Dân tộc hóa giáo dục ở phương diện văn hóa là một xu hướng trái chiều nhưng không làm triệt tiêu xu hướng toàn cầu hóa văn hóa, bởi trong “bữa tiệc hội nhập”, mỗi dân tộc đều phải có “chai rượu” của riêng mình.
Xã hội Việt Nam truyền thống đã có những biến động rất lớn kể từ khi Pháp đến. Người Pháp mang theo văn hóa và khoa học (kỹ thuật cũng như nhân văn) của phương Tây. Chính quyền thực dân Pháp tiến hành khai hóa trên nhiều phương diện. Để dễ bề cai trị, từ năm 1869 đến 1919, Pháp lần lượt ban hành các đạo luật G.Ohier, J.Lafont, Le Myre de Villers và Albert Sarraut nhằm “diệt Hán - Nôm, hưng Quốc ngữ”1, nhằm tách dân chúng ra khỏi tầng lớp Nho sĩ, cô lập Đại Nam với các nước đồng văn và quan trọng nhất là “biến những đứa trẻ Annam trở thành người ngoại quốc trên chính đất nước của chúng” [trích lời Toàn quyền Paul Bert 1886]2. Tuy nhiên, phải nói một cách công bằng rằng, văn hóa truyền thống vẫn được bảo lưu trong hệ thống làng xã và được người Pháp nghiên cứu khá chi tiết. Mặt khác, người Pháp đã tạo nên một thế hệ những trí thức Tây học trên cơ sở văn hóa bản địa. Nhiều người nói, đây là thế hệ một đi không trở lại trong lịch sử của trí thức Việt Nam.
Năm 1945, chữ Quốc ngữ chính thức là thứ văn tự duy nhất của quốc gia. Chữ Hán, chữ Nôm biến mất khỏi hệ thống giáo dục và đời sống sau 2.000 năm hiện diện trên mảnh đất văn hiến. Có thể coi đây là bước ngoặt lớn thứ hai về văn hóa, kể từ đợt tiếp xúc của cơ tầng Đông Nam Á với Trung Hoa. Trong suốt mấy chục năm chiến tranh, văn hóa truyền thống (lễ hội, di tích, thư tịch, phong tục tập quán…) bị biến mất, biến dạng nhanh và nhiều đến mức không thể kể hết và cho đến nay vẫn chưa có ai thực hiện việc thống kê xem văn hóa truyền thống Việt Nam từng có những gì, đã mất những gì. 20 năm nay, các lễ hội cổ truyền được phục dựng ở khắp nơi bởi các nhà đạo diễn văn hóa quần chúng từ cấp địa phương đến cấp quốc gia. Sân khấu hóa và rập khuôn lễ hội là tình trạng phổ biến. Trong khi ngàn vạn tài liệu thư tịch về hương ước và lễ tục làng xã vẫn nằm chết cứng trong các thư viện của nhà nước và đang mục nát trong dân gian. “Niềm tự hào dân tộc” thường chỉ lấp ló trong những khoảnh khắc chiến thắng của thể thao hay núp sau tà áo dài hoa hậu. Giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế loanh quanh cũng chỉ là ca múa nhạc dân tộc hay rối nước. Đến như tranh Đông Hồ, mang đi triển lãm khắp nơi trên thế giới, nhưng chỉ là những nét khắc ngờ nghệch, chữ nghĩa thậm xấu và sai chính tả đến mức không thể chấp nhận được, đề tài phần lớn là của tranh Tàu (trừ Hứng dừa và Đánh ghen). Ở nhà trường, học sinh vẫn học suông mấy chữ “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” một cách hồn nhiên mà chưa bao giờ được hỏi: “làm thế nào để tạo nên màu dân tộc ấy?”
Bấy lâu nay khẩu hiệu giữ gìn và phát huy văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc chỉ được thực thi thông qua các hoạt động festival, lễ hội văn hóa, giao lưu văn hóa; tức là văn hóa truyền thống chỉ được tái hiện một phần nào đó thông qua các diễn viên, và mang tính biểu diễn mà những người đến xem chỉ là… khách. Giữ gìn bản sắc, theo chiều sâu, phải là sự tái dụng văn hóa truyền thống trong đời sống thường nhật của con người, tức là đưa những vị khách (vốn là những người chủ của văn hóa kia) trở về với đúng vị trí của mình.Dĩ nhiên, việc trau dồi văn hóa cổ truyền chỉ là một cạnh khía trong sự nghiệp của một đất nước. Nhưng thiết nghĩ, hun đúc tình yêu dân tộc không chỉ đơn thuần ở việc ngợi ca non sông gấm vóc, rừng vàng biển bạc được; lại càng không thể kêu gọi, hô hào hay ép buộc con em phải yêu nước. Tình yêu bao giờ cũng cần được nuôi dưỡng, cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể, thường nhật, liên tục với số lượng đông đảo của chủ thể, chứ không phải bằng những sáo ngữ cũ mòn. Đó chính là hành vi “thân giáo” (giáo dục bằng chính hành động của thầy) - phương pháp giáo dục của Nho gia mà Khổng Tử đề xướng. Phương pháp này không ép buộc mà hoàn toàn tôn trọng vào sự chọn lựa của người học. Nó tương đồng với “nguyên tắc tự do của chủ thể” trong triết học giáo dục của Éric Plaisance và Gérard Vergnaud3. Như thế, mỗi một người lớn là một thầy cô giáo, mỗi một gia đình là một ngôi trường. Và ngược lại, mỗi thầy cô giáo lại là một chủ thể văn hóa, mỗi mái trường là một mái ấm gia đình, để con người tự do trong tình yêu nhỏ, tình yêu nhỏ sẽ góp nên những tình yêu rộng lớn hơn.
Đối với trẻ em, việc xác lập tình cảm và hứng thú thường rất dễ dàng nếu có cách truyền thụ hợp lý. Cách truyền thụ văn hóa hữu hiệu nhất chính là biến các em thành chủ thể, tức người được đích thân tham gia vào các hoạt động văn hóa, để từ đó nảy sinh những tình cảm và lựa chọn những yếu tố nào phù hợp nhất với tư chất của mình. Đương nhiên, một con người hiện đại là người tích hợp của nhiều nền văn hóa, và đây cũng chính là một trong những mục đích của nền giáo dục hiện đại.
Hiện nay, Bảo tàng Dân tộc học là cơ quan văn hóa hoạt động hiệu quả nhất về phương diện này. Bảo tàng đã kết hợp được với một số trường học, đưa học sinh đến học ngoại khóa. Học sinh đến đây sẽ được đích thân nhuộm vải, in tranh Đông Hồ, học đan lát, học cách in hoa văn bằng sáp ong của người Hmông, cách nhuộm ikat của người Thái, cách thêu của người Việt, tập khâu vá, cắt may, tập làm búp bê giấy, búp bê vải,4... Những việc làm này giúp các em nhận thức về văn hóa, và được tham gia vào đó với tư cách của một thành tố văn hóa.
Bài viết chưa đề cập đến việc giáo dục con người để trở thành chủ thể của nền văn hóa trong mối tương quan với văn hóa khu vực và thế giới. Nhưng việc này không đáng lo lắm bởi người Việt vốn nắm bắt rất nhanh những yếu tố văn hóa từ bên ngoài mới vào. Vấn đề là ở chỗ giáo dục như thế nào để người Việt Nam có thể ý thức, thực thi và phát huy được năng lực của mình với tư cách là công dân của đất nước và của địa cầu. Thế giới ngày càng phẳng và nền giáo dục ngày càng trở nên có xu hướng quốc tế hóa, đó là điều không thể cưỡng lại. Dân tộc hóa giáo dục ở phương diện văn hóa là một xu hướng trái chiều nhưng không làm triệt tiêu xu hướng toàn cầu hóa văn hóa, bởi trong “bữa tiệc hội nhập” mỗi dân tộc đều phải có “chai rượu” của riêng mình. Văn hóa làm cơ sở, làm bản vị để mỗi dân tộc, mỗi quốc gia phát triển bền vững hơn. Nước chảy xa vì nguồn nó sâu. Kinh tế có phát triển ổn định là bởi sau lưng nó là cả một nền văn hóa có độ đằm của lịch sử. Phát triển bền vững ắt hẳn phải bắt đầu từ vấn đề chủ thể văn hóa của chúng ta hiện nay!
---
1+2 Triều Anh.1999. Những trang sử cuối cùng của chữ Hán Nôm. NXB Tổng Hợp Đồng Nai.
3 Éric Plaisance & Gérard Vergnaud .1999.Les sciences de L’éducation (Các khoa học giáo dục). Découverte Paris. Chuyển dẫn theo Phạm Khiêm Ích. 2008. Edgar Morin và triết học giáo dục. (dantri.com.vn)
4 http://www.vme.org.vn
TRẦN TRỌNG DƯƠNG (TẠP CHÍ TIA SÁNG)
Phát triển bền vững ắt hẳn phải bắt đầu từ vấn đề chủ thể văn hóa của chúng ta hiện nay!
Trả lờiXóaVấn đề là ở chỗ giáo dục như thế nào để người Việt Nam có thể ý thức, thực thi và phát huy được năng lực của mình với tư cách là công dân của đất nước và của địa cầu
Trả lờiXóaDân tộc hóa giáo dục ở phương diện văn hóa là một xu hướng trái chiều nhưng không làm triệt tiêu xu hướng toàn cầu hóa văn hóa, bởi trong “bữa tiệc hội nhập” mỗi dân tộc đều phải có “chai rượu” của riêng mình
Trả lờiXóaKinh tế có phát triển ổn định là bởi sau lưng nó là cả một nền văn hóa có độ đằm của lịch sử.
Trả lờiXóa