KS. PHAN DUY KHA
Ai về qua huyện Đông Anh
Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương
Cổ Loa thành ốc khác thường
Ngàn năm dấu tích chiến trường còn đây.
(Cao dao)
Theo truyền thuyết, vào cuối thời Hùng Vương, Thục Phán, thủ lĩnh của bộ lạc Nam Cương mấy lần đem quân xâm lấn Văn Lang nhưng đều bị quân của Hùng Duệ Vương mà tướng tổng chỉ huy là Tản Viên Sơn Thánh đánh bại. Nhưng vì Hùng Duệ Vương không có con trai nối ngôi nên theo kế của Tản Viên, để tránh một cuộc binh đao loạn lạc cho đất nước, Hùng Duệ Vương đã nhường ngôi cho Thục Phán (ở đây truyền thuyết có sự mâu thuẫn: đã đánh thắng sao lại còn cầu hòa, nhường ngôi?). Sau đó, Thục Phán đã lập cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh mà thề rằng: “Đời đời gìn giữ non sông miếu vũ của họ Hùng, nếu sai lời thề sẽ bị trăng vùi gió dập…”. Sự thật, chúng ta đã làm sáng tỏ là không có sự kiện nhường ngôi, mà chính Thục Phán đã tấn công vào kinh đô Văn Lang, bắt toàn bộ tông tộc của Hùng Duệ Vương đem về giết chết tại một địa điểm thuộc núi Sài, gần Loa Thành (sự kiện này đã được đề cập trong bài Thử vén màn huyền thoại An Dương Vương – TVMHTADV – TGM số 156).
Gần đây, theo một tài liệu khảo cứu mới được công bố của nhóm Hoài Việt, chúng ta có thể nêu tóm tất sự kiện đánh chiếm Văn Lang và niên biểu của triều đại An Dương Vương như sau:
- Năm 316 trước Công nguyên (TCN): tướng Tần là Tư Mã Thác diệt nước Thục.
- Năm 315 TCN: các quan tướng triều Thục thoát chết, lưu vong, có đem theo một thứ phi đang có mang, qua đất Sở (Hồ Nam) bị Sở đánh, lại men theo sông Tường Kha xuống phía Nam đến nước Tây Âu. Bà phi sinh con trai là Thục Chế, sử gọi là Thục Vương tử.
- Năm 313 TCN: nước Tây Âu cho triều đình “Thục lưu vong” này trú tại bộ Nam Cương miền Nam nước Tây Âu, ở vào khoảng Hòa An, Cao Bằng ngày nay.
- Năm 282 TCN: Thục Chế trở thành tù trưởng của bộ lạc Nam Cương và đã thu phục được một số bộ lạc lân cận (thành liên minh bộ lạc). Thục Chế sinh con là Thục Phán (Thục Vương Tôn).
- Năm 261 TCN: Thục Chế chết.
- Năm 259 TCN: Thục Phán đem quân chia làm ba đường đánh vào kinh đô Văn Lang, bắt được Hùng Duệ Vương đem giết.
- Năm 258 TCN: Thục Phán lên ngôi là An Dương Vương, đặt tên nước là Âu Lạc, xây thành Cổ Loa (thành ốc).
- Năm 240 TCN: sau 18 năm, hoàn thành việc xây thành Cổ Loa.
- Năm 222 – 210 TCN: Triệu Đà mở những cuộc hành quân thăm dò (đánh vào Âu Lạc) nhưng thất bại.
- Năm 210 TCN: Triệu Đà dùng kế, cho con là Trọng Thủy sang gửi rể để ly gián, mua chuộc và thăm dò các bí mật về hệ thống phòng thủ ở Cổ Loa thành.
- Năm 207 TCN: Trọng Thủy trở về báo với Triệu Đà, sau đó, cầm đầu một đạo quân tiến qua bộ Vũ Ninh đánh vào phía Bắc Cổ Loa. Cuộc chiến không kéo dài vì Trọng Thủy đã nắm được hệ thống phòng thủ và mua chuộc được quan tướng của Thục Phán làm nội ứng Thục An Dương Vương chỉ kịp đem vợ con và một số tướng thân cận xuống một chiếc thuyền nhẹ, qua cửa Nam, ra sông Hồng chạy về phía Nam….
(Ngược dòng lịch sử-Hoài Việt-NXB Văn hóa Dân tộc-1998-Trang 19-198).
Như vậy, Thục Phán không phải là người Việt, mà chính là ngoại tộc, đem quân “xâm chiếm” đất đai của Văn Lang. Đã là “xâm chiếm”, “chinh phục” tất nhiên sẽ bị dân bản địa chống lại. Các cuộc kháng chiến chống lại quân Thục của con cháu vua Hùng diễn ra trên một quy mô lớn mà chúng tôi đã phân tích, dẫn chứng trong bài TVMHTADV. Ở đây, chúng ta thử phân tích những hành động chống lại An Dương Vương của nhân dân Văn Lang, ngay trên mảnh đất mà Thục Phán chọn để đóng đô, đó là đất Cổ Loa. Nguyên xưa, đây là một khu dân cư, An Dương Vương đã đuổi dân lấy đất để xây đắp thành. Truyền thuyết kể lại rằng: khu đất chọn để đắp thành là một quả đồi rắn như đá. Hàng vạn nhân công hì hục làm việc hết ngày nọ đến ngày kia rất gian khổ. Thế nhưng, chỉ qua một đêm, cả bức tường thành quanh co đều bị sập xuống như đất bằng. Vua hỏi những người dân ở gần thì họ kể: “Đang đêm, họ nằm nghe những bước chân rầm rập từ khắp các ngả kéo đến. Những tiếng xì xào, bàn tán như có cuộc họp kín của hàng nghìn người. Họ sợ quá không dám ra xem. Được một lúc lâu, họ lại nghe những tiếng huỳnh huỵch, tiếp đến những tiếng đổ ầm ầm như sấm dậy…”. Truyền thuyết cho rằng đây là linh hồn của những người bị vua Thục giết, oan khuất không tan, nay họp lại để phá công việc xây thành của vua Thục. Thực ra, có thể hiểu đây chính là những nghĩa quân Văn Lang nổi dậy. Chính họ đã tụ họp nhau lại, tại một địa điểm cách thành không xa, đêm đêm bí mật kéo đến phá thành, quyết không cho vua Thục xây thành trên đất của mình. Tất nhiên, đã là nghĩa quân thì phải hoạt động lén lút ban đêm, rồi dân phu và dân địa phương phao lên là ma quỷ, có ý dọa vua Thục.
Truyền thuyết cũng kể về một con gà trắng thành tinh có phép biến hóa. Chính con gà trắng này chi huy đội quân phá thành. Con gà trắng thành tinh đó có thể hiểu là vị chỉ huy bộ tộc, là linh hồn của nghĩa quân chống lại vua Thục. Cũng từ hình tượng con gà trắng mà ta có thể suy luận ra đây là bộ tộc Gà (lấy gà trống làm vật tổ – tô tem, ngày nay thành nội Cổ Loa vẫn còn một xóm mang tên Xóm Gà!). Có thể, họ lấy lông gà trống cắm lên mũ để phân biệt với các bộ tộc khác. Trên những hình khắc trên các mặt trống đồng, ta thường thấy mô tả những cư dân đầu đội mũ gắn lông chim (hoặc lông gà) để nhảy múa. Như vậy thì lông chim, lông gà là một vật trang sức và mang tính tín ngưỡng của bộ lạc!
Truyền thuyết kể lại: “Con gà trắng đó có tiền duyên với con gái lão chủ quán nên hay hiện hình làm khách bộ hành, ghé vào nhà lão. Muốn đắp cho được thành, trước hết phải trừ tiệt giống yêu ma và giết đứa con gái cùng con gà trắng “của lão chủ quán”. Chi tiết này hoàn toàn hiện thực, không có gì là huyền bí cả. Chính người chỉ huy của đội quân chống lại Thục Phán có quan hệ với con gái ông chủ quán. Gia đình ông chủ quán chính là trạm liên lạc của nghĩa quân. Cô con gái ông chủ quán chính là một đầu mối nội gián quan trọng. Nếu theo cách diễn đạt của chúng ta ngày này thì chi tiết trên sẽ là: “Người chỉ huy nghĩa quân thường cải trang làm dân thường, đến gặp cô con gái chủ quán để lấy tin tức”. Chính vì thế mà khi người chỉ huy này bị giết thì cô con gái chủ quán cũng chết (có thể bị giết chết hoặc là tự tử?). Truyền thuyết cũng kể về chi tiết khi quân của An Dương Vương đuổi theo đám “yêu quái” (sau khi đã điều tra cụ thể) đến núi Thất Diệu thì “yêu khí” tan (Thực chất là đã đánh được vào bộ chỉ huy nghĩa quân và dẹp tan cuộc nổi loạn). Quân lính của An Dương Vương đào được rất nhiều hài cốt và nhạc khí cổ, đem chất thành đống đốt đi, tro than đổ xuống suối. Những hài cốt này là của Hùng Duệ Vương, các quan lại và các nhạc công triều Hùng bị An Dương Vương bắt được khi đánh vào kinh đô Văn Lang rồi đem về giết ở đây. Vua Thục đã cho thiêu những hài cốt này rồi đổ tro than xuống suối, với hai mục đích:
- Trấn yểm đối với linh hồn người chết, để cho tan mầm phản loạn (theo quan niệm xưa).
- Khủng bố và răn đe đối với người đang sống, để không ai dám nổi lên chống lại nữa. Đây là một biện pháp mà các triều đại sau này cũng có áp dụng, một khi giành được quyền lực (ví dụ như trường hợp Gia Long đối với nhà Tây Sơn!).
Thiết nghĩ, cách nhìn nhận, phân tích, soi sáng của chúng ta ngày nay đã góp phần làm sáng tỏ truyền thuyết “An Dương Vương xây thành Cổ Loa”. Ở đây chẳng có yêu tinh, ma quái nào cả mà chỉ có những người dân bất bình nổi lên chống lại triều đinh của An Dương Vương và sự trấn áp của vua Thục.
Nếu chúng ta so sánh truyền thuyết vua Hùng chọn đất đóng đô với việc An Dương Vương xây dựng kinh đô ở Cổ Loa, ta sẽ thấy thái độ của người dân đối với hai sự việc này khác hẳn nhau một trời một vực. Vua Hùng đã chọn rất nhiều địa điểm để đóng đô, đến đâu cũng được nhân dân ở đó hân hoan chào đón. Bởi vì, người dân coi vua Hùng là chủ, là vị thủ lĩnh của mình. Trái lại, An Dương Vương chỉ chọn một địa điểm là Cổ Loa mà quá trình xây thành lại bị nhân dân bản xứ ngấm ngầm chống lại, công việc kéo dài ngót 20 năm trời! Điều đó càng cho ta thấy gốc ngoại của vua Thục là có cơ sở. Rõ ràng, việc làm của vua Thục không hề được sự đồng tình của người dân địa phương, bởi người dân coi ông là ngoại tộc, không phải người chủ của mình.
Vua Thục chỉ có một người con gái là Mỵ Châu, cả hai cha con đều bị chết ở biển Mộ Dạ (Diễn Châu, Nghệ An), số quan lại, tướng tá người Thục đi theo ông sang đất Việt cũng không nhiều. Con số ít ỏi này “lọt thỏm” trong cộng đồng người Việt đông đúc. Trải hơn 2.000 năm, di duệ của họ đời sau bị đồng hóa thành người Việt. Đó là lý do vì sao trên địa bàn Cổ Loa ngày nay không còn dấu vết gì về nhân chủng, ngôn ngữ, phong tục tập quán… của người Thục. Chỉ còn lại một tòa thành kỳvỹ cho đời sau chiêm ngưỡng và câu chuyện truyền kỳ về Thành Ốc – Nỏ Rùa -Lông Ngỗng.
* Nguồn: NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.
Qua thời gian với những suy luận có logic và khoa học "có thể" ta đã làm rõ thêm nhiều vấn đề của lịch sử ! Là người yêu thích lịch sử nên Hoàng Đức cũng hay quan tâm tới những vấn đề như vậy cảm ơn tác giả rất nhiều !
Trả lờiXóaGiờ mới được biết sự thật này!
Trả lờiXóalịch sủ xa xưa giờ mới biết.tưởng rằng đó là truyền thuyết
Trả lờiXóathì cái này là truyền thuyết mà.mình chẵng tin mấy cái này lém.ảo!!
Trả lờiXóa