(Petrotimes) – Việt Nam không thiếu người tài, có kiến thức, có học vấn, đặc biệt là các thủ khoa. Thế nhưng số lượng thủ khoa “chịu” làm việc tại các cơ quan nhà nước là vô cùng ít ỏi. Phải chăng tâm lý ngần ngại vì “cơm, áo, gạo, tiền” hay tâm lý “chất lượng cao” vẫn ngăn bước chân của các thủ khoa vào các cơ quan nhà nước?
Thờ ơ vì “cơm – áo – gạo – tiền”
Ngày 26/8 vừa qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm tuyên dương thủ khoa các trường đại học (ĐH), học viện trên địa bàn thủ đô. Theo thống kê của Sở Nội vụ Hà Nội, trong 10 năm qua, có gần 1.100 thủ khoa được vinh danh nhưng chỉ có 1/10 trong số đó (107 thủ khoa) về làm việc tại các cơ quan hành chính thuộc Hà Nội.
Từ trước tới nay, chúng ta hay đề cập tới việc những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ở các trường ĐH, học viện không chịu về các địa phương làm việc mà quyết “bám trụ” tại thủ đô. Tuy nhiên, hiện nay, cơ hội làm việc tại các cơ quan nhà nước tại Hà Nội đang bị nhiều thủ khoa “thờ ơ”.
Không thể nói rằng Hà Nội không chú trọng tới việc giữ chân người tài, bởi trong những năm qua, thành phố đã tạo mọi điều kiện cho các thủ khoa vào làm việc, thậm chí, ngay cả những thủ khoa không có hộ khẩu Hà Nội vẫn được ưu tiên nhận thẳng vào công tác tại các cơ quan.
Thành phố Hà Nội rất chú trọng tới việc giữ chân người tài.
Mặt khác, có cơ quan ở Hà Nội còn ưu tiên xét tuyển các thủ khoa đi học tại nước ngoài với nhiều ưu đãi như được hỗ trợ kinh phí trong thời gian đi học; được tạm ứng các khoản phí khi làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ nếu đi học ở nước ngoài…
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, đại diện Sở Nội vụ Hà Nội, cho biết trong số hơn 50 thủ khoa, hiện có 24 em được TP cử đi học trong nước và nước ngoài. Mỗi tháng các bạn được hỗ trợ 1 lần lương tối thiểu và toàn bộ học phí. Đến khi bảo vệ luận án các bạn được hỗ trợ gấp 80 lần lương tối thiểu với Tiến sĩ và gấp 30 lần với luận án Thạc sĩ.
Với những ưu đãi đó, có lẽ đối với nhiều bạn trẻ không tốt nghiệp thủ khoa, được làm việc tại thủ đô là cả một niềm mơ ước lớn. Tuy nhiên, với các thủ khoa, dường như những chế độ ưu đãi trên chưa đủ sức thuyết phục họ ở lại với cơ quan nhà nước.
Lý do là vì ngay từ khi vẫn ngồi trên giảng đường ĐH hay trước khi nhận tấm bằng tốt nghiệp, các thủ khoa đã được các công ty, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước mời chào trọng thị bằng mức lương hậu hĩnh, chế độ đãi ngộ hấp dẫn và được làm việc trong môi trường năng động, chuyên nghiệp, hiện đại…
Rất nhiều thủ khoa “chê” môi trường làm việc tại các cơ quan nhà nước là gò bó, kìm hãm phát triển … hay đơn giản là do nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”, thậm chí, nhiều người cho rằng các cơ quan nhà nước không đánh giá đúng khả năng của “nguồn nhân lực chất lượng cao này”.
Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng các chính sách của nhà nước thường chậm hơn các lời mời chào của công ty, doanh nghiệp nước ngoài. Thêm vào đó, các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn thủ khoa thường có mong muốn được thử sức mình hay có cơ hội để sáng tạo, đổi mới, nhưng bộ máy chính quyền ở Hà Nội chưa chắc là nơi làm việc, môi trường làm việc như các thủ khoa mong muốn.
Thủ khoa chưa phải nguồn nhân lực chất lượng cao
Về vấn đề này, chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ: “Vấn đề trong sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng phải thành thực mà nói, đừng ai cho rằng thủ khoa là đã coi mình là nguồn nhân lực chất lượng cao. Mình là cao trên ghế nhà trường, chưa chắc là cao trong xã hội…”
Bản thân chuyên gia Phạm Chi Lan là thủ khoa Khóa I của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội và cũng là người đồng hành và dõi theo các thủ khoa qua nhiều kỳ tuyên dương. Theo bà, việc tôn vinh các thủ khoa đầu vào và đầu ra của các trường ĐH, học viện là rất cần thiết; tuy nhiên, không phải cứ là thủ khoa đã được coi là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi từ lý thuyết ở nhà trường đến thực tế công việc còn đòi hỏi nhiều phẩm chất, tố chất và kỹ năng khác.
Trong nhà trường, việc trau dồi và tiếp thu kiến thức từ nhà trường, giáo viên, sách vở chiếm vị trí rất quan trọng. Thế nhưng khi bước ra thực tế, mỗi cơ quan, đơn vị lại có những yêu cầu và đòi hỏi khác nhau, buộc sinh viên – đặc biệt là các thủ khoa – phải có sự sáng tạo, nhạy cảm với công việc.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh: “Trong tư duy của các bạn, đừng nghĩ mình là nguồn nhân lực chất lượng cao vội. Đặc biệt những bạn thủ khoa mới chỉ được gọi là “tiềm năng” để trở thành nhân lực chất lượng cao trong công việc. Có tốt hay không phải đo trong công việc, học giỏi nhưng phải làm việc, ứng dụng được…”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Đừng thủ khoa nào coi mình đã là nguồn nhân lực chất lượng cao"
Bà cũng đưa ra ví dụ một sinh viên tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành ngoại ngữ, kiến thức của bạn rất tốt, nhưng khi được phân công chuyên ngành của mình chưa chắc dịch một cách chuẩn xác được nếu không có kiến thức chuyên môn về chính việc bạn đang làm. Vì vậy, ngoài kiến thức tiếp nhận được trên ghế nhà trường, các thủ khoa cần có thái độ cầu thị, khiêm tốn trong công việc.
Về quan niệm về “nguồn nhân lực chất lượng cao”, chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định, đó phải là những người được đào tạo, có kiến thức tương đối cơ bản về ngành nghề mình theo học hoặc làm việc và phải những kỹ năng cần thiết. “Tôi muốn nhấn mạnh vào “kỹ năng”, bởi các trường ĐH hiện nay mới chỉ cung cấp kiến thức trên lý thuyết, chưa đào tạo đầy đủ các kỹ năng cần thiết để sinh viên ra trường làm việc. Và vì vậy, trên thực tế nhiều bạn ra trường chưa làm việc được ngay mà phải qua đào tạo trực tiếp tại cơ quan” – bà Lan cho biết.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, có 3 vấn đề mà các bạn sinh viên, đặc biệt là các thủ khoa cần chú trọng khi bước từ cổng trường ĐH ra thực tế công việc.
Thứ nhất, ngành nghề nào cũng đòi hỏi những kỹ năng, tuy nhiên, người có nền tảng kiến thức vững vàng chưa chắc đã có kỹ năng làm việc. Bởi khi bước chân từ trường ĐH ra thực tế công việc, kỹ năng làm việc còn cần nhiều hơn, gồm kỹ năng làm việc với máy móc, kỹ năng xử lý tình huống…; và đây cũng là một phần tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực cao hay thấp.
Thứ hai, chính là kỹ năng làm việc theo nhóm, làm việc trong cộng đồng. Bởi một cá nhân xuất sắc có thể làm được việc, nhưng chưa chắc đã hòa hợp và phối hợp tốt với những người khác trong nhóm. Các bạn trẻ, đặc biệt là các thủ khoa cần học
Thứ ba là phải luôn luôn có khát vọng học hỏi và phát triển kiến thức cũng như kỹ năng làm việc. Kể cả các bạn là thủ khoa, nhưng chỉ có duy nhất 1 bằng ĐH thì hàng chục năm sau vẫn vậy. Nếu không chịu khó trau dồi, học hỏi thì chính các thủ khoa này sẽ là lạc hậu và không đáp ứng được nhu cầu của công việc và xã hội.
Vương Tâm
Hầu như sinh viên nào cũng vậy, thi được đậu đại học là có tinh thần rã đám. Hi vọng các bạn luôn có ý chí tiến thủ phấn đấu cho tốt!
Trả lờiXóaChán thật nhiều bạn thủ khoa học thì giỏi thật đấy. Nhưng về giao tiếp xã hội thì thật là kém
Trả lờiXóaMình rất khâm phục các thủ khoa thần tượng họ nhưng mà đọc bài viết này thì phải xem lại bản chất của thủ khoa.
Trả lờiXóa