Rất lạ, các nghị sĩ QH khi thảo luận về một bộ luật liên quan nhiều đến quyền con người như Luật Luật sư, lại hầu như chỉ phát biểu về chủ đề: Các ông thầy dạy luật có được hành nghề luật sư.
Thậm chí, sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị, dưới giác độ một người thầy, với thái độ mà báo chí mô tả là “thiết tha”: “nên khuyến khích các giảng viên dám nhận làm luật sư”.
Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình 1 ngày trước đó đã đề cập đến thực trạng “Số luật sư, người bào chữa tham gia bào chữa tại các phiên tòa hình sự chỉ chiếm tỉ lệ thấp, chủ yếu là luật sư chỉ định. Phần lớn tập trung ở những thành phố, đô thị. Đối với vùng sâu, vùng xa, tỉ lệ tham gia của luật sư, người bào chữa tại các phiên tòa hình sự không đáng kể”. 2 năm trước, khi con số 121 trường hợp oan sai được nói trước Quốc hội, không khí bấy giờ bỗng dưng lặng phắc. Chẳng hạn, nếu 121 phiên tòa đó có đầy đủ luật sư, không “chủ yếu là luật sư chỉ định”, có thể rất nhiều trong số 121 con người đó không phải chịu cảnh ngồi thu lu giữa 4 bức tường đá để gặm nhấm oan khiên thấu giời xanh.
Có lẽ, khi đưa ra quy phạm cấm các ông thầy dạy luật được hành nghề luật sư, các nhà soạn thảo đã chỉ nghĩ đến việc quản lý với những lo toan kêu rủng roảng, rằng “ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy”, rằng “không phù hợp với định hướng phát triển nghề luật sư”, thậm chí “không phù hợp với mục tiêu xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp”. Có thứ giảng dạy nào không vì mục tiêu con người? Có thứ định hướng nào lớn hơn quyền con người. Và có thứ chuyên nghiệp nào chuyên nghiệp hơn việc không để xảy ra cảnh những người vô tội bị tống vào nhà đá? Các nhà làm luật đã quên khuấy mất 121 trường hợp oan sai rồi.
Nhưng việc sửa đổi Luật Luật sư lần này không phải chỉ là chuyện những ông thầy. Sáng nay, có đại biểu QH đã nhắc đến chuyện cái ghế. Nghĩa đen là tư thế luật sư ngồi ngước mắt nhìn lên quan tòa. Nghĩa bóng là sự bất bình đẳng đang tồn tại trong những pháp đường thâm nghiêm. Và, dẫu là thiểu số, cũng có người đã nói đến việc bỏ tấm giấy chứng nhận bào chữa, một thứ thủ tục hành chính, một hàng rào ngăn cách luật sư đến với thân chủ của mình. Cảm ơn đại biểu QH Bùi Văn Xuyền. Cảm ơn báo điện tử Chính phủ, thật ngạc nhiên, là tờ báo duy nhất đưa chi tiết này.
Cái ghế, hay tấm giấy, đang chỉ là những biểu tượng của một thực tế mà phổ biến là việc các cơ quan tố tụng từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa mà không buồn giải thích lý do, hay lớn hơn, cũng chua chát hơn, là tiếng nói của các luật sư nhiều khi hầu như không mấy ý nghĩa trong những phiên tòa.
Hôm qua, có một chi tiết giàu biểu cảm. Đó không phải là con số 420 tử tù vẫn chưa thể thi hành án vì thiếu thuốc độc. Đó cũng không phải là vấn đề khi Bộ Y tế đang bó tay bó chân trong việc tìm nhập nguồn thuốc độc. Mà nó biểu cảm ở nguyên nhân của việc khó khăn: Các hãng dược, dù bán kháng sinh với giá cắt cổ, đang lắc “không chấp nhận bán thuốc cho Việt Nam sử dụng vào mục đích thi hành án tử hình”. Nó biểu cảm ở lời đề nghị, cũng thật ngạc nhiên, của Viện trưởng VKSND TC về việc “Cần nghiên cứu toàn diện hơn về hình phạt tử hình. Cần sửa luật theo hướng thu hẹp, chỉ áp dụng mức án này với những tội danh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội, thực sự không thể giáo dục, cải tạo”. Bởi, như lời ông Nguyễn Hòa Bình: “Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này tiệm cận hơn xu thế chung của thế giới”.
Hình như vấn đề luật sư cũng thế. Chúng ta không thể giữ mãi trong đầu tư duy: “đóng cửa” để “bảo nhau” rằng tội phạm thì cần gì phải quan tâm, rằng thế là đã tốt lắm rồi. Bởi trước khi trở thành tội phạm và cả khi phải đứng trước vành móng ngựa, họ, một cách bất biến, vẫn là những con người.
LâmTrực@DT
luật sư,cái nghề này khổ và khó thật
Trả lờiXóanghề này giờ nhức nhối lắm.nào luật sư phản động này rồi luật sư rởm ấy
Trả lờiXóa