Đào Tuấn
Các nhà giáo, ngoài nỗi khổ bị buộc phải “thanh bạch và cao quý” với đồng lương chết đói, còn bị làm nhục khi bị “bắt quả tang như bắt trộm”, bị “cúi mặt ký biên bản như gái bán dâm ngay trước mắt học sinh của mình”.
Rất nhiều lời lẽ tốt đẹp đã được dành tặng cho các nhà giáo vùng sâu trog một lễ tuyên dương hoành tráng được tổ chức hôm qua tại Thủ đô Hà Nội. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gọi họ là “những người hy sinh thầm lặng”, là “một tấm gương tiêu biểu”, “một bông hoa không bao giờ tàn”, là “không có các cô thì không có nền giáo dục”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bổ sung thêm “mỗi thầy cô là một chiến sĩ của Đảng”. 128 chiếc…bằng khen sau đó đã được trao. Thậm chí, câu chuyện “tôn vinh cái ghế trống” hôm qua cũng đã xuất hiện khi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã gửi lời cảm ơn và chúc mừng tốt đẹp nhất tới cô giáo Bùi Thị Nhung, giáo viên đang dạy lớp ghép từ lớp 1 đến lớp 5 tại đảo huyện đảo Trường Sa – tỉnh Khánh Hòa, do khó khăn trong điều kiện đi lại, đã không thể có mặt tại Lễ tuyên dương.
Tất nhiên, theo website Chính phủ, sau đó, “Phó Thủ tướng khẳng định trong thời gian tới Chính phủ sẽ dành những nguồn lực tốt nhất để chia sẻ những khó khăn, dành những quan tâm tốt hơn với các thầy, các cô giáo ở vùng khó khăn nói riêng và quan tâm tới sự nghiệp giáo dục của đất nước nói chung”.
Còn nhớ, ngày 17.11.2006, trước 13 nhà giáo nhân dân và 44 giáo sư, Phó Thủ tướng, bấy giờ kiêm Bộ trưởng Bộ GDĐT đã trân trọng hứa: “Đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình”. So với lời hứa cụ thể, và không bao giờ thực hiện nổi đó, những “nguồn lực tốt nhất”, trong “thời gian tới”, rõ ràng là một bước thụt lùi rất xa. Và không phải bởi các nhà giáo đã có thể “sống được bằng đồng lương của mình”.
Bởi cũng trong ngày hôm qua, “nguyện vọng được sống bằng lương” đã được nguyên phó trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy TPHCM, nguyên GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM TS Hồ Thiệu Hùng nhắc lại trong một hội thảo về giáo dục. Một so sánh đã được đưa ra: “Hệ số lương của giáo viên mầm non bậc thấp hơn cả mức lương của người làm công tác đánh máy, lái xe cơ quan”, trong một thực trạng mà nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, PGS-TS Nguyễn Tất Phát lắc đầu thừa nhận: “Mức lương vẫn là yếu tố nan giải nhất trong các vấn đề của giáo dục”. Báo chí đã mô tả TS Hùng thậm chí cực kỳ gay gắt khi cho rằng: “Danh dự nhà giáo đang bị xúc phạm”, khi họ bị buộc phải “đứng giữa hai ranh giới mong manh là phẩm chất và tiêu cực nếu coi dạy thêm là hành vi tiêu cực”.
Cũng trong ngày hôm qua, Bộ GD và ĐT chính thức phát đi thông điệp “Không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng tại trụ sở cơ quan Bộ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay”. Quy định này có lẽ ngoài ý nghĩa để “thực hành tiết kiệm chống lãng phí”, theo Thứ trưởng Trần Quang Quý, có lẽ còn là một hình thức nêu gương về sự “thanh bạch cao quý” của ngành giáo dục.
Nhưng người ta không thể sống chỉ bằng “thanh bạch cao quý”. Bởi ngoài thực tế, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 17 quy định về dạy thêm học thêm, nước mắt nhà giáo tiếp tục tuôn rơi khi ngoài chuyện “cấm tiệt” tất cả hình thức dạy thêm học thêm, phong trào “bắt dạy thêm” được rầm rộ tổ chức ở khắp nơi. Các nhà giáo, ngoài nỗi khổ bị buộc phải “thanh bạch và cao quý” với đồng lương chết đói, còn bị làm nhục khi bị “bắt quả tang như bắt trộm”, bị “cúi mặt ký biên bản như gái bán dâm ngay trước mắt học sinh của mình”.
Những mỹ từ đẹp đẽ, những tấm bằng khen, những lời động viên là cần thiết. Nhưng điều cần thiết tối thiểu nhất mà các nhà giáo đang cần chính là họ có thể sống được bằng lương. Bởi chẳng có sự tôn vinh, chẳng có sự khẳng định “quốc sách hàng đầu” nào thiết thực hơn nhu cầu giản dị đôi khi chỉ đồng nghĩa với chuyện áo cơm đó.
“quốc sách hàng đầu”
Trả lờiXóa