhập vào vùng 4 (quân khu 4) cùng các tỉnh Tuyên Đức, Phan Rang, Ninh Thuận, Run Ka (huyện Long Khánh - Đồng Nai ngày nay). Dưới quân khu 4, chúng chia thành 3 tỉnh, 9 quận và 46 yếu khu. Từ cấp vùng đến cấp xã đều có hệ thống quân sự và hành chính. Bọn chỉ huy về hành chính đồng thời kiêm luôn chỉ huy về quân sự (chẳng hạn tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng, quận trưởng kiêm chi khu trưởng...). Đây được xem là vùng mạnh nhất, quan trọng nhất của tổ chức Fulro. Từ quân khu 4 chúng sẽ phát triển Fulro quân khu 5 xuống vùng duyên hải. Để chỉ đạo 2 quân khu này, chúng có một bộ phận trung ương Fulro đứng chân tại Lâm Đồng. Theo tài liệu ta có được thì lực lượng vũ trang trong rừng của Fulro vùng 4 lúc này khoảng trên 3.000 tên, trong đó, số chỉ huy đầu sỏ khoảng 50 tên. Ngoài số ở rừng, chúng còn một hệ thống Fulro nằm vùng với lực lượng khá đông trong hầu hết các buôn, ấp, vùng dân tộc và các cơ sở chính trị xã hội khác. 

Cuối năm 1979, lúc này, Fulro ở vào thế “được ăn cả, ngã về không” nên chúng điên cuồng, vùng vẫy bằng các hoạt động chống phá ta quyết liệt. Chúng kêu gọi và buộc các thanh niên (có cả người Kinh) vào rừng để củng cố lực lượng, hòng gây tiếng vang với ngoại quốc để mong tìm kiếm sự hậu thuẫn. 

Đối với nhiều người dân sinh sống tại địa bàn các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương, xã Tà Nung, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), hai tiếng “Ful-ro” lúc đó đồng nghĩa với tội ác khủng khiếp. Sợ bộ đội, du kích của ta, ban ngày bọn Fulro chui sâu vào trong rừng hoạt động, nhưng địa bàn nào vắng công an, bộ đội là Fulro xuất hiện, dùng súng tấn công, uy hiếp, cướp lương thực, tài sản của người dân. Ai chống cự, chúng giết hại dã man. Điển hình là vào một đêm tháng 4-1979, trong chuyến đi kiểm tra thực tế tại huyện Đức Trọng, vào 2 giờ 15, đồng chí Vũ Linh - Phó giám đốc CA Lâm Đồng vừa ngả mình, thiếp đi trong giây lát thì nhận được tin báo, một cửa hàng hợp tác xã mua bán thuộc xã Phi Tô bị Fulro tập kích. Hậu quả, hai vợ chồng người bán hàng là anh Y Suk cùng đứa con nhỏ 4 tuổi của họ bị giết rất dã man. Toàn bộ tài sản gồm gạo, muối, bắp, mì độ hơn 2 tạ, cùng số vải các loại khoảng hơn 1.000m, mấy con gà cũng bị cướp sạch. Bọn Fulro khi rút đi còn để lại mấy tờ truyền đơn bên xác các nạn nhân. Đại loại vừa tuyên truyền, vừa khiêu khích ta, vừa đe dọa người đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là với số Fulro đã về đầu thú. 

Vụ án khiến già làng xã Fi Tô, lực lượng công an, bí thư, chủ tịch xã cùng gần cả trăm người dân phẫn nộ, căm giận trước tội ác quá dã man của bọn Fulro khi chứng kiến cái chết thương tâm của gia đình Y Suk. Có mặt tại hiện trường, cán bộ công an, trong đó có thượng tá Vũ Linh nặng trĩu những suy nghĩ...

Chính sự ngoan cố chống phá cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của lực lượng Fulro đã đẩy hàng vạn gia đình (nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số) vào cảnh ly tán, chết chóc, đau thương kéo dài suốt nhiều năm tháng. Chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Bộ Nội vụ là phải giải quyết dứt điểm số cầm đầu Fulro, làm tan rã hoạt động của chúng. Các lực lượng CA, quân đội thuộc các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tổ chức nhiều chuyên án lớn truy quét những tên đầu não của Fulro, trong đó, đáng kể nhất là chuyên án của lực lượng An ninh Lâm Đồng với kế hoạch câu nhử cực kỳ táo bạo...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog