Tại hội thảo quốc tế quy mô lớn với chủ đề về Biển Đông tổ chức tại Pháp, các học giả quốc tế đã mạnh mẽ phủ nhận đòi hỏi phi lý của Trung Quốc, đặc biệt là luận điệu về đường lưỡi bò.
Hội thảo quốc tế có chủ đề “Biển Đông: Phải chăng là một không gian khủng hoảng mới?” vừa diễn ra tại Pháp, thu hút khoảng 300 người tham dự, gồm các học giả Pháp và quốc tế về Châu Á; quan chức nước chủ nhà cùng một số quốc gia có liên quan; đại diện nhiều tập đoàn kinh tế lớn v.v..
Diễn ra trong một ngày, Hội thảo do Học viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) tổ chức, chia thành 3 cuộc thảo luận về các chủ đề: “Luật pháp quốc tế”; “Thách thức chính trị, chiến lược và kinh tế” tại Biển Đông và “Ngõ cụt quân sự hay giải pháp chính trị?”.
Trong cuộc thảo luận đầu tiên, nhiều học giả uy tín như: giáo sư Monique Chemillier Gendreau (Đại học Paris 7), giáo sư Erik Franckx (khoa Luật pháp Quốc tế và Châu Âu thuộc ĐH Vrije Brussels, Bỉ), giáo sư David Scott (ĐH Brunel, Anh) phân tích kỹ lưỡng và chứng minh bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp cũng như án lệ quốc tế.
Ông Monique Chemillier Gendreau giải thích, luật pháp quốc tế ngày nay quy định một quốc gia có thể tuyên bố chủ quyền trên một hòn đảo với điều kiện là họ tìm ra hòn đảo đó, có mặt thường trực và lâu dài, đồng thời có một hệ thống quản lý hành chính tại đó.
Do vậy, có thể thấy các luận cứ đòi chủ quyền Trung Quốc từ trước đến nay không có tính pháp lý. Ngược lại, Việt Nam sở hữu nhiều bằng chứng cho thấy từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19 khi Pháp đô hộ, chính quyền An Nam đã có những đơn vị hành chính quản lý việc khai thác tài nguyên, đánh cá và cả thu thập tài sản từ các xác tàu đắm tại Hoàng Sa. Quan trọng là sự quản lý này không bị quốc gia nào phản đối. Sau đó lần lượt Pháp rồi đến chính quyền miền Nam Việt Nam tiếp quản chủ quyền một cách hợp pháp.
Đối với quần đảo Trường Sa, Pháp có những tài liệu cho thấy vào những năm 1930, chính quyền Trung Quốc còn nhầm lẫn về quần đảo này và không nêu trong bản đồ quốc gia.
Các chuyên gia cũng phân tích các khía cạnh chính trị, chiến lược và kinh tế, từ đó khẳng định lại tầm quan trọng của vùng Biển Đông trong địa chính trị cũng như thương mại toàn cầu. Điều này lý giải những xung đột đang hiển hiện trong khu vực, lôi kéo sự tham gia gây ảnh hưởng của các quốc gia bên ngoài khu vực.
Với sự có mặt của các chuyên gia về hải quân và cả đại diện cho chính phủ Pháp là ông Christian Lechervy, cố vấn Tổng thống Francois Hollande về Châu Á và các vấn đề chiến lược, hội thảo cho rằng khả năng xảy ra chiến tranh truyền thống là ít. Các chuyên gia vì thế gợi ý: phải dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển làm cơ sở pháp lý để xác định ranh giới; hình thành những vùng đánh cá chung và tiến hành các cuộc tuần tra quân sự chung trên biển. Song song với việc đó, các bên phải cam kết không xây dựng thêm các cơ sở quân sự, và chỉ sử dụng các lực lượng dân sự và cảnh sát biển để làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh.
Các học giả cũng yêu cầu các nước lớn bên ngoài như Mỹ, Pháp đều phải có thái độ xây dựng và đóng góp tích cực vào quá trình thương lượng để hóa giải căng thẳng trên Biển Đông. Giáo sư Monique Chemillier Gendreau thậm chí nhắc đến khả năng đưa Biển Đông thành vùng biển quốc tế, áp dụng các quy định được các bên cùng nhất trí, đem lại lợi ích chung và đảm bảo hòa bình cho cả khu vực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét