Chia sẻ

Tre Làng

BỔN PHẬN

Thời buổi này có quá nhiều những chuyện thị phi về chuyện háo danh, thèm tiền của con người, nhiều quan chức tham nhũng đến độ quên cả bổn phận làm “công bộc”, người với người đo đếm phẩm hạnh, quan hệ, tình thân qua đồng tiền…nhiều đến mức khiến con người mất lòng tin vào sự tốt đẹp, vào cái thiện lương nơi con người.

Những chuyện thời sự về những người nông dân mất đất đến mức bị bần cùng hoá khiến ai biết nghĩ đều thấy buốt nhói. Những thua lỗ, lãng phí ở các DNNN lên đến hàng ngàn tỷ, tỷ đồng bằng tiền thuế của dân, tiền vay nước ngoài tới đáng lo ngại làm người dân chơi vơi vì lòng tin lung lay…

Nhưng chỉ cần một hành động bé nhỏ của một học trò nhỏ bé ở đất nước xa chúng ta nửa ngày mặt trời mọc, dường như rọi vào sự tuyệt vọng, bi quan trong lòng người bây giờ.

Hoá ra cuộc đời vẫn còn những điểm sáng lung linh. Cô bé thắp lên ngọn nến lung linh đó có tên là Diane Trần. Cô mang dòng máu Việt.

Cô được dạy dỗ bởi nền văn hóa, giáo dục không phải chỉ để thi cử, phấn đấu cho những tham vọng, kiếm tiền, một chỗ làm tốt…Cô được dạy dỗ về ý thức bổn phận của một con người có nhân cách.

Cha mẹ cô không đủ tình yêu, không đủ bổn phận làm cha mẹ để lo cho con cái mình. Họ chia tay nhau, cô bé ở với cha. Vì nghèo (hay vì lý do nào khác?), cha cô cũng không thể lo cho con cái nên cô phải đi làm thêm có tiền phụ cho anh trai và đứa em yên tâm học.

Cô cúp cua, chạy việc cho hai nơi, có khi làm thâu đêm, trở về nhà làm bài tập đến tận 7 giờ sáng, quá mệt mỏi nên học hành bê trễ…

Cô có ý thức việc làm của mình không? Chắc chắn là có. Vì thế, cô cố gắng bù đắp bằng việc học thật giỏi. Và cô luôn đứng top đầu trong lớp, nhận điểm A cho các môn học.

Nhưng cuộc sống của cô và anh em cô không chỉ có học mà họ cần phải sống. Họ cần tiền.

Nếu tình yêu của cha mẹ cô không đủ lớn để làm tròn bổn phận cho con cái, thì tình yêu của cô bé đủ lớn để cô chấp nhận hy sinh một phần bổn phận học trò vì người thân.

Bổn phận của cô là phải học. Bổn phận này đã trở thành luật ghi trong luật pháp của bang nơi cô sinh sống.

Vì cô bỏ học nhiều hơn số buổi theo qui định nên cô bị toà án gọi ra chất vấn và kết án giam 24 giờ, phạt 100$. Cô bé đã khóc giữa toà án. Giọt nước mắt đau khổ và chấp nhận vì đã không làm tròn bổn phận của mình.

Cả nước Mỹ xôn xao về sự kiện này. Cộng đồng người Việt ở Mỹ kí tên thỉnh nguyện thư đề nghị xem xét lại vụ án của Diane.

Tình yêu của con người đủ lớn để thấu hiểu hoàn cảnh cô bé đang phải gánh chịu. Vì họ hiểu, ý thức trách nhiệm xã hội và thực thi nghĩa vụ con người đó chính là bản chất của con người nhân cách.

Dù nghỉ học, Diane vẫn cố gắng làm tốt trách nhiệm học tập với thành tích cao. Và với nghĩa vụ làm con, làm em, làm chị trong gia đình, cô đã dâng hiến tình yêu, nỗ lực của mình.

Không phải lúc nào các bổn phận cũng hài hoà được với nhau, vì một xã hội dù tiến bộ đến đâu thì không thể có thứ công lý tuyệt đối. Diane có thể vi phạm trách nhiệm học trò, nhưng với nghĩa vụ con người, cô đã hoàn thành xuất sắc.

Toà án, dù đã kết án nhưng vẫn lắng nghe dư luận dành tình yêu cho Diane, cả lời đề nghị tha thiết xem xét lại bản án, nên cuối cùng cũng thấu hiểu hoàn cảnh của Diane để xoá bản án cho cô.

Toà án đã làm tròn bổn phận của họ, kể cả khi kết án hay xóa án. Diane đã nở nụ cười. Nụ cười của em thật đẹp.

Trong lý lịch của em sẽ không có tiền án bỏ học. Một lý lịch trong sạch như bất cứ cô cậu học trò ngoan nào. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đời người, Diane đã trải qua cung bậc của rất nhiều cảm xúc: làm tròn bổn phận với người thân, kẻ vi phạm bổn phận học trò, người vừa được tha bổng vì phạm pháp…

Và, Diane đã thực hiện một hành vi cao thượng sau khi vụ án khép lại: từ chối số tiền gần 100.000$ mà mọi người quên góp, giúp em vượt qua khó khăn với suy nghĩ: “nhiều người còn khó khăn hơn em”.

Và, cuối cùng em đã làm tròn bổn phận của một nhân cách lớn, mạnh mẽ. Như câu nói của triết gia Kant: “Chúng ta không đến với thế gian để tìm hạnh phúc, chúng ta đến để làm bổn phận”.

Diễn giải câu nói này, nhà văn hàng đầu Libya Ibrahim Al-Koni viết như sau: “Nếu như chỉ tìm hạnh phúc mà không hoàn tất bổn phận là điều khốn nạn, vậy thì hy sinh hạnh phúc để chu toàn bổn phận của mình là cực điểm hạnh phúc”.

Chỉ có bổn phận mới giúp người ta sống đức hạnh. Và đức hạnh giúp người ta làm tròn bổn phận.

Nhân đây khiến tôi nhớ lại câu chuyện trong phòng xử án đã lưu truyền trên mạng. Dù có thật hay không cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm: chúng ta đều là nguyên nhân của bất cứ hiện tượng nào trong xã hội nơi chúng ta đang sống và phải có trách nhiệm với hệ quả của nó. Chuyện là thế này…

Trong phòng xử án, chủ tọa trầm ngâm suy nghĩ trước những cáo buộc của các công tố viên với một cụ bà vì tội ăn cắp. Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu rupiah.

Lời bào chữa của bà là phải đi ăn cắp vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bệnh, đứa cháu suy dinh dưỡng vì đói. Nhưng ông chủ quản lý khu vườn sắn nói, bà ta cần phải bị xử tội nghiêm minh như những người khác.

Chỉ có bổn phận mới giúp người ta sống đức hạnh.

Thẩm phán thở dài và nói: “Xin lỗi, thưa bà...-Ông ngưng giây lát, nhìn ngắm bà cụ đói khổ - Nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của pháp luật nên phải xử nghiêm minh. Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu rupiah cho chủ vườn sắn. Nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù 2, 5 năm”.

Bà cụ run rẩy, rướm nước mắt. Nếu bà đi tù thì con cháu ở nhà ai chăm lo? Thế rồi ông thẩm phán nói tiếp: “Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên toàn này 50.000 rupiah vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật”.

Nói xong ông cởi mũ của mình ra và đưa cho cô thư ký: “Cô hãy cầm mũ này đi khắp phòng và thu tiền đưa cho bị cáo”. Cuối cùng, bà cụ nhận được 3,5 triệu rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 rupiah của các công tố buộc tội bà. Một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu rupiah tiền bồi thường.

Bà lão run run vì vui sướng. Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên toà trong hạnh phúc của tất cả mọi người. Đây là một phiên tòa xử nghiêm minh và cảm động nhất có thể có được.

Chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh chúng ta. Vị thẩm phán đã không chỉ dùng luật pháp mà còn dùng cả trái tim để phán xét.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh chúng ta. Vị thẩm phán đã không chỉ dùng luật pháp mà còn dùng cả trái tim để phán xét.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog