Chia sẻ

Tre Làng

Tín ngưỡng phồn thực


GS-TS Trần Ngọc Thêm
Cơ sở văn hóa Việt Nam, TP.HCM, 1996


Hình ảnh linga và yôni trên các tháp Chàm (hoặc trong bảo tàng) có lẽ đã quá quen thuộc với chúng ta, nên New Age xin mượn một số hình ảnh về các phù điêu, tượng chạm trổ trên ngôi đềnKajuharo - Ấn Độ để minh họa cho bài này.
Ngay từ đầu, duy trì và phát triển sự sống đã là một nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Đối với văn hóa nông nghiệp, hai việc này lại càng bội phần hệ trọng. Để duy trì cuộc sống, cần cho mùa màng tươi tốt. Để phát triển sự sống, cần cho con người sinh sôi. Hai hình thức sản xuất lúa gạo để duy trì cuộc sống và sản xuất con người để kế tục dòng giống này có bản chất giống nhau. Đó là sự kết hợp của hai yếu tố khác loại (đất và trời, mẹ và cha).
Từ một thực tiễn chung này, tư duy cư dân nông nghiệp Nam-á đã phát triển theo hai hướng : những trí tuệ sắc sảo đi tìm quy luật khoa học để lí giải hiện thực và họ xây dựng được triết lí âm dương; những trí tuệ bình dân nhìn thấy ở thực tiễn đó một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà sùng bái nó như thần thánh, kết quả là xuất hiện tín ngưỡng phồn thực (phồn = nhiều, thực = nảy nở). ở Việt Nam, tín ngưỡng phồn thực từng tồn tại suốt chiều dài lịch sử, và có tới hai dạng biểu hiện : thờ cơ quan sinh dục nam nữ và thờ bản thân hành vi giao phối.

Việc thờ cơ quan sinh dục nam nữ được gọi là thờ sinh thực khí (sinh = đẻ, thực = nảy nở, khí = công cụ). Đây là hình thái đơn giản của tín ngưỡng phồn thực, nó phổ biến ở các nền văn hóa nông nghiệp trên thế giới.

Hình nam nữ với bộ phận sinh dục phóng đại được tìm thấy ở tượng đá với niên đại hàng nghìn năm tr.CN ở Văn Điển (Hà Nội), ở những khắc trên đá trong thùng lũng Sa-pa. Trong việc trang trí nhà mồ Tây Nguyên thì tượng nam nữ với bộ phận sinh dục phóng to thường xuyên có mặt.

ở Hà Tĩnh và nhiều địa phương có tục thờ cúng nõ nường (nõ= cái nêm, tượng trưng cho sinh thực khí nam; nường= nang, mo nang, tượng trưng cho sinh thực khí nữ ). ở hội làng Đồng Kị (Hà Bắc) có tục rước sinh thực khí (làm bằng gỗ) vào ngày 6 tháng giêng; tan hội hai sinh thực khí được đốt đi và tro được đem chia cho mọi người mang ra rắc ngoài ruộng - hành động này có tác dụng như một ma thuật truyền sinh cho mùa màng. Theo các cụ thì năm nào bỏ qua tục này, trong làng sẽ có nhiều chuyện không lành xảy ra. Nhiều địa phương ở Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hà Sơn Bình, trước đây vào dịp hội làng, người ta rước tới 18 bộ sinh thực khí và khi đám rước kết thúc, mọi người tranh cướp nhau những vật này vì tin rằng nó đern lại may mắn, no đủ cho cả năm.

Việc thờ sinh thực khí còn thể hiện ở việc thờ các loại cột (cột đá tự nhiên hoặc cột đá được tạc ra, có thể có khắc chữ dựng trước cổng đền miếu, đình chùa) và các loại hốc (hốc cây, hốc đá trong các hang động, các kẽ nứt trên dá). ở chùa Dạm (Hà Bắc) có một cột đá hình sinh thực khí nam có khắc nổi hình cặp rồng trời Lí. Ngư phủ ở sở đầm Hòn Đỏ (Khánh Hòa) có tục thờ một kẽ nứt lớn trên một tảng đá mà dân gian gọi là Lỗ Lường (một biến âm của tên gọi sinh thực khí nữ), vị nữ thần ngự ở đây là Bà Lường.

Bên cạnh việc thờ sinh thực khí (= yếu tố) giống như nhiều dân tộc nông nghiệp khác, cư dân nông nghiệp lúa nước với lối tư duy chú trọng tới quan hệ còn có tục thờ hành vi giao phối, tạo nên một dạng tín ngưỡng phồn thực độc đáo, đặc biệt phổ biến ở khu vực Đông Nam á.

Trên nắp thạp đồng tìm được ở Đào Thịnh (Yên Bái, niên đại 500 năm tr.CN), xung quanh hình mặt trời với các tia sáng là tượng 4 đôi nam nữ đang giao hợp. ở thân thạp khắc chìm hình những con thuyền, chiếc sau nối đuôi chiếc trước khiến cho hai con cá sấu - rồng được gắn ở mũi và lái của hai chiếc thuyền chạm vào nhau trong tư thế giao hoan. Hình chim, thú, cóc,... giao phối tìm thấy ở khắp nơi. Nếu lưu ý rằng cóc tượng trưng cho việc cầu mưa, cầu mùa thì ý nghĩa phồn thực của loại tượng cóc giao phối lại càng rõ nét.
Vào dịp hội đền Hùng, ở vùng đất tổ lưu truyền điệu múa "tùng dí" : thanh niên nam nữ múa từng đôi cầm trong tay những vật biểu trưng cho sinh thực khí nam và nữ. ở sở đầm Hòn Đỏ (Khánh Hòa) vừa nhắc đến, khi nhiều ngày liên tục không đánh được cá, đích thân người cầm đầu Sở phải tới cầu xin, lạy 3 lạy và cầm vật tượng trưng cho sinh thực khí nam đâm vào Lỗ Lường 3 lần (lại con số 3, số lẻ là số ưa thích của người phương Nam ! ).

Ở vùng La Sơn, La Cả (Hà Sơn Bình) trước dây có tục khi rã hội (tan đám), vị bô lão chủ trì chậm rãi đánh 3 hồi trống, rồi đến 3 hồi chiêng, và trong khoảng thời gian đó, đèn đuốc được tắt hết, mọi điều cấm kị được lâm thời huỷ bỏ, thanh niên nam nữ được tự do. ý nghĩa của tục này là ở chỗ sự hợp thân tự nhiên của nam nữ trên đất cỏ được xem như một hành động mang tính cách ma thuật, có tác dụng kích động nhắc nhở thiên nhiên, đất trời (giống nh¬ việc rắc tro đốt từ các hình sinh thực khí ra ruộng).

Từ thời xa xưa, chày và cối - bộ công cụ thiết thân của người nông nghiệp Đông Nam á - đã là những vật tượng trưng cho sinh thực khí nam và nữ, còn việc giã gạo là tượng trưng cho hành động giao phối. Không phải ngẫu nhiên mà trong vô vàn cách khác nhau được tách vỏ trấu khỏi hạt gạo người Đông Nam á đã chọn cách này; trên các trống đồng khắc rất nhiều những hình nam nữ giã gạo từng đôi.

Không gắn việc giã gạo với tín ngưỡng phồn thực, sẽ không thể nào hiểu được tục "gĩa cối đón dâu" : nhà trai bày chày cối trước cổng, khi dâu về đến nơi thì người nhà trai cầm chày mà giã không vào cối mấy tiếng.đó là nghi lễ cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ được đông con nhiều cháu không hiểu được tại sao ở các làng quê xưa rất phổ biến tục nam nữ vừa giã cối (rỗng) vừa hát giao duyên - ngoài chức năng phụ là làm nhịp đệm việc giã cối thể hiện ước mong trai gái sẽ thành lứa đôi và sinh con đẻ cái. Cũng sẽ không hiểu được trò cướp cầu - một trò chơi Việt Nam rất độc đáo đặc biệt phổ biến ở vùng đất tổ Phong Châu (Vĩnh Phú) và các khu vực xung quanh : Hai phe tranh nhau một quả cầu màu đỏ (dương), ai cướp được thì mang về thả vào hố (âm) của bên mình. Với cùng ước mong phồn thực, cầu may, cầu hạnh phúc là hàng loạt trò chơi như tung còn, ném cầu, đánh phết. đánh đáo....

Vai trò của tín ngưỡng phồn thực trong đời sống của người Việt cổ lớn tới mức chiếc trống đồng - biểu tượng sức mạnh, biểu tượng quyền lực.... của người xưa - đồng thời cũng là biểu tượng toàn diện của tín ngưỡng phồn thực : Trước hết, cách đánh trống đồng theo lối cầm chày dài mà đâm lên mặt trống được khắc trên chính các trống đồng và còn được bảo lưu ở người Mường hiện nay là mô phỏng động tác giã gạo - động tác giao phối. Trên tâm mặt trống là hình mặt trời với những tia sáng biểu trưng cho sinh thực khí nam, và giữa các tia sáng là một hình lá với khe ở giữa biểu trưng cho sinh thực khí nữ. Xung quanh mặt trống thường gắn các tượng cóc - con cóc trong ý thức của người Việt là "cậu ông trời", mang theo mưa, khiến cho mùa màng tốt tươi, cũng là một dạng biểu trưng của tín ngưỡng phồn thực. Cuối cùng, tiếng trống đồng rền vang mô phỏng âm thanh của tiếng sấm - cùng mang ý nghĩa trên.

Ngay cả những hiện tượng tưởng chừng rất xa xôi như chùa Một Cột (dương) trong cái hồ vuông (âm), tháp Bút (dương) và đài Nghiên (âm) ở cổng đền Ngọc Sơn (Hà Nội), cửa sổ tròn (dương) trên gác Khuê Văn (tượng trưng cho sao Khuê) soi mình xuống hồ vuông (âm) Thiên Quang Tỉnh trong Văn Miếu,.v..v., cũng đều liên quan tới tín ngưỡng phồn thực. Cũng không phải ngẫu nhiên mà ở các nơi thờ cúng thường gặp thờ ở bên trái là cái mõ và bên phải là cái chuông : Sự việc đơn giản này là biểu hiện của cả lí luận Ngũ hành lẫn tín ngưỡng phồn thực - cái mõ làm bằng gỗ (hành Mộc) đặt ở bên trái (phương Đông) là dương, cái chuông làm bằng đồng (hành Kim) đặt ở bên phải (phương Tây) là âm. Tiếng mõ trầm phải hòa với tiếng chuông thanh nếu không có nam nữ, âm dương hòa hợp thì làm sao mà có cuộc sống vĩnh hằng được. Tín ngưỡng phồn thực đôi khi thâm nhập vào cả chốn cung đình : Theo Việt sử thông giám cương mục trong yến tiệc do vua Trần Thái Tông đãi quần thần năm 1252, đứng chỉ huy hiệu lệnh uống rượu là một người đầu đội mo nang, tay cầm dùi đục !

6 nhận xét:

  1. văn hóa TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC thật là đặc sắc

    Trả lờiXóa
  2. Hôm trước đi bảo tàng dân tộc học cũng thấy vài cái hay hay như thế này

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh19:12 6/10/12

    Bạn Xinh thấy hay k?

    Trả lờiXóa
  4. mình bắt đầu thích văn hóa phồn thực!

    Trả lờiXóa
  5. Ở nhiều nước nó công khai cái này lắm, khà khà, Lên mạng search cái công viên tình yêu bên xứ Hàn mà xem =))

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog