Chia sẻ

Tre Làng

CAMPUCHIA ĐANG MUỐN CHÔN VÙI CHỦ ĐỀ BIỂN ĐÔNG TẠI HỘI NGHỊ ĐÔNG Á


Đã có những cuộc “va chạm căng thẳng” bằng lời nói giữa Thủ tướng Campuchia với Tổng thống Philippines và Thủ tướng Nhật Bản về vấn đề Biển Đông ngay trước khi Hội nghị thượng đỉnh Đông Á còn chưa khai mạc.



Hôm 19/11, trong cuộc họp báo ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Đông Á sẽ khai mạc vào ngày mai (20/11), Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã khẳng định những bất ổn ở khu vực Biển Đông sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của cả châu Á.

Tuyên bố này của ông Yoshihiko Noda được cho là để phản pháo lại ý đồ muốn “dìm” vấn đề Biển Đông khỏi bàn hội nghị sắp tới của nước chủ nhà Campuchia.

“Thủ tướng Noda đã nêu bật vấn đề Biển Đông và khẳng định rằng đây là vấn đề chung nhận được sự lo ngại của cả cộng đồng quốc tế. Biển Đông là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định của cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, thông cáo của chính phủ Nhật Bản phát đi ngay sau cuộc gặp của ông Noda với lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN, cho biết.

Đáng chú ý, hôm 18/11 vừa qua, ông Kao Kim Hourn – một quan chức ngoại giao của nước chủ nhà Campuchia đã tuyên bố rằng “lãnh đạo của các quốc gia ASEAN đã quyết định kể từ nay trở đi, ASEAN sẽ không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông”.

Ngay lập tức, tuyên bố này đã bị Tổng thống Philippines Benigno Aquino phản đối mạnh mẽ. Ông Benigno Aquino cũng khẳng định ASEAN chưa bao giờ có một thỏa thuận nào như thế. Sự căng thẳng đã lên đến mức đỉnh điểm khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen đang chuẩn bị phát biểu kết luận cuộc gặp của lãnh đạo các quốc gia ASEAN với ông Noda, Tổng thống Philippines đã giơ tay, ngắt lời ông Hun Sen và lên tiếng phản đối mạnh mẽ tuyên bố “mạo danh” vừa qua của phía chủ nhà Campuchia.

“Ngày hôm qua, đã có một số ý kiến kêu gọi sự đồng thuận của ASEAN nhưng chúng tôi không nghĩ rằng nó lại được “phiên dịch” thành một sự nhất trí kiểu như vậy. Các báo cáo cho thấy đó không phải là thứ chúng tôi cùng thấu hiểu. Lộ trình của ASEAN không phải là lộ trình của chúng tôi và với vấn đề chủ quyền, chúng tôi có quyền được bảo vệ lợi ích quốc gia của mình”, ông Tổng thống Philippines phát biểu.

“Lộ trình ngoại giao” mà phía Philippines nhắc đến chính là quan điểm cho phép Hoa Kỳ - đồng minh thân thiết nhất của họ - tham dự vào Biển Đông. Bấy lâu nay, phía Hoa Kỳ vẫn tuyên bố họ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo sự tự do hàng hải tại tuyến đường biển huyết mạch quốc tế đi qua Biển Đông.

Hôm 18/11, ASEAN đã đồng ý cùng chính thức đề nghị Trung Quốc tham gia vào các cuộc hội đàm để xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử chung (COC) nhằm làm giảm những nguy cơ dẫn đến đụng độ quân sự trên Biển Đông. Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã gọi đây là vấn đề cần phải được “hành động khẩn cấp”. Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm song phương với Campuchia vào tối hôm 18/11, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã khẳng định với ông Hun Sen rằng “vấn đề này không nên vội vàng”.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói, ông ta không thể nhớ được có phải ông Hun Sen đã đưa ra lời đề nghị đàm phán chính thức hay không.

"Cần phải có thời gian để Trung Quốc và ASEAN đàm phán về việc xây dựng COC", ông Tần Cương nói đồng thời nhắc lại tuyên bố của Campuchia rằng ASEAN đã “đạt được sự đồng thuận là sẽ không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông”.

Dự kiến, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ có cuộc hội đàm với các nguyên thủ quốc gia ASEAN trước khi cùng ông Ôn Gia Bảo tham dự hội nghị vào hôm thứ Ba (20/11).

Bên cạnh vấn đề Biển Đông, dự kiến vấn đề Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông cũng sẽ là một đề tài được nhắc đến tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần này.

Đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ quan điểm chỉ giải quyết vấn đề Senkaku thông qua các cuộc đối thoại song phương chứ không chấp nhận có sự tham dự của bên thứ ba. Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo “Mỹ nên tránh xa vấn đề Điếu Ngư”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog