Chia sẻ

Tre Làng

MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ ÔNG ĐẶNG HÙNG VÕ


LâmTrực@

Sự kiện ông Đặng Hùng võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đối thoại với người dân Văn Giang, Hưng Yên cho đến tận bây giờ vẫn là một sự kiện nóng hổi. 

Buổi đối thoại diễn ra tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường và kết quả cuối cùng ông Võ đã nhận rằng mình sai. Điều này là rất tốt vì tự bản thân ông Võ cũng như sự kiện trên sẽ tạo ra một tiền lệ tốt, rằng ngay kể cả quan chức chính phủ, khi đã về nghỉ hưu vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình trước pháp luật và cao hơn là người dân. 

Tuy nhiên, việc ông Võ nhận lỗi cũng đã tạo ra những dấu hỏi hoài nghi về những quyết định của Chính phủ và của ngay chính bản thân con người ông. 

Để rộng đượng dư luận, LâmTrực@ xin giới thiệu bài trên Tuổi Trẻ để các bạn tham khảo. Đây sẽ chỉ là một góc nhìn của tác giả. LâmTrực@ sẽ tiếp tục gửi đến các bạn những góc nhìn khác của các tác giả khác cùng quan tâm về những vấn đề tương tự.

NGHĨ VỀ LỜI XIN LỖI CỦA ÔNG ĐẶNG HÙNG VÕ

TT - Trong lúc “nhiệt độ” nghị trường đang nóng lên bởi các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về nội dung dự án Luật đất đai (sửa đổi) và kết quả giám sát việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến các quyết định hành chính về đất đai, thì nổ ra chuyện “bên lề” là ông Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường) tổ chức đối thoại với người dân Văn Giang (Hưng Yên).

Cuộc đối thoại giữa ông Võ, đông đảo người dân Văn Giang và luật sư của họ là ông Trần Vũ Hải xoay quanh việc tám năm trước, ông Đặng Hùng Võ lúc đó đương chức thứ trưởng, đã ký hai tờ trình Thủ tướng Chính phủ để đề xuất thu hồi đất xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hưng Yên đi qua khu đô thị Văn Giang (có tên là Ecopark). Lý do của cuộc đối thoại, như ông Võ viết trên trang mạng Facebook của mình, là từ bức thư yêu cầu của các luật sư và bà con Văn Giang “dọa” nếu không đối thoại thì họ sẽ tố cáo.

“Tôi rất muốn bà con Văn Giang tố cáo tôi... Tôi cho rằng việc bà con tố cáo tôi là tốt chỉ vì một lý do rất giản dị, nếu tôi bị thiệt thòi mà người dân được lợi thì tôi sẵn sàng, cũng là điều học theo các bồ tát mà làm. Hơn nữa, tôi rất muốn mọi việc đều minh bạch” - ông Võ viết.

Tại cuộc đối thoại, ông Võ thừa nhận: “Ở cương vị công tác của mình khi đó, tôi không giám sát được để có những chệch choạc thì tôi chịu trách nhiệm. Còn những gì gây thất thoát cho bà con thì là lỗi của tôi”.

Những người dân Văn Giang có mặt tại trụ sở cũ của Bộ Tài nguyên và môi trường để tham gia cuộc đối thoại đã vỗ tay sau phần nhận lỗi của ông Võ. Âm hưởng “vỗ tay” tán thưởng còn kéo dài suốt mấy ngày sau đó trên báo chí, diễn đàn, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Thậm chí, luật sư Trần Vũ Hải còn đánh giá ông Võ là “người hùng” khi dám đứng lên đối thoại, thừa nhận sai lầm và xin lỗi. Nhưng, bên cạnh sự tán thưởng này, cũng tồn tại một luồng suy nghĩ khác, chua chát hơn nhiều.

Trước hết, xét về bản chất của lời xin lỗi thì nó luôn luôn đáng quý nếu xuất phát từ sự chân thành, cầu thị. Lời xin lỗi của ông Võ trong trường hợp này quả là của hiếm bởi cái sai của ông Võ không phải là chuyện cá biệt. Kết quả giám sát của Quốc hội vừa được công bố cho thấy trong gần 1 triệu đơn, thư khiếu kiện của người dân suốt mười năm qua, có tới 47,8% số đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng hoặc đúng một phần. “Điều đó cho thấy các quyết định hành chính của chính quyền ở đây sai một nửa. Sai như vậy là quá nhiều” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng bức xúc. Sai quá nhiều, nhiều người sai, sai ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhưng lời xin lỗi thì đưa ra quá ít. Đấy là lý do để sự xuất hiện của một người rất quen thuộc như ông Đặng Hùng Võ trở thành... sự kiện.

Nhưng, ông Võ đã nghỉ hưu từ lâu, chữ ký của ông thời ấy và bây giờ là khoảng trời cách biệt. Sự xuất hiện và cuộc đối thoại của ông với người dân Văn Giang cũng chỉ là cuộc trò chuyện của một thường dân với những thường dân khác, khó mang giá trị pháp lý cao đến cửa công quyền.

Cả hai vị thứ trưởng đương nhiệm của Bộ Tài nguyên và môi trường trả lời báo chí ngay sau cuộc đối thoại của ông Võ đều khẳng định cuộc đối thoại chỉ có ý nghĩa cá nhân, không phải quan điểm của bộ.

Bình luận với phóng viên Tuổi Trẻ, luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng việc nhận lỗi của ông Võ chỉ là chuyện cá nhân, chủ yếu mang ý nghĩa xúc cảm, còn việc giải quyết đúng sai là cả một quy trình được luật định.

Vậy nên, có người bình luận là ông Võ già rồi nên lẩn thẩn, đi làm cái việc mất thời gian, vô ích. Có người lại coi đó chỉ là sự màu mè nhằm đánh bóng tên tuổi của ông.

Với những người dân Văn Giang, có lẽ sau những cảm xúc dâng trào trong cuộc đối thoại, họ lại trở về với thực tại và mong một cái kết có hậu chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở một lời xin lỗi.

LÊ KIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog