Thống đốc tự nhận mình 8 điểm. Ông cũng nói “chỉ xin nhận nửa giải Nobel”. Trong khi những điều ông làm, nói như ĐBQH Trần Du Lịch “đang đi ngược lại logic của cuộc sống”.
Trả lời chất vấn của ĐBQH Trần Khắc Tâm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói vui rằng ông tự nhận mình 8 điểm. Nói câu chuyện “tôi với anh (Trần Du) Lịch”, Thống đốc dẫn lại chuyện “cái ông tìm ra “bộ ba bất khả thi” được trao giải Nobel (Lý thuyết nền tảng kinh tế học vĩ mô của nền kinh tế mở, khẳng định: Một quốc gia không thể đồng thời thực hiện cùng một lúc 3 mục tiêu chính sách kinh tế vĩ mô: 1- Ổn định tỷ giá. 2- Tự do hóa dòng vốn. 3- Chính sách tiền tệ độc lập) để phát biểu, cũng nửa đùa nửa thật: Hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai”.
Có một chi tiết thể hiện sự “tự tin” của Thống đốc, đó là khi ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết, mở đầu bằng câu “Ông đừng nghĩ dân không biết gì” để trích dẫn 2 bản nghị quyết Quốc hội khẳng định hai chữ “liên thông” (với thị trường thế giới) và đảm bảo quyền lợi của người dân để thẳng thừng chất vấn thống đốc có tuân thủ nghị quyết của QH hay không? Thống đốc đã…mỉm cười và nói: “Chính vì thực hiện NQ 2011 của Quốc hội nên NHNN phải cho nhập 15 tấn vàng vào quý 4/2011. Giai đoạn đó chúng tôi xây dựng gần xong nghị định 24. Sau đó, chúng tôi kiên quyết không cho nhập 1 kg vàng nào nữa. Việc đã làm không còn ý nghĩa thực tiễn nữa. Môi trương pháp lý đã thay đổi. Nghị quyết lần này có nói nhưng chúng tôi đã báo cáo xin ý kiến Chính phủ và Chính phủ đã có ý kiến với nội dung này trong dự thảo nghị quyết QH”.
Người ghét thì coi là Thống đốc đang tự mãn, người yêu nói ông tự tin. Tự mãn hay tự tin thì sự thật là ông đã làm được nhiều việc, dù mới ngồi ghế nóng hơn ¼ nhiệm kỳ. Đó là việc dẹp loạn chợ (vàng) đen, ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát. Ông tự chấm mình 8 điểm cũng đúng. Ông “xin nhận nửa giải Nobel” cũng không sai. Chỉ có điều, để đạt được mục đích, không thể là sự “đi ngược lại logic cuộc sống”, không thể “làm suy giảm lòng tin”- như bình luận của Thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, ĐBQH Trần Du Lịch.
Bởi một thực tế không thể phủ nhận là cái “được” trong những điều Thống đốc cho là thành công, đang gây thiệt hại cho dân chúng. Một thiệt hại đo bằng khoảng cách 3 triệu đồng giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Một thiệt hại biểu hiện trong 50 ngàn tỷ đồng tồn kho, 180 ngàn tỷ đồng mua trái phiếu Chính phủ trong khi DN không ngừng than vãn không tiếp cận được vốn. Và nếu cần một con số có sức nặng hơn, thì đó là 200.000 DN “đã không còn nộp thuế” năm 2011, 26.000 DN giải thế phá sản năm 2012, điều mà Thống đốc tuyên bố là “cái giá phải đánh đổi”. Họ là gì nếu không phải là nạn nhân của chính sách tiền tệ tài khóa kèm theo các tính từ “thận trọng”, “thắt chặt”. Và thiệt hại lớn nhất, đó là niềm tin của dân chúng vào sự an dân trên lý thuyết của các chính sách tài chính tiền tệ.
Không có niềm tin, sao có thể nói chuyện làm “tan băng” thị trường BĐS. Không có niềm tin, làm sao vàng trong dân có thể “nung chảy thành tiền đồng”.
Giải Nobel thì không, nhưng nhân dân sẵn sàng tặng cho ông điểm 8+, hoặc tâm phục khẩu phục danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp toàn quốc” nếu như những thành tích của Thống đốc cũng hàm chứa trong đó lợi quyền và sự tâm phục của người dân.
Giải Nobel.
Trả lờiXóa