Chia sẻ

Tre Làng

NGƯỜI ƠI, NGƯỜI Ở ĐỪNG VỀ

Đình Bảng, một làng nhỏ nằm trên vùng châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội 16 km về phía Bắc. Đây là đất văn vật nghìn năm, là nơi phát tích của triều Lý, một triều đại để lại nhiều dấu ấn trọng đại trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc ta. Hiện nay, tại làng này vẫn còn lưu giữ ngôi đền thờ các vị vua triều Lý, đền này có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng người ta biết đến nhiều hơn cả là đền Đô

Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", đền này được xây vào năm Thuận Thiên thứ mười một (tức năm 1019), đây là Thái miếu của nhà Lê. Về sau các triều đại kế tiếp đã góp sức tu tạo thêm khiến cho đền này ngày càng to lớn khang trang nên gọi là "Cổ Pháp Điện". Ngày nay, đền này thờ tổng cộng 8 vị vua nhà Lý nên còn được gọi là đền Lý Bát Đế.

Các thầy phong thủy xưa đã biết đây là đất đắc địa, là nơi rồng cuộn hổ ngồi, tốt về phong thủy, phía trước lại có dòng Tiêu Tương uốn lượn, tạo nên một cảnh tượng diễm lệ, dân chúng quần tụ đông đúc, đời sống sầm uất hưng thịnh. Phùng Khắc Khoan đã viết trên bia "Cổ Pháp Điện tạo bi rằng: “Đất Cổ Pháp là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc. Lăng phát tích nhà Lý đất gối đầu của 8 con rồng, hình tượng đẹp muôn hình, muôn vẻ, vượng khí tốt, toát lên nơi này rất linh thiêng, cho nên sinh ra tám Vua triều Lý được lâu dài độc đáo…”.

Đền được thiết kế theo lối chữ quốc, với các dãy nhà bao quanh, sân trong sân ngoài, tạo nên cảm giác thâm nghiêm sâu thẳm trên tổng diện tích mặt bằng đến 31250 mét vuông, trong đó thành nội rộng 4340m vuông được bao bọc bằng thành ngoại rộng 26910m vuông. Trong đó diện tích xây dựng nhà: 1.940 mét vuông, sân bãi nội ngoại thành: 19.810 mét vuông, hồ Bán Nguyệt: 9.500 mét vuông. Nội thành gồm: Nội thất và ngoại thất. Nội thất gồm các công trình: Nhà Hậu cung, nhà Chuyển Bồng, nhà Tiền Tế, nhà Bia và nhà để 8 kiệu thờ, nhà để 8 ngựa thờ ở hai bên. Ngoại thất gồm các công trình: Nhà Phương Đình, Vương Mẫu từ, nhà Chủ tế, nhà Khách, nhà Kho, Ngũ long môn, Sân rồng, tượng voi, sấu đá… Ngoại thành gồm: Hồ Bán Nguyệt (Còn gọi là hồ Công chúa hay ao Rối), giữa hồ là nhà Thủy Đình (nhà Rối), nhà Văn Chỉ bên phải, nhà Võ Chỉ bên trái…

Chất liệu để xây đền cũng hết sức độc đáo ngoài gạch đá thì gỗ lim và vàng tâm cổ thụ là chủ đạo. Trên các cột, kèo và bao lơn đều được những người thợ lành nghề chạm khắc tinh xảo. Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc và tâm linh như thế, Đền Đô đã từng được Viện Viễn Đông Bác cổ xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa danh thắng. Nhưng vào năm 1952, khi chiến tranh bùng nổ, thực dân Pháp đã chiếm đóng và phá hủy hoàn toàn công trình độc đáo này. Mãi đến năm 1989, bằng những cố gắng của chính quyền và nhân dân Đình Bảng, Đền Đô đã được phục dựng trên nền cũ, với nét kiến trúc không khác xưa là mấy nhờ có những công trình nghiên cứu khảo cổ học và tư liệu lịch sử để lại. Năm 1991, ngôi đền này đã được xếp hạng di tích cấp nhà nước, sự công nhận này càng khẳng định thêm giá trị lịch sử, văn hóa và xã hội to lớn của công trình này. Ngày nay, đền Đô trở thành địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước. Năm 2010, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam trao bằng Xác lập Kỷ lục “Đền Đô - Đền thờ 8 vị Vua nhà Lý được nhiều người biết đến nhất”.

Điểm độc đáo cuốn hút du khách tìm đến làng Đình Bảng nói chung và đền Đô nói riêng không chỉ ở nét cổ kính thâm nghiêm, ở chiều sâu văn hóa hàng ngàn năm tuổi của đất và người nơi đây, mà còn bởi họ mong ngóng được một lần tham dự Lễ hội hàng năm được tổ chức từ ngày 15/3 đến ngày 19/3 âm lịch để tưởng nhớ công lao của 8 vị vua nhà Lý. Đối với người Việt, đó là dịp để nhớ về công ơn của tiền nhân. Đối với du khách thập phương, đó là dịp để được thưởng thức những màn hội sau phần lễ không kém phần đặc sắc. Chính hội diễn ra vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, đó cũng chính là ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi hoàng đế. Phần lễ rất long trọng với các nghi thức trình thánh, rước kiệu, dâng hương. Đám rước có khi lên đến hàng chục ngàn người nối thành đoàn dài từ chùa Kim Đài đến cửa đền Đô. Ði đầu đám rước gồm có một đoàn tướng võ, cởi trần, đóng khố, tay cầm truỳ đồng và hàng trăm quân sĩ đi theo. Tiếp đến là 100 người khiêng kiệu mặc áo đỏ, mũ đen. Ði đầu là kiệu của Thánh Mẫu có 18 nữ tướng theo sau rồi đến kiệu Bát Ðế, mỗi kiệu một con ngựa và có 16 nam tướng mặc áo đỏ. Sau cùng đoàn rước là các vị mặc sắc phục lễ hội, hương lão và dân làng dự hội, cờ lọng che rợp đồng nội, tiếng trống vang trời.

Khi phần lễ qua đi thì phần hội cũng vừa đến, có đủ trò như chọi gà, thả chim câu, đấu vật, hát quan họ và nhiều trò chơi khác, nhưng thu hút nhất và cũng thể hiện đậm nét nhất bản sắc của người Kinh Bắc trong lễ hội này là phần quan họ giao duyên và đấu vật.

Đấu vật thể hiện tinh thần thượng võ, sự kiên cường ẩn chứa trong mỗi người, và khi có biến thì tinh thần ấy, sức mạnh ấy lại cùng cả dân tộc đứng lên bảo vệ quê hương đất nước.

Hội được tổ chức ngay tại sân đình và trên các bãi đất trống. Sới vật là cát và đất nện được phủ bạt với vòng người xem lớp lớp trong ngoài. Mở màn của cuộc đấu là các đô thực hiện các động tác múa "se đài", biểu thị sự tôn trọng thần linh, các cụ cao niên, khán giả và chính đối thủ. Trong tiếng trống thúc giục giã, các đô xoắn vào nhau, thể hiện sức mạnh và sự khéo léo qua những miếng vật cổ truyền như "lộn cối", "giát bốc", "móc chảo" ... để giành lấy chiến thắng vinh quang. Phần thưởng không có giá trị lớn về kinh tế nhưng đặc biệt có giá trị lớn về danh dự bởi người thắng cuộc là người vượt qua rất nhiều đối thủ từ các lò vật đổ về.


Quan họ lại thể hiện nét đằm thắm hiền hòa, cũng như sự tinh tế của tâm hồn người dân nơi đây.

Trên ao làng, những chiếc thuyền nan trang hoàng lộng lẫy, các liền chị trong nón quai thao diện áo tứ thân sắc màu sặc sỡ, các liền anh áo the khăn đóng, khoan nhặt buông lời ca thánh thót như thơ như mật rót vào lòng người, dìu dặt êm êm theo nhịp chèo:

"Người ơi! Người ởi đừng về,

Người ơi! Người ởi đừng về,

Người về em vần (í i ì i),

Có mấy khóc i thầm

Đôi bên là bên song như vạt áo

Mà này cũng có a ướt đầm.

Ướt đầm như mưa. ..."

LâmTrực@ sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog