Chia sẻ

Tre Làng

TẢN MẠN VỀ TIẾNG LÓNG

LâmTrực@

I/ Tiếng lóng SaigonTiếng lóng vốn là tiếng của… vỉa hè, chợ búa, là thứ tiếng của đám đông. Có lẽ chỉ các bậc tu hành mới không có (chứ không phải các vị không dùng, một linh mục đã từng hỏi người viết "Có ghệ chưa?")

Tiếng lóng chuyên dùngThoạt kỳ thủy đó là tiếng của một giới nào đó (ăn chơi, mánh mung, ma túy… ), là con đẻ của một ngoại cảnh nào đó, không phải “tiếng lòng” tức không phải của nội tâm, càng không là ngôn ngữ của tư duy. Định nghĩa thật khó, cách giản tiện nhất là… nói tiếng lóng.
Sài Gòn là đất trẻ, nhiều dân tứ xứ (Trung Nam Bắc chen vai thích cánh với Hoa, Ấn, Tây, Mỹ v.v... Chủ yếu là thành phố công thương nghiệp tạo thành lớp cư dân linh hoạt, nhiều sắc thái, cá tính hơi “bốc”, trọng nghĩa khí mang tính giang hồ, thích sống thoáng, khoái hoạt. Hơn nhiều nơi khác, sức ma sát ở đây rất mạnh, càng mạnh càng bén nhạy trở thành đắc địa của tiếng lóng. Từ Sài Gòn, tiếng lóng lan toả ra vùng...
Dân chơi rủ nhau xuống xóm phải tránh bị bể ống khói, muốn thế nhớ mặc áo mưa. Cái dụng cụ dùng cả lúc nắng đổ lửa này đến năm 1963, khi đại sứ Mỹ nước ngoài cạnh chính quyền Sài Gòn sang nhậm chức thì không chậm trễ, dân chơi lúc xuống xóm đã có ông đại sứ đi kèm! Chả là vì ngài đại sứ họ tên là Henri Cabot Lodge, trong đó capote theo tiếng Pháp là cái áo mưa… thú thật.
Dân ăn chơi không phải ai cũng sòng phẳng, nhiều kẻ hay tìm bạn bò mộng để bắt địa. Ông chủ quán cà phê La Pagode nếu giờ còn sống liệu còn thắc mắc vì sao có mấy chàng sinh viên ngày nào cũng kéo đến kêu cà phê lát rồi bỏ đi, chỉ có một người ngồi lại… đọc sách cả tiếng đồng hồ? Không đâu thưa ông chủ quán, gã đó ngồi làm va li chờ bạn đi kiếm tiền đến… chuộc đó!
Nhớ hồi 56-57 gì đó, có cô ca sĩ nổi tiếng, một lần đi chơi… Nhà Bè (hồi ấy còn rất hoang vắng) hai người làm gì trong xe hơi chẳng biết nhưng bất ngờ bị tuần cảnh xét hỏi, bèn nói em với anh đi… ăn chè, dù tại Nhà Bè thuở đó mua cả chỉ vàng cũng không có thứ gọi là chè ấy. Thế là trong từ điển tiếng lóng, ăn chè ra đời, dùng làm gì thì cứ thử ắt biết.
Dân chơi cầu ba cẳng khi đã ngồi với nhau thế nào cũng phải chăm phần chăm(100%). Số là thời chiến tranh, quân đội Sài Gòn thường có lệnh cấm lính xuất trại, ngoài cổng treo tấm bảng “cấm trại 100%”. Không được ra phố, ở lại trại 100% thì… 100% rất “đã” thế là con số này sống mãi với thời gian. Nhậu nhiều lỡ mà lên dầu sống khẩn cấp, không kịp chạy ra ngoài bèn cứ ngồi tại chỗ cho chó ăn chè...
Sang tới giới công tư chức, anh nào từ phòng sếp ra mặt hơi bị không vui thì biết anh ta được mời lên uống trà, hoặc uống cà phê đen, làm đèn cầy (đứng ngay đơ) cho sếp “xát xà bông”
Khi Sài Gòn có chủ mới, người Sài Gòn làm quen - dĩ nhiên rất nhanh, tiếng lóng mà – nhữngđánh quả, con phe, một vé, một chai, bôi trơn, mắt thứ hai tai thứ bảy, phao v.v... đã trở nên quen thuộc.

Điều ngày càng được khẳng định là, nhà báo Sài Gòn lại cũng là tác giả của một số tiếng lóng rất hiện đại. Chính họ còn là đường truyền hiệu quả cho tiếng lóng. "Chọi" hiện đang được một số tờ báo sử dụng, ý chỉ 1 thí sinh đại học phải loại bao nhiêu thí sinh khác để có tên trong danh sách trúng tuyển! Nghe đầy bạo lực như chọi gà, chọi trâu, chọi dế... nhưng nghe miết thành... gần quen tai!

Mấy năm nay đường phố Sài Gòn bị hết ngành này đến ngành khác băm cho nát. Ở những vết băm người ta dựng lên những tấm tôn mỏng manh xiêu vẹo, thế là lô cốt ra đời! Cùng với lô cốt là những hố tử thần chỉ việc các ông con nhà họ "Đào" đào lên để vậy chờ sẵn người tận số đi qua!
Botay.com thì còn gì hơn là cách than trời về những việc làm của một số quan chức thuộc loại đáng chào thua hoặc hết biết? Cũng từ các tờ báo, nhất là báo trào phúng, những tiếnglủm, nhím nghe khá gợi hình của một sự thô bỉ nhẫn tâm ra đời khi có những quan chức cắt xén tiền, hàng cứu trợ nạn nhân thiên tai.
Cùng với nó, Biết (ngon, dở, hay, đẹp... ) chết liền! là một cụm từ tiếng lóng... nói trong trường hợp nào cũng được, miễn sao tỏ được ý phủ định của người nói trước người hỏi. Hỏi "Ngon gì mà ngon" hay "Dở ẹc", đáp "Dở chết liền!"..."Đẹp không?", nếu là nịnh thì "Xấu chết liền!"...
Tiếng lóng là tiếng chợ búa nhiều tính thực dụng, ra đời trong một bối cảnh nhất định, mà cuộc sống thì như một dòng chảy cho nên khai sinh nhanh thì tiếng lóng cũng không sống được lâu. Hai tiếng OK Salem của những tên ma cô dẫn gái tiếp thị với lính Mỹ ở Sài Gòn góc tối nào cũng có thể có, nhưng nó đã nhanh chóng bị đào thải theo chân những chú Yankee khi họ rời khỏi đây. Tiếng lóng là công cụ nhất thời như hoa phù dung sớm nở tối tàn vậy.


Nhắc đến tiếng lóng mà quên nhà văn quá cố Nguyên Hồng là một sự thất lễ. Trước năm 45 cụ đã lên đời loại tiếng vỉa hè này, đưa nó vào văn chương hẳn hoi. Tiểu thuyết “Bỉ vỏ”- nội cái nhan đề đã là một tiếng lóng (chỉ người đàn bà móc túi) - của cụ đọc thật “bá chấy”.
Lần đầu tiên người đọc được nghe tiếng của giới giang hồ đất cảng Hải Phòng: Mõi (móc túi);kỳ bẽo (cờ bạc); sò quỷnh (người nhà quê); đông địa (nhiều tiền) v.v...
Một dân móc túi thuộc loại trinh sát theo dõi một người nhà quê có vẻ có tiền, khi thấy ông ta vào quán cơm bụi, đã báo cho đồng bọn biết một cách gần như công khai: “Sò quỷnh đông địa tranh vòm” (gã nhà quê lắm tiền vừa vào quán)!
Trong khi chưa tìm ra ai khác nhà văn Nguyên Hồng, xin cứ tôn xưng cụ là… vua tiếng lóng. Vì nhân vật của cụ nói nguyên một câu bằng tiếng lóng, còn đám hậu sinh chỉ đệm được vài từ là cùng.
(Theo Cao Thoại Châu/Gió O)


II/ Tiếng lóng tuổi teen
Tò mò, phê phán hoặc cười trừ, rồi… kệ. Đó là cách mà nhiều người ứng xử với tiếng lóng, vốn đang là “trào lưu” của không ít bạn trẻ hiện nay.
Tuy nhiên với những người thực sự quan tâm tới ngôn ngữ mẹ đẻ và sự phát triển của nó thì cho rằng, nếu vẫn “kệ”, bỏ qua hiện tượng này thì sẽ dẫn đến những hệ quả xấu.
Giải mã
Tiếng lóng xuất phát từ nhu cầu muốn khẳng định cái tôi đặc trưng, vị thế của mình trong xã hội của cộng đồng những người trẻ. Ngôn ngữ lóng thường được sử dụng trong blog, chat, nhắn tin qua điện thoại di động…
Tiếng lóng của tuổi mới lớn không theo bất kỳ quy luật nào. Có thể bắt gặp những câu từ kết hợp lộn xộn giữa biểu tượng, viết tắt, các con số, dấu câu, tiếng Anh, Pháp, Việt…
Viết tắt là cách sử dụng phổ biến nhất trong tiếng lóng. Tuổi mới lớn hay ghép các chữ cái đầu của các từ trong một câu để làm thông điệp cho nhau, thông thường là những câu tiếng Anh. Ngoài ra, việc dùng các từ như: “thía” thay cho “thế”, “hok” thay cho “không” là cách nói chệch đi để nghe… teen hơn.
Ví dụ: ILU = I Love U, SUL = see you later, G9 = good night, hum ni = hôm nay, hok bit gì mờ bì đek = không biết gì mà bày đặt…, ngồi pùn hem bik lèm j = ngồi buồn không biết làm gì, bik oj, mì đến đéy rùi đợi tau! = biết rồi, mày đến đó rồi rồi đợi tao, pls = làm ơn!…
Ngoài viết tắt, các biểu tượng hoặc ký tự, dấu câu và con số cũng được dùng để làm thông điệp. Những dấu như @, $, /, * thường được dùng khi muốn biểu lộ cảm xúc vui, buồn nào đó. Ví dụ: $_$ (vui như được tiền), 8_0 (bị sốc), ### (thăng rồi), $% (thật 100%)…
Các nguyên âm trong từ ngữ cũng thường bị bỏ đi và thay vào đó những ký tự đồng âm với từ cần dùng. Chẳng hạn, what's up = wozup (chuyện gì xảy ra vậy?), b4 = before,sk8board = skate board (ván trượt), en = ăn, thik= thích…
Không chỉ để giải tríCô giáo Nguyễn Thị Như Hương – giáo viên dạy Văn trường THPT Phạm Hồng Thái (Q.Ba Đình) tỏ ra rất lo ngại khi cho rằng: vì quá lạm dụng ngôn ngữ chat mà các học sinh mang theo chúng vào bài làm văn khiến giáo viên đôi khi đọc không hiểu gì cả.
Không chỉ trong những bài kiểm tra thông thường, ngay cả trong kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp THPT vẫn có những học sinh sử dụng tiếng lóng trong bài thi của mình. Những từ lóng xuất hiện rất nhiều như “ah” (à), ko (không), of (của), at (với), bít (biết), thik (thích), bih(bây giờ), wa (quá), j (gì), thía (thế)…
Một chuyên gia ngôn ngữ học là tiến sĩ Hoàng Anh – Học viện Báo chí Tuyên truyền – nhận định: việc lạm dụng ngôn ngữ tiếng lóng này quả là một điều nguy hiểm một khi thứ tiếng “lai căng” này được đưa vào các ngôn ngữ chính thức như một thói quen vô thức của các bạn trẻ.
Nhiều giáo viên và phụ huynh cũng đã lên tiếng cảnh báo: một số tờ báo, bộ phim dành cho tuổi mới lớn phát trên truyền hình hiện nay để thu hút sự chú ý của giới trẻ cũng đã sử dụng toàn tiếng lóng. Thế nên, các em càng được “cổ súy” cho trào lưu này.
Điều đáng nói là thứ ngôn ngữ này đang trở thành trào lưu mạnh mẽ đến nỗi nếu học sinh nào không sử dụng nó thì lập tức bị coi là lỗi thời, không sành điệu.
(Theo Thanh Niên)


III/ Từ điển tiếng lóng
Hiện nay trong các tiệm sách đều có bán các loại từ điển tiếng lóng cả Việt lẫn Anh còn trên mạng thì có trang trên. Cái "hấp dẫn" và "lợi thế" của từ điển mạng là cập nhật từ mới thường xuyên và ai cũng có thể "sáng chế" "sưu tầm" từ mới để góp vào đây. Không ít từ thô tục hoặc có cách giải nghĩa tùy tiện, ví dụ:
Nước nôi đầy đủ = Chỉ người phụ nữ cân đối nở nang.
Núp gió = che chắn cho bản thân trước ngoại cảnh, trốn sự việc trước mắt
Dính nhau như cứt với đít = (thành ngữ) Chỉ sự gắn bó, thân thiết của 2 (hay nhiều) người, thường là bạn bè. Đi đâu, làm gì cũng có nhau.
Thoai thì tiếng lóng đã là thành phần ngôn ngữ hẽm thể thiếu trong cuộc sống, ai thik thì sử dụng; hẽm thik thì thui, bạn nhể!
Tuy nhiên không thể nói "tiếng lóng" góp phần làm tiếng Việt phong phú - giàu đẹp mà có khi là ngược lại.

13 nhận xét:

  1. Giới trẻ giờ đây dùng ngôn ngữ rất bừa bãi. mất hết cả vốn liếng hay ho của tiếng việt

    Trả lờiXóa
  2. Giờ nhận tin nhắn của mấy em 9x mà ko có phiên dịch coi như mù tịt

    Trả lờiXóa
  3. Ngôn ngữ giờ sành điệu lắm. Ko theo kịp được bọn trẻ đâu

    Trả lờiXóa
  4. Chẳng có ai hướng dẫn cho giới trẻ thì càng ngày bản sắc dân tộc càng mất đi thôi

    Trả lờiXóa
  5. tiếng việt không dấu bây giờ thêm cả tiếng lóng.có thể gọi là đa bản sắc nhưng cũng gọi là mất dần truyền thống

    Trả lờiXóa
  6. Đúng là phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt nam

    Trả lờiXóa
  7. Đúng là ngôn ngữ của giới trẻ, rất phong phú và đa dạng

    Trả lờiXóa
  8. Mấy câu thành ngữ của giới trẻ nghe mà thấy bá đạo vãi

    Trả lờiXóa
  9. Cẩn thận mất hết cả truyền thống ngữ pháp của dân tộc Việt nam

    Trả lờiXóa
  10. Đa dạng ngôn ngữ như thế này là mất dần truyền thống đó.

    Trả lờiXóa
  11. Tuy nhiên không thể nói "tiếng lóng" góp phần làm tiếng Việt phong phú - giàu đẹp mà có khi là ngược lại.

    Trả lờiXóa
  12. Những ngôn từ đó làm mất vẻ đẹp và trong sáng của tiếng việt

    Trả lờiXóa
  13. Nặc danh20:52 8/4/14

    Kệ cụ chúng nó

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog