Tối qua chúng mày lại "chiến" à?
“Ai bảo hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, chứ như hàng xóm nhà mình thì "chui cả vào chăn" của vợ chồng người ta mà soi mói, phát khiếp” - chị Nguyễn Thu Hồng (Kim Liên, Hà Nội) than thở.
"Soi" từ bát bột có mấy con tôm....
Nghe chị kể, tôi cũng thấy thất kinh về khả năng soi mói của bác láng giềng tên Ngân này. Khi mới theo chồng về đây, cứ nghĩ bác Ngân là người xởi lởi nên khi gặp gỡ chị cũng đứng lại chào hỏi, trò chuyện. Nhưng chỉ sau vài lần, chị nhận ra bác này có một sở thích khá kỳ dị là soi mói đời tư người khác, mà soi còn kỹ hơn cả thám tử.
Đầu tiên là soi cái ví tiền nhà chị. Cứ gặp chị 10 lần là 10 lần bà hỏi: lương vợ chồng mày được bao nhiêu? Lễ tết thưởng thế nào? Có dành dụm được tí nào không? Hồi lấy chồng mẹ chồng, mẹ đẻ có cho nhiều không?... Hỏi một lần thì chẳng sao, nhưng lần nào gặp cũng hỏi thì chị thực sự khó chịu.
Chưa hết, tháng nào người thu tiền điện thoại đến nhà chị là bà cũng phải đi theo. Bà ngó, bà giằng cả hóa đơn xem. Rồi bà phán: sao có mỗi hai vợ chồng mà dùng lắm thế? Chúng mày đi làm cả ngày, tối về gọi cho ai mà tiền điện thoại nhiều thế... Bà săm soi kỹ đến mức, có hôm sau khi bà về, anh thu tiền điện thoại hỏi lại chị Hồng: “Mẹ chồng chị à? Ghê quá!”. Khi chị trả lời “không, bác hàng xóm đấy” thì anh ta chỉ biết kêu ối một cái!
Chị Nguyễn Thu Hồng: "Lúc đầu, chị cũng nghĩ bác là người cởi mở nên thường chào hỏi, trò chuyện...".
“Mấy chuyện ấy nhìn chung vẫn bỏ qua được, nhưng ức chế nhất là vụ bác ấy cứ soi chuyện chị cho con ăn. Con bé con nhà chị 2 tuổi rồi, có hôm đổi bữa nấu súp cho nó thì bác ấy bảo toàn nước thảo nào con gầy còm; có hôm nó đòi chị cho ăn cơm hạt, bác ấy ngó vào lại quở ăn cứng thế thì táo chết.... Thậm chí, có hôm chị đi chợ sáng, đang mua tôm thì bác ấy làu bàu "mua có 1 lạng tôm cho con ăn cả ngày, kẹt thế này thì bát bột con mày có mấy con tôm?" làm chị ức tận cổ.
Còn mấy chuyện kiểu như: "nhà mày mua LX làm gì cho tốn xăng, sao ngày xưa chưa vợ thấy chồng mày nhiều bạn lắm mà giờ ít tụ tập, mày ghê quá bạn chồng không dám đến chơi à... thì chị được nghe cả ngày” - chị Hồng bức xúc.
"Tối qua chúng mày lại "chiến" à?"
Chị Hồng kể tiếp câu chuyện với một thái độ vẫn còn nhiều bực dọc: “Mà thói đời em ạ, người hay soi mói bao giờ cũng là những người thích đưa chuyện”.
Lúc đầu chị Hồng cũng bực chút thôi vì thấy bị phiền, thấy quyền riêng tư bị xâm phạm nhưng vẫn nể bà là người lớn nên nhịn chẳng đôi co. Nhưng ai ngờ, bà dòm đấy, để ý đấy, rồi lắm lúc nghe hơi nồi chõ, xuyên tạc thành đủ thứ chuyện mang đi lê la làm quà khắp nơi.
Sinh nhật con bé nhà chị đúng ngày 1/6 nên được nhiều người nhớ. Thế mà bác ấy đi rêu rao là không biết chồng chị làm gì, chuyên nhận biếu xén, có mỗi cái ngày Tết thiếu nhi mà rầm rập người ra người vào đút lót. Lúc nghe chị bán hoa quả đầu ngõ kể lại, chị đúng là chỉ biết vừa cười vừa mếu.
Có lần, chị Hồng đi ăn bún, vừa bước vào thì thấy mọi người cứ nhìn mình cười. Rồi chị hàng bún nhanh mồm, hỏi ngay: “Tối qua chúng mày lại "chiến" à”?. Hóa ra bà Ngân vừa ngồi ăn sáng ở đây xong. Bà ấy bảo hôm nào vợ chồng chị mà "gần gũi" thì sáng ngủ dậy sẽ thấy phơi cái quần nhỏ mới giặt trên gác thượng là 100% đêm qua vợ chồng chị “chiến”, hôm nào mà có hai cái là vợ chồng chị "làm hai nháy"..., còn hôm nào nghỉ ngơi thì chỉ có quần áo phơi từ tối hôm trước mà thôi.
Nghe chuyện, chị Hồng phải bỏ cả bát bún chưa kịp ăn, về gọi ngay bác ấy sang "mắng" cho một trận. Thế mà phải thêm chuyện mới đây nữa, cả chồng chị và gia đình bác ấy vào cuộc, làm căng nữa, nhà chị mới được tạm yên ổn.
Bác hàng xóm "săm soi" cả cái gác thượng nhà chị, đếm xem chị phơi mấy chiếc quần nhóc mỗi sáng để đi buôn chuyện đêm qua vợ chồng chị "chiến" hay không. (Ảnh gác thượng nhà chị Hồng) |
Chẳng là chị đang bầu đứa thứ hai, tháng trước đúng đợt mẹ chồng sang chơi (nhà mẹ chồng chị ở ngay khu tập thể gần đấy) thì chị lau nhà trơn bị ngã, động thai. Từ bữa ấy chị phải nghỉ ngơi, cũng không qua lại bà nội.
Chuyện chỉ có thế nhưng hôm rồi mẹ đẻ chị ở quê lên, đi chợ sáng về chị tự dưng thấy bà sụt sịt, mắt đỏ hoe. Hỏi mãi bà mới cho biết bác hàng xóm quý hóa đã kịp sang trò chuyện lúc chị đi vắng. Chuyện chị ngã được chuyển thể thành mẹ chồng nàng dâu đánh nhau ngã cả ra phải vào bệnh viện, rồi từ bữa ấy mẹ chồng chị từ mặt không cho chị về.
Sự nhường nhịn cũng có giới hạn, tối hôm ấy chồng chị đã sang xin phép cả nhà bác Ngân thưa chuyện. Hình như bác Ngân bị chồng cho mấy bạt tai, bị lũ con đồng loạt phê bình. Có lẽ nhờ thế mà gần tháng nay nhà chị được yên, không ai hỏi han dòm ngó, đi ra đường cũng không bị ai bàn tán chuyện này chuyện kia.
Chị thở dài: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời, cũng chẳng biết nhà chị được yên mấy bữa nữa. Thôi thì được ngày nào quý ngày đó. May mà cả khu chỉ có một bác hàng xóm như thế này, chứ mà có vài bác thì chắc đời chị cũng thành... thước phim kinh dị luôn”!
Theo Kiến thức
thôi xin chuyển nhà vậy.
Trả lờiXóaláng giềng thế thì sợ thật.
Trả lờiXóa