Chia sẻ

Tre Làng

LƯƠNG GIÁO VIÊN THẤP - "CÁI KHÓ BÓ CÁI KHÔN"


(Petrotimes) - Người xưa có câu: “Nhà văn, nhà giáo, nhà báo... nhà nghèo”. Cho đến tận bây giờ, khi kinh tế xã hội phát triển, trí thức được đề cao, trọng vọng nhưng câu nói ấy vẫn... không sai, đặc biệt là đối với nhà giáo, cụ thể là những người dạy học khối phổ thông.

Ở đây, tôi không muốn định nghĩa thế nào là “nghèo” nhưng rõ ràng trong giới tri thức thì nhà giáo vẫn chưa bao giờ giàu. Và khi không giàu, tiền lương lại không đủ để bảo đảm cuộc sống không những của cá nhân mà còn của con cái, gia đình thì người ta phải làm thêm. Làm thêm bằng cách dạy thêm, nghĩa là bằng chính mồ hôi nước mắt, kiến thức có được sau bao nhiêu năm “dùi mài kinh sử”, đúc kết kinh nghiệm thì có gì sai? Chúng ta sẽ dừng lại ở chừng mực nào, khi quy kết cho những giáo viên dạy thêm là không đúng, là “hạ thấp” một nghề vẫn được coi là cao quý?

Trước khi bàn sâu về vấn đề này, phải nói rằng hành động rình rập để bắt quả tang việc dạy thêm của giáo viên như bắt... tội phạm trong thời gian qua có thể nói là hành động tàn nhẫn, xúc phạm uy tín và danh dự của nhà giáo. Lạ một điều là trong đoàn thanh tra liên ngành ấy, có cả những người cũng từng đứng trên bục giảng. Phải chăng họ không thấm thía nỗi cực nhọc, ý nghĩa cao cả của nghề “tải chữ”, nên mới nhẫn tâm ứng xử như vậy với đồng nghiệp trước mắt học trò, biến giáo viên thành... kẻ phạm pháp, biến một việc làm chính đáng thành không chính đáng?

Tất nhiên ở đây, chỉ bàn đến những nhà giáo dạy thêm với một cái tâm sáng. Còn nhà giáo mà lấy số lượng học sinh học thêm làm chính, “ém” kiến thức của giờ chính khóa để làm “bí quyết” cho buổi học thêm thì những giáo viên đó đáng bị lên án và họ không đáng được bàn trong bài viết này.


Nhiều người cho rằng, khi thực hiện một biện pháp quản lý hành chính nào đó có ảnh hưởng không chỉ tới cá nhân mà tới cả một ngành nghề thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng. Phải làm sao vẫn giữ được mức rà soát nghiêm khắc nhưng vẫn nhân văn, thay vì hành động vội vã, bộc phát như đi kiểm tra, ập vào bắt quả tang việc dạy thêm của giáo viên.

Theo nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” do nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm đã cho thấy: Qua khảo sát thực tế bảng lương của những giáo viên phổ thông, thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương là khoảng 3-3,5 triệu đồng/tháng/người. Trong đó, nếu tính theo năm công tác thì lương giáo viên sau 13 năm sẽ từ 3-3,5 triệu đồng/tháng; sau 25 năm từ 4,1-4,7 triệu đồng/tháng.

Giáo viên mới ra trường ở cả ba cấp học nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Với số lượng giáo viên như hiện nay, chỉ có khoảng 50% số giáo viên các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên và được hưởng mức lương bình quân. 50% còn lại được hưởng dưới mức lương bình quân. Với mức lương như vậy theo một khảo sát của ngành giáo dục cho thấy: Lương của giáo viên còn thấp hơn cả những người không lao động trí óc như: lái xe ở cơ quan, nhân viên đánh máy tính. Vì so sánh hệ số lương của một giáo viên mầm non thì bậc 1 là 1,86; bậc 10 là 3,66 trong khi nghề lái xe tại cơ quan hoặc đánh máy hệ số lương bậc 1 là 1,87; bậc 10 là 3,67.

Nếu so sánh với những ngành nghề khác thì lương giáo viên còn thấp nữa, mặc dù cùng bậc nhưng điện tử viễn thông 5,5 triệu đồng/tháng, y dược 6 triệu/tháng... Chưa nói đến thời gian làm việc và lao động của giáo viên rất đặc thù, về nhà vẫn chưa dứt việc, phải soạn giáo án, chấm bài, quan tâm chú ý từng động thái nhỏ của giáo viên... Vậy với mức lương như vậy thì giáo viên sống làm sao nổi, nhất là trong thời kỳ lạm phát, suy thoái kinh tế như hiện nay, giá cả lúc nào cũng leo thang vùn vụt.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải nuôi con, cũng phải chăm sóc cha mẹ già, lo hiếu, hỷ như bao nhiêu người khác. Cho nên phải tìm cách làm thêm là việc làm tất yếu của giáo viên cũng như tất thảy ai ở trong hoàn cảnh ấy để không những duy trì cuộc sống mà duy trì ngay nghề nghiệp họ đã lựa chọn là làm con người, xã hội tốt hơn. Nhưng điều cần nói hơn là việc làm thêm đó không phạm pháp, không làm tổn thương đến ai, lại chính bằng sức lao động, kiến thức của mình đã được trau dồi trong bao nhiêu năm kinh nghiệm ấy chính là dạy chữ thì tại sao lại lên án nó.

Và cũng cần lưu ý trong vấn đề này: không phải giáo viên nào cũng có thể đi dạy thêm, mà chỉ những giáo viên của những môn tự nhiên, một số môn khoa học xã hội và cũng chỉ ở thành phố mới dạy thêm được. Còn những môn khác và những nơi khác chỉ cần như ở ngoại thành thủ đô Hà Nội chẳng hạn, giáo viên không dạy thêm được. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chuyên phụ trách về công tác học sinh, sinh viên đã chia sẻ: “Xã hội chỉ chú ý đến những giáo viên dạy thêm và lên án họ. Tôi chưa bàn đến chuyện dạy thêm này đúng hay sai, nhưng đó chỉ là số ít gương mặt trong toàn thể giáo viên. Còn những giáo viên không dạy thêm được, đã bao giờ các bạn nhìn thấy họ với cuộc sống thật ngoài đời chưa?

Chỉ cần cách trung tâm Hà Nội chưa đến 20 cây số, có lẽ sẽ chưa bao giờ các bạn biết, giáo viên ngoài giờ đứng trên lớp còn phải chăn nuôi gia súc, bán từng mớ rau, quả trứng để mưu sinh. Họ phải cày cuốc, ruộng vườn, phải lao động lam lũ để cuộc sống bớt cực nhọc hơn, đỡ thiếu thốn hơn và dựa chính vào nguồn thu nhập ít ỏi đó để đủ dũng khí nuôi dưỡng chính sự nghiệp trồng người mà họ theo đuổi. Là những người làm công tác quản lý giáo dục, thấy cảnh ấy mà chúng tôi vô cùng xót xa”.

Còn chị Nguyễn Kim Anh, giáo viên dạy văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cũng đã tâm sự một cách “ruột gan” với báo chí về việc dạy thêm học thêm. Cần phải nói thêm, chị Kim Anh cũng là tác giả quen thuộc trên các trang báo chuyên về văn hóa - giáo dục... Chị viết: “Tôi là một giáo viên cũng dạy thêm ngoài giờ. Học phí thu từ dạy thêm giúp tôi trang trải cho cuộc sống ngoài đồng lương ít ỏi. Tôi biết, để không nản lòng, để giữ được tâm huyết, để không phải một lần nghĩ tới việc ra đi, chúng tôi cũng cần chung sức để đấu tranh với những vấn đề tiêu cực nói chung và tiêu cực trong dạy thêm, học thêm nói riêng, đấu tranh với những cách nhìn phiến diện, ác ý để bảo vệ quyền được dạy học chính đáng của mình...”, “... Xã hội muốn các nhà giáo phải là tấm gương, phải mô phạm, đúng mực nên bất cứ lỗi to nhỏ nào của nhà giáo cũng bị mang ra soi xét.

Không phải ai cũng hiểu nhà giáo có thể phải từ chối một bộ cánh đẹp chỉ vì nó không đứng đắn trước mặt học trò. Nhà giáo không được tức giận khi bị oan ức, chà đạp. Nhà giáo luôn phải tươi cười, hòa nhã với học sinh và cha mẹ học sinh dù bản thân đang mệt mỏi, đau khổ. Nhà giáo ra khỏi lớp không phải hết nhiệm vụ, trách nhiệm còn theo họ về nhà khi chấm bài, khi soạn giáo án, khi giải quyết những vướng mắc của học sinh. Có rất nhiều điều nhà giáo phải làm nhưng xã hội không phải lúc nào cũng biết và chia sẻ...” Chị nhấn mạnh: “Trong khi đó, lương trung bình tính cả phụ cấp của giáo viên chỉ trên 3 triệu đồng/tháng - mức lương không đủ nuôi sống bản thân họ, chưa kể phải đảm đương công việc nuôi dạy con cái.

Họ không thể sống đàng hoàng nếu như chỉ dành trọn vẹn thời gian và tâm sức ở trường. Nhà giáo phải có nghề phụ. Có những nhà giáo phải làm thêm các công việc tầm thường khiến họ trở nên hèn đi, luộm thuộm đi, khiến họ cũng thấy khó có thể đủ tư cách và niềm tin để dạy học sinh những điều tốt đẹp ở đời. Trong bối cảnh ấy, nhà giáo dạy thêm và có khả năng để dạy thêm, xem ra đó là việc đàng hoàng nhất...”.

Sẽ không phải bàn thêm điều gì nữa, bởi những gì trên đây đã cho thấy một phần nguyên nhân hình thành việc dạy thêm và học thêm. Nếu như có những điều không hay xảy ra trong vấn đề này thì đó chỉ là sự biến tướng mà thôi. Cho nên để giải quyết “nạn” học thêm dưới góc độ tiêu cực cũng như để quản lý tốt vấn đề này, ngành giáo dục phải thực hiện những biện pháp ưu tiên như: Giảm tải nội dung chương trình giáo dục, cải thiện thu nhập của giáo viên, phân chia những người có và không có khả năng dạy thêm, học thêm để từ đó cấp phép, đồng thời quản lý hoạt động dạy thêm của họ. Tuyệt đối tránh sử dụng những biện pháp làm tổn thương hình ảnh và uy tín của nhà giáo trong công tác quản lý dạy thêm học thêm v.v...
Giáo viên Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội:
“Để chống tiêu cực nói chung, giải quyết việc dạy thêm học thêm nói riêng, hãy có những giải pháp để nhà giáo đủ sống, hãy tạo cơ chế để nhà giáo có đủ niềm tin và dũng khí đi giữa lằn ranh sáng - tối mà không phạm sai lầm. Giải pháp để kéo những nhà giáo từng đã và đang làm điều khuất tất, tiêu cực trở lại đúng chức trách nhiệm vụ và đạo đức của mình hay hơn nhiều giải pháp cấm đoán, lên án, phủ nhận những nhà giáo lỡ vì miếng cơm manh áo mà sai phạm. Chúng ta vẫn mong có một nền giáo dục nhân văn, muốn giới trẻ nhìn nhận cuộc sống bằng sự nhân văn, độ lượng và sẻ chia. Xin hãy nhìn nhận và giúp đỡ nhà giáo bằng sự nhân văn, độ lượng và sẻ chia đó”.

Tú Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog