Không rõ cái tên nhạc vàng có từ bao giờ và tại sao nó lại mang cái tên đó, chỉ biết rằng cho đến bây giờ nó vẫn phải mang kèm theo một mặc cảm rằng đó là một thứ âm nhạc không được tử tế. Còn các nhà quản lý thì sẵn sàng cho phép biểu diễn đủ các loại nhạc rác, Á không ra Á, Tàu không ra Tàu, làm ô nhiễm cả một nền âm nhạc và tâm hồn thế hệ trẻ, nhưng mặt khác vẫn chưa có một cách cư xử công bằng và hợp lý hơn với một dòng nhạc vốn đã từng có một thời hoàng kim với rất nhiều tác phẩm đi vào lòng người, đã từng giành được nhiều cảm tình từ một lượng người nghe đông đảo.
Bỏ qua những điều dễ gây bực bội trên đây, tôi muốn nói về một trong những bài hát đã ghi vào lòng từ lâu lắm, bài hát “Từ đó em buồn” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Bài hát đã được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng riêng tôi thích nhất khi nghe giọng hát rất truyền cảm của ca sĩ Hương Lan.
Hương Lan tên thật là Trần Ngọc Ánh, sinh năm 1956 tại Sài Gòn và lớn lên tại đây cho đến khi sang Pháp vào năm 1978. Cô là con cả trong một gia đình có 5 người con. Mới 5 tuổi, Hương Lan đã lên sân khấu đoàn Thanh Minh-Thanh Nga với một vai phụ trong vở cải lương “Thiếu Phụ Nam Xương”. Nghệ danh Hương Lan được đặt từ tên của Út Bạch Lan và Thanh Hương – hai người được phụ thân Hương Lan hâm mộ.
Hương Lan lập gia đình với Chí Tâm vào năm 1976. Sau đó cô hoạt động trong lãnh vực cải lương hơn một năm với những buổi trình diễn tại Sài Gòn và các tỉnh qua một số soạn phẩm như Tình Yêu Và Bạo Chúa, Cây Sầu Riêng Trổ Bông, vv… Vợ chồng Hương Lan – Chi Tâm sang Pháp vào năm 1978 với con trai đầu lòng tên Henri Dương Bảo Nhi để bắt đầu đi vào một giai đoạn mới trong cuộc sống cũng như trong sinh hoạt nghệ thuật…
Năm 1984, Hương Lan xuất hiện lần đầu tiên trên chương trình video Paris By Night với nhạc phẩm Ngày về của Hoàng Giác. Rồi tiếp đó là những nhạc phẩm tình ca quê hương như Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Chiếc áo bà ba, Điệu buồn phương Nam …
Năm 1985, Hương Lan đưa hai con sang Mỹ để tiến hành thủ tục cư trú và đến năm sau, cô được chính thức cư ngụ tại Hoa Kỳ cùng với 2 con trai.
Hương Lan trở về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994 cùng với những nghệ sĩ hải ngoại Quốc Anh, Đức Huy và Thảo My. Nhưng Hương Lan đã gặp nhiều khó khăn vì không được cơ quan thẩm quyền về văn hoá trong nước cho phép trình diễn trước khán giả, ngoài việc cho phép cô thu băng đĩa hoặc video. Mãi đến năm 1996, Hương Lan mới được phép trình diễn trước khán giả tại quê nhà. Sau khi trở ra hải ngoại, Hương Lan lại phải đương đầu với những sự khó khăn khác, đó là sự chống đối mạnh mẽ quyết định về hát tại Việt Nam của cô.
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, hay còn được biết đến với một cái tên khác là ca sĩ Nhật Trường, cũng là một người rất nổi tiếng nên chắc không cần nói nhiều về ông. Chỉ nói qua rằng ông sinh năm 1942 tại Phan Thiết. Ông đến Sài Gòn năm 1958 và chẳng bao lâu giọng hát trau chuốt của ông được giới yêu nhạc Sài Gòn yêu mến.
Hai chủ đề lớn trong sáng tác của ông là tình yêu và tình lính. Ông sáng tác nhiều nhạc về lính, nhưng nhạc lính của ông thường không có thù hận, gay gắt hoặc kích động, thúc quân hoặc u uất, bi thảm mà nhạc của ông thường trong sáng vui tươi làm thi vị hóa và lãng mạn hóa đời lính gian khổ.
Sau 1975, ông nằm trong danh sách những nghệ sĩ bị Nhà nước CHXHCN Việt Nam cấm hoạt động. Tới năm 1984, Trần Thiện Thanh được phép hoạt động lại. Trần Thiện Thanh từ chối làm việc dưới chế độ mới mặc dù trong những năm ít xuất hiện trên sân khấu, ông vẫn soạn nhạc.
Năm 1993, ông di cư sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình, ODP. Sau một thời gian sống tại Mỹ thì ông kết duyên với nữ ca sĩ Mỹ Lan.
Trần Thiện Thanh qua đời vào ngày 13 tháng 5 năm 2005 tại nhà riêng ở thành phố Westminster, Quận Cam do bệnh ung thư phổi.
Có lần Trần Thiện Thanh được hỏi vì sao ông chọn tên Nhật Trường. Ông trả lời: “Hồi nhỏ tôi thích ca hát lắm nhưng bố mẹ tôi không cho. Thế là tôi phải chờ đến ban đêm đợi bố mẹ đi ngủ rồi mới dám hát. Nhiều khi ban ngày thèm hát quá mà phải đợi đến tối, thấy ngày sao dài ghê nên tôi chọn tên Nhật Trường, có nghĩa là … ngày dài”.
Bài hát “Từ đó em buồn” được Trần Thiện Thanh sáng tác vào khoảng đầu những năm 1960’s. Giống như các bài hát khác của ông, bài hát này không hàm chứa hận thù hay kích động mà chỉ nói về nỗi đau khổ của một người vợ mòn mỏi trong đằng đẵng nhớ, mong và cuối cùng là mất chồng. Dù không quá bi lụy hay u uất, song khi nghe, người ta vẫn cảm thấy một nỗi đau âm ỉ nhói sâu trong lòng hòa cùng với nỗi đau khổ tuyệt vọng của những người vợ – những phụ nữ vốn dĩ mong được chồng nâng đỡ, che chở, như tạo hóa muốn sinh ra như thế …
Ra đời vào những năm 60’s, bài hát này nói về tình cảnh của một số người vợ có chồng đi tập kết với lời hẹn đoàn tụ sau 2 năm theo hiệp định Geneva “Tạ từ anh hứa đến trọn hai mùa xuân sẽ về nối lời thề”. Tuy nhiên vì nhiều lý do, có khá nhiều người vẫn muốn tin rằng bài hát này là để nói về những người vợ lính VNCH sau năm 1975.
Nhưng dù cho những người chồng ở về phía bên nào thì những người vợ cũng vẫn là những người phụ nữ VN, với những nỗi đớn đau và bất hạnh giống nhau. Vì chẳng có ai sinh ra là để chịu đau khổ, mất mát, hay để hy sinh. Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Chiến tranh đã lùi xa. Nhưng khi nào thì không còn cái lúc mà “Từ đó em buồn”?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét