Chia sẻ

Tre Làng

CÂU CHUYỆN CỦA CÁNH ĐỒNG

Nghe bà ngoại than ở quê người ta quy hoạch cánh đồng thành các khu công nghiệp, mở đường, cánh đồng nát bươm toàn khói, giá đất lên cao ngất. Chẳng ai thiết gieo trồng gì cứ nhăm nhăm chuyện bán đất, lao xầm xập vào các nhà máy đang cần nhân công.

Cánh đồng giờ buồn lắm. Vẫn bốn làng ôm ấp thảm xanh nhưng mặt nhà ai cũng lạnh nhạt quay ra phố. Ngày còn nhỏ, tôi ở với bà, lối đi học là con đường xuyên qua cánh đồng, gió bay rối tóc, mùi cỏ rạ, lúa ngô ướp vào lồng ngực, thơm lắm, nồng nàn lắm chỉ biết cảm nhận mà không sao tả được. Lúa khoai xanh gối nhau đan xen màu vàng mơ của đậu đỗ sắp đến ngày thu hoạch tạo nên bức hoạ đồng quê thanh thản, gần gũi. Hai bên đê hàng xoan rũ những chùm quả nho nhỏ cho lũ trẻ chọi nhau hoặc chơi ô quan.

Sau này người ta mở rộng trải nhựa con đường, hàng xoan bị hạ đi hết, hương cánh đồng vơi bớt. Đường phẳng lì, xe lăn nhanh không vướng cỏ nhưng lại vướng trong lòng tôi sự trơ trụi như thể ai đó vừa đánh cắp một điều gì quý giá lắm.Cánh đồng đâu chỉ là không gian lao động sinh hoạt của người nông dân mà là không gian của tuổi thơ, nơi cất giữ kí ức đẹp đẽ nhất của đời người.


Người ta đang ngủ quên trên phố đầy khói bụi, bán mua chen lấn và những đồng tiền mướt mồ hôi. Phố nhỏ, phố lớn, nửa phố nửa quê đang ăn mòn cánh đồng biến cánh đồng bao la nắng gió thành cổ tích. Lớn lên tôi về Miền Tây. Mấy mươi năm trước ở miền Tây này giữa lòng các thị xã còn bạt ngàn lau sậy, đước, mắm, dừa nước, ô rô hoang dại cùng đám choại bò miên man lấn cả nhà, cả phố. Đi xa hơn về các tuyến huyện những dãi rừng nhìn mỏi mắt, cánh đồng mênh mông cò bay mấy lần phải tìm chốn nghỉ. Những người đi mở đất bằng mồ hôi, máu và nước mắt của mình cũng không bao giờ trong ý nghĩ rừng sẽ mất, cánh đồng sẽ nhỏ dần, mảnh đất khát và lúa oằn lại úa vàng… Người nông dân say nắng trên mảnh ruộng của mình, chấp chới nhìn thấy cánh cò trắng phía xa rã cánh sa xuống ruộng, đầm lặng thinh không bóng tăm cá…

Cánh đồng miền Tây mơ ước của hàng ngàn di dân từ phía bắc với mơ ước lập nghiệp trên đồng đất “ cò bay thẳng cánh” với đồng lúa trĩu nhánh vàng óng ánh no tròn đầy hạt, niềm vui ngày “ Cúng cơm mới” râm ran lúa thay áo thành hạt gạo trắng ngần, thành chén cơm thơm ngát giờ đang run rẩy những ô, đầm vô tội vạ để nuôi tôm. Nước mặn tràn vào, lúa cô đơn hạt nhẹ bấc chỏng ngọng lên trời. Cánh đồng im lặng, những đôi tay mệt nhoài ôm cả bó lúa lớn chỉ có đôi ba ngọn nặng hạt…. 

Cánh đồng thở dài, lên thành phố thấy lúa thành cây kiểng. Chậu mạ, khay lúa đặt nơi bệ cửa, bàn làm việc hay trên lối đi của khách sạn, nhà hàng. Không hiểu sao thấy tội cho phận lúa muôn đời chung thuỷ vớinông dân được người thành phốlàm thứ mua vui. Tôi chạnh lòng thương cánh đồng Cửu Long Giang ngút ngàn, thương cả cánh đồng be bé của bà tôi bốn làng ôm ấp lấy, thương lời nhắc của mẹ “ Gạo là ngọc, ăn cẩn thận đừng để vãi, dẫm vào tội lắm”…

Ngày ấy chúng tôi cứ tưởng có tội là tội với ông thần Nông nhưng mẹ bảo “ Tội là tội với mồ hôi nước mắt của mình…”. Cánh đồng cưu mang cả đất nước những năm đói kém, đi ra chiến trường để bộ đội ta chắc bụng đáng giặc giỏi, nuôi những đứa trẻ tuổi măng non thành giáo sư, tiến sĩ… Dù giàu trí tưởng tượng đến mấy chắc những người nông dân rặt như bà, như mẹ tôi cũng chẳng thể biết có một ngày lúa thành cây kiểng mà người dùng lúa để trang trí đâu biết được rằng lúa phải mọc trên ruộng, trên đồng mới là lúa, lúa phải đi hết một vòng đời để cho hạt mới gọi là lúa chứ chẳng tội nghiệp, cô đơn như những cụm lúa đang được trưng làm đẹp cả đời không biết trổ đòng đòng.

Xót. Khi sân golf, nhà máy, khu chế xuất lấn cánh đồng. Nhưng vẫn hy vọng khi nghe thời sự đất nước mình còn xuất khẩu gạo… Nhưng ĐBSCL đang bị chia cắt thành những ô nhỏ hẹp. Đành rằng thiên nhiên cực kì sòng phẳng khi đổi cả vụ trồng cấy với cả triệu tấn lương thực để có mùa nước nổi nhưng ở ĐB Bắc Bộ và ĐB Trung Bộ đắp đê biển, đê sông, phù sa không bồi đắp, chưa mưa mặt ruộng trũng hơn cả mặt sông đã ngập thì ĐBCL liệu còn được mấy mùa nước nổi ôn hoà nếu cứ “thái nhỏ đồng bằng”?. Người ta đã nói, đã viết quá nhiều về sự hoán đổi của cây lúa – con tôm ở ĐBCL này. Cánh đồng đang nhỏ hẹp, chuyển màu, gia điệu xanh đang được thay bằng vuông, đầm bạc… Nông dân vẫn thiết tha với đồng ruộng của mình nhưng loay hoay theo nhiều chiều “dịch chuyển kinh tế”.

Đất giật mình trong cơn khát, những ô vuông kì dị hiện ra choáng hết cả cánh đồng, cột khói bạc, bụi đường xô bồ cong cớn phả lên thảm xanh, lúa oằn mình đổ gục, những ngôi nhà nửa quê nửa phố ngạo nghễ mọc lên… Cánh đồng ứa nước mắt bất lực. Đấy là trong giấc mơ đêm qua tôi gặp…

Nguyễn Thị Việt Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog