Nhiều tuyến đường nát bét nhưng cánh nhà xe phải gồng mình đóng phí. Hầu hết các chủ đầu tư thu tiền nhiều nhưng chi sửa đường rất nhỏ giọt.
Quốc lộ 14 là tuyến đường huyết mạch của Tây Nguyên nhưng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Trên tuyến này có nhiều trạm thu phí, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp vận tải.
Không công bằng
TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cách TPHCM khoảng 350 km, trong đó có đoạn chỉ hơn 100 km có tới 6 trạm thu phí, gồm: Trạm Đắk Gằn (huyện Đắk Mil - Đắk Nông), Trạm số 2 (huyện Đồng Phú - Bình Phước), Trạm Chơn Thành (huyện Chơn Thành - Bình Phước), Trạm Suối Giữa (TP Thủ Dầu Một - Bình Dương), Trạm Vĩnh Phú (thị xã Thuận An - Bình Dương), Trạm Bình Triệu 2 (TPHCM). Hành khách đi xe từ TP Buôn Ma Thuột đến huyện Chơn Thành dài gần 250 km rất bức xúc vì “ổ voi, ổ gà” đầy mặt đường.
Trong đó, khoảng 60 km qua tỉnh Đắk Nông do Công ty CP BOT&BT Đức Long Đắk Nông (thuộc Tập đoàn Đức Long Gia Lai) đầu tư theo hình thức BOT đang xuống cấp nghiêm trọng. Đoạn đường này được khởi công xây dựng vào tháng 9-2010, dự kiến hoàn thành trong 3 năm. Hiện nhà thầu chỉ mới hoàn thành việc cày xới và múc rãnh 2 bên đường. Nhiều đoạn đơn vị thi công đã ủi sâu 2 bên đường nhưng không cắm cọc tiêu và biển báo, rất nguy hiểm cho các phương tiện giao thông.
Đường nát nhưng doanh nghiệp vận tải phải gồng mình trả phí. Ông Nguyễn Anh Kiệt, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Anh Khoa (Đắk Lắk), bức xúc: “Mỗi ngày, công ty chúng tôi có 10 chuyến xe khách từ Đắk Lắk đi TPHCM. Do đường xấu nên chuyện kẹt xe nhiều giờ liền thường xảy ra, làm thời gian đi lại kéo dài, xe hay hỏng hóc khiến chi phí vận tải tăng hơn 30% so với trước đây. Chúng tôi sẵn sàng trả phí với điều kiện đường phải được sửa chữa, bảo đảm an toàn”.
Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Phát triển An Thái (TP Buôn Ma Thuột), cho biết trung bình mỗi năm công ty vận chuyển gần 1.000 tấn cà phê từ Đắk Lắk đi TPHCM. Phía đơn vị vận chuyển thuê cho công ty luôn yêu cầu tăng giá do đường quá xấu và đóng phí tại nhiều trạm. “Đường xuống cấp trong khi các trạm vẫn thu phí là không công bằng đối với các phương tiện giao thông” - ông Vũ Đức Tiến, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Cà phê Tây Nguyên, than phiền.
Thu nhiều, chi nhỏ giọt
Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa cho biết hằng năm 2 trạm thu phí Ninh An (thị xã Ninh Hòa) và Cam Thịnh Đông (TP Cam Ranh) thu nộp ngân sách khoảng 80 tỉ đồng, trong khi tiền được cấp để duy tu bảo dưỡng đường bộ chỉ khoảng 10 tỉ đồng.
Tuyến Quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh Khánh Hòa dài 152 km, có 2 trạm thu phí là Ninh An và Cam Thịnh Đông. Trạm thì cứ thu tiền nhưng đường thì quá xấu, thậm chí xuống cấp nặng. Một tài xế xe khách chạy tuyến Nha Trang - Đà Nẵng cho biết: “Đoạn qua các khu vực đèo Cả, Rọ Tượng, Rù Rì quá gồ ghề, nổi từng mảng nhựa nhấp nhô rất nguy hiểm. Tai nạn xảy ra thường xuyên ở các đoạn đường này.
Do được sửa chữa theo kiểu giặm vá nên chỉ sau thời gian ngắn, đường lại bong tróc, ổ gà, ổ voi nổi đầy”. Anh Hùng, một tài xế xe khách tuyến Nha Trang - Phan Rang, cho biết mỗi tháng, anh tốn phí qua trạm gần 1 triệu đồng, trong khi đó đường chất lượng kém, ít được đầu tư nâng cấp thì quá phi lý.
Theo ông Trần Đình Diệu, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa, tiền thu được từ trạm, công ty nộp ngân sách, còn việc sửa chữa hay làm mới đường, công ty chờ nguồn kinh phí khác.
Sửa chữa qua loa
Quốc lộ 80 có tổng chiều dài trên 215 km, đi qua các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và TP Cần Thơ, do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình giao thông 73 (Bộ GTVT). Hiện toàn tuyến vẫn còn duy trì trạm thu phí tại xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh - TP Cần Thơ.
Dù đơn vị trực tiếp quản lý vẫn thu phí giao thông mỗi ngày nhưng tuyến đường trên đã xuống cấp nặng, chỉ sau mỗi cơn mưa là mặt đường trở nên nham nhở, rất nguy hiểm. Anh Nguyễn Văn T., một chủ vựa phế liệu ở xã Thạnh Mỹ, cho biết mỗi lần xe tải 3,5 tấn qua trạm là anh phải trả 15.000 đồng, xe loại 8 tấn thì đóng 22.000 đồng. “Người dân không hiểu vì sao mấy ổng cứ thu tiền đều đều mà đường sá thì ngày càng tệ. Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần với HĐND các cấp nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa có gì khả quan”.
Ngay ở 2 đầu trạm thu phí này, mặt đường cũng đã loang lổ, mất an toàn cho các phương tiện qua lại. Tại khu vực ấp Phụng Phụng, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh xuất hiện một “ổ voi” to tướng và là nơi thường xuyên xảy ra tai nạn. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng đơn vị sửa chữa đường bộ chỉ đến giặm vá qua loa rồi... đi biệt!
Các cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề này. Không thể để cho người dân chịu thiệt như vậy được.
Trả lờiXóaVẫn muôn thủa chuyện đường xá thi công @@ Cần phải có trách nhiệm trong việc này !!! Chán cảnh đường xá như thửa ruộng cày thế này ròi @@
Trả lờiXóaĐường xá càng ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Trả lờiXóaĐƯờng mới xây được vài ba tháng đã vá với sửa rồi. Chán gt Việt Nam lắm
Trả lờiXóaTiền mất tật mang nhân dân vẫn phải khổ
Trả lờiXóa