Lại tiêu cực, lại tham nhũng. Dẫu biết rằng khi đài báo càng loan tin nhiều về tham nhũng, về tiêu cực, về các vụ án bị phát giác, thì khi đó thực ra tham nhũng và tiêu cực đang bị phanh phui, bị trừng phạt và có thể đang giảm sút, nhưng dẫu sao những tin tức như vậy cũng không vui vẻ gì.
Ai cũng bất bình sao tham nhũng nhiều quá, và thật nghịch lý là chính những người đó lại cố gắng tham nhũng khi có cơ hội. Xung quanh chúng ta có quá nhiều người tốt, và thật đáng buồn, nhiều người trong số họ lại tham nhũng. Nhũng người người tốt này chắc chắn sẽ không bao giờ ăn cắp, không bao giờ móc túi của bạn bè, của người xung quanh, tuy nhiên đôi khi họ vẫn sẵn lòng móc túi của tập thể, của nhà nước.
Đó có thể là những du học sinh mới trở về nước, được giao quyền làm giám đốc điều hành công ty cổ phần tư nhân, nhưng ngay sau đó đã có ý định dùng quyền lực của mình để tư lợi cho riêng mình, chứ không làm lợi cho cả công ty. Đó là những vị bác sỹ tràn đầy tình yêu thương bệnh nhân nhưng đôi khi lại kê đơn thuốc giá cao không cần thiết để hưởng hoa hồng. Đó là những anh cán bộ đoàn kiêm nhạc sỹ vô cùng năng động và nghệ sỹ tính nhưng lại ăn bớt tiền trợ cấp bão lụt khi được giao quản lý số tiền này. Đó là các thầy giáo đại học trẻ đôi khi lại nhũng nhiễu sinh viên để có thêm thu nhập. Đó có thể là những vị giáo sư, nhà tiến sỹ đức cao vọng trọng nhưng lại chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm sai lệch sổ sách, chứng từ trong các công trình nghiên cứu để tư lợi. Đó là những nhà nghiên cứu luật pháp nổi tiếng, được nhận tiền từ các quỹ nước ngoài để chi tiêu vào việc soạn thảo luật pháp, nhưng lại ký kết các hợp đồng tư vấn khống để hướng luồng tiền vào túi cá nhân. Đó có thể là các anh công an, cảnh sát đôi khi lại thu tiền không hóa đơn từ người dân vi phạm luật lệ. Đó là rất nhiều người nữa, ở những ngành nghề, cương vị khác nhau, nhưng đều có hai điểm chung, đó là họ đều là những người rất tốt, có đạo đức, và họ đều có hành vi tham nhũng, tham ô, dưới dạng này hay dạng khác.
Tại sao nhiều người làm sai, nhiều người tham nhũng đến vậy? Bởi vì ai cũng phải xây nhà.
Dù anh làm gì, anh ở đâu, anh có cương vị cao hay thấp, anh đều cần phải xây nhà. Và nếu anh làm trong bộ máy nhà nước, và anh chỉ có thu nhập từ lương nhà nước, anh không có bổng, lộc, anh sẽ không thể nào xây được nhà. Và như các cụ đã nói, "làm nghề nào thì phải ăn nghề đấy". Đối với một bộ phận cán bộ, công chức, câu tục ngữ trên trở thành: "quản lý ai thì ăn tiền người ấy".
Nếu anh quản lý quỹ bão lụt, anh phải ăn bớt tiền của quỹ bão lụt. Nếu anh kê đơn thuốc cho người bệnh, anh phải kê thuốc đắt tiền. Nếu anh quản lý tù nhân, chắc anh cũng phải kiếm thu nhập từ tù nhân. Nếu anh làm thanh tra thị trường, anh phải lấy tiền từ những người buôn thúng, bán mẹt. Nếu anh xây đường xá, anh phải ăn bớt tiền xây dựng. Nếu anh làm nghiên cứu khoa học, anh phải ăn bớt tiền nghiên cứu khoa học.
Thực tế thật đáng buồn. Vòng quay thật là nghiệt ngã. Nhất là đối với những người cán bộ, công chức trẻ tuổi. Nhiều người trẻ tuổi, khoảng xấp xỉ 30, đã xin ra khỏi các bộ, ngành hàng đầu như Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian gần đây.
Một người em của tôi, trình độ thạc sỹ, rất thông minh và sáng láng, vừa đệ đơn xin ra khỏi một cơ quan nhà nước ở cấp TW. Lý do là mặc dù đã làm việc 5 năm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, hoàn cảnh quá khó khăn, tiền thuê nhà tốn 800.000 đ, nhưng tiền lương chỉ có 1.300.000 đ. Và người em của tôi không muốn các thu nhập bất minh.
Họ muốn làm giàu, nhưng họ không muốn bị cuốn vào vòng quay nghiệt ngã đó. Họ đã có câu trả lời cho riêng mình.
Tuy nhiên, rõ ràng nghề nghiệp công chức là một nghề rất đáng tự hào, rất có ích cho xã hội, đất nước và rất đáng gắn bó. Những người trẻ tuổi, có năng lực, hoàn toàn có thể coi công chức là sự nghiệp lâu dài của cuộc đời mình. Chúng ta cần phải tôn vinh nghề công chức. Dù vậy, vẫn còn những câu hỏi chưa được trả lời đối với những cán bộ, công chức trẻ vẫn đang gắn bó (rất chính đáng) với hệ thống cơ quan quản lý nhà nước.
Liệu các công chức trẻ có được quyền mơ đến căn nhà của riêng họ hay không? Họ có quyền mơ ước trở thành người giàu có hay không? Họ có quyền ước mơ về những chiếc xe ô tô sang trọng và những chuyến du lịch tàu biển hay không? Và nếu có, liệu ước mơ giàu có của họ có mâu thuẫn với nghề nghiệp công chức của họ hay không? Phải chăng để làm giàu, họ bắt buộc phải làm sai?
Ở nhiều nước phát triển, công chức không phải là một nghề để làm giàu. Mức lương hàng tháng chỉ giúp các công chức có một mức sống trung bình, hoặc trên trung bình đôi chút. Ngay cả các chính trị gia cũng vậy. Thông thường họ làm giầu trước, rồi sau đó mới làm chính trị và làm lãnh đạo.
Vậy ở Việt Nam thì sao? Liệu "làm giàu" và "công chức" có thể kết hợp được với nhau? Phải chăng người công chức tốt và trong sạch luôn là người nghèo?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét