1. Giá thuốc cao đang là một "con bệnh" nan y của ngành y tế, bên cạnh những con bệnh khác là sự quá tải bệnh viện và sự xuống dốc về y đức của một bộ phận cán bộ y tế. Những con bệnh mà rất nhiều người của xã hội đang là nạn nhân của nó. Khốn khổ thay, nạn nhân phần lớn lại là những người nghèo khốn khó trăm bề.
Ngày hôm qua, con bệnh mang tên "giá thuốc" đã được mổ xẻ tại nghị trường Quốc hội. Chỉ đáng tiếc, căn bệnh nan y được nêu ra rõ ràng nhưng thuốc chữa vẫn chỉ để... cầm cự, không thể khỏi hoàn toàn.
Ngay trong lượt đặt câu hỏi đầu tiên đối với Bộ trưởng Bộ Y tế, người lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, cả 3 đại biểu đã chất vấn về "triệu chứng" lớn nhất của con bệnh này là sự chênh lệch lớn về giá thuốc giữa bệnh viện và thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, giá thuốc chênh lệnh giữa các bệnh viện trong cùng một địa phương, giữa các địa phương hay giữa bệnh viện và thị trường dao động trong khoảng 10-15%, có nơi còn cao hơn. Thực trạng này theo Bộ trưởng là do "có quá trình lòng vòng qua trung gian; các hãng dược bắt tay với thầy thuốc kê đơn thuốc biệt dược, nhập ngoại để hưởng lợi".
Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận nguyên nhân của tình trạng này cơ bản là do quản lý Nhà nước kém. Trong đó, đáng chú ý là thông tư số 10/2007 có kẽ hở khi chia nhóm thuốc không theo tiêu chuẩn kỹ thuật dẫn đến thực tế là "thuốc Trung Quốc song lại có giá của Mỹ". Bên cạnh đó, về, đấu thầu, thông tư này không quy định kết quả giá đầu thầu phải thấp hơn giá niêm yết.
2. Điều đó đúng, và cũng được rất nhiều người biết. Nhưng vẫn còn một điều nữa, đó là do sự bất cập của nền y dược nước nhà. Người dân đang phải chịu giá thuốc “trên trời” từ những bất cập như Bộ không thể quản lý được giá thuốc bởi gần 90% nguyên liệu để sản xuất thuốc phải nhập khẩu. Quá nửa số thuốc mà người bệnh dùng là của nước ngoài.
Thuốc sản xuất trong nước chưa thoát khỏi những danh mục hoạt chất generic (thuốc được sản xuất sau khi thuốc phát minh hết hạn bản quyền), chưa sản xuất được thuốc chuyên khoa như thuốc tim mạch, tiểu đường, thần kinh, nội tiết...
Các công ty dược nước ngoài tận dụng cơ hội đua nhau xâu xé thị trường Việt Nam. Và từ đó, họ "lòng vòng trung gian", "bắt tay thầy thuốc" như lời Bộ trưởng thừa nhận để "làm thịt" người bệnh. Đó mới là căn cơ sâu xa của con bệnh nan y trên.
Người ta vẫn phải sống chung với bệnh bởi người ta không thể... đừng ốm. Người dân vừa phải còng lưng gánh giá viện phí mới, với 362 dịch vụ có mức tăng 10 tới 20 lần, thậm chí có dịch vụ tăng tới 70 lần như sinh thiết tủy xương từ 30.000 đồng lên 2 triệu đồng/lần. Trước đó, Bộ đã quy định tăng mức chi trả của người dân có BHYT từ 5% lên 20%. Điều này người dân có thể chấp nhận, bởi thực tế, giá viện phí cũ đã áp dụng đã 15 năm, nay không còn phù hợp, khi một loạt vật tư, giá điện, giá xăng tăng...
Người dân có thể chấp nhận giá cao, khi thực tế chi phí cao. Nhưng giá cao do cung cách quản lý của cơ quan Nhà nước thì rất khó chấp nhận. Cần phải điều chỉnh ngay, như phương châm của ngành y: "Cứu người như cứu hỏa".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét