Gió rít từ trong phòng học tạm trên đỉnh núi ở Mường Lát (Thanh Hóa) khiến những đứa trẻ khi co rúm, lúc kẹp đôi tay vào nách mình để tự sưởi ấm... Cả thầy và trò ở đây đang vượt qua khó khăn khó tả.
Lớp học Mầm non ở bản Sài Khao.
Tháng 1-2008, Trường Tiểu học Mường Lý, xã Mường Lý, huyện Mường Lát tách thành hai điểm trường, trong đó Trường tiểu học Mường Lý đóng tại trung tâm xã, còn điểm Trường tiểu học Tây Tiến đóng tại bản Xì Lô (cách trung tâm xã gần 20 km đường rừng).
Từ đây đi về các khu lẻ ở các bản Trung Thắng, Sài Khao mất thêm chừng 20 km đường mòn uốn lượn trên những ngọn đồi, núi.
Trường mang tên Tây Tiến, có lẽ một phần vì lý do vùng đất này gắn bó với một thời kỳ lịch sử, với những địa danh, với những di tích năm xưa bộ đội tây tiến làm nhiệm vụ trong bài thơ Tây Tiến- Quang Dũng.
Khi mới thành lập và hoạt động cho đến năm học 2012-2013, Trường tiểu học Tây Tiến có 26 lớp (gần 450 học sinh), với 31 cán bộ, nhân viên, giáo viên ở 8 điểm trường đóng ở các bản.
Cao, xa hơn cả từ điểm chính của Trường tiểu học Tây Tiến có lẽ là các khu lẻ ở các bản Sài Khao, Trung Thắng. So với 5 năm trước, chúng tôi có dịp về Sài Khao, lối mòn đường rừng giờ đã rộng hơn.
Trong chuyến đi này, chúng tôi may mắn được thầy hiệu trưởng Trường tiểu học Tây Tiến, Lê Xuân Viên dẫn đường về Sài Khao, Trung Thắng.
Thầy Viên nói: “Dù đường khó đi, vất vả vậy nhưng chúng tôi cũng thường đến thăm các khu trường để động viên, thăm hỏi, chia sẻ, trao đổi nghiệp vụ với giáo viên, học sinh”.
Sau gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi về tới hai bản Trung Thắng, Sài Khao khi trời nhờ nhờ tối. Ấy vậy mà, lớp học của thầy Tăng Văn Lộ vẫn vang tiếng thầy giảng, trò đọc ở lớp học ghép 4+5 tại bản Trung Thắng.
Lớp học của thầy Tăng Văn Lộ ở bản Trung Thắng.
Ảnh: Hoàng Lam.
Khu trường ở bản Trung Thắng có 53 học sinh được phân thành 3 lớp (trong đó có 2 lớp ghép) do 2 thầy giáo phụ trách là thầy Lộ và thầy Hơ Hơ Pó. Hàng rào vào khuôn viên lớp học là những viên đá được lấy từ núi xếp từng hàng ngay ngắn.
Cổng của lớp học là 2 cây nan thanh dựng lên, bên trên nối ngang là một tấm gỗ có hàng chữ sơn đỏ “Trường tiểu học Tây Tiến, khu trường Trung Thắng”.
Lớp học của thầy trò thầy Lộ là những tấm gỗ, mái lợp xi măng được dựng lên, chẳng thể chắn gió lạnh, không thể ngăn mưa tạt. Dẫu thế, các thầy vẫn kiên trì động viên học trò, động viên mình không ngừng một buổi học nào.
“Ở đây, trời nhanh tối, phòng học đã hở khắp nơi cũng không đủ ánh sáng cho các em học bài. Nếu mở thêm mấy tấm gỗ phên bên vách lớp để lấy ánh sáng thì gió lạnh, mưa tạt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh” - thầy Lộ tâm sự.
Năm 2006, ở cả Sài Khao và Trung Thắng đều được ngành chức năng xây dựng một phòng kiên cố với diện tích chưa đầy 10 mét vuông cho cấp tiểu học.
Hiện nay, phòng học này quá chật và đã xuống cấp, không thể sử dụng cho nhiệm vụ giảng dạy được nữa nên lớp học mầm non, tiểu học ở đây đều là những lớp học tạm được dựng lên từ gỗ, luồng, nan với mái tranh hoặc tấm lợp xi măng.
Dân cư sinh sống thưa thớt, địa hình đồi núi, độ dốc lớn khiến các lớp học tạm ở 2 bản Sài Khao, Trung Thắng trở nên chênh vênh hơn trên những sườn đồi hút gió.
Giờ tan học, nhiều học sinh vội vàng rời lớp để sang bên kia ngọn đồi về nhà mình. Giàng Thị Deo (lớp 4) nói: Những hôm trời mưa, các thầy và học sinh phải kê lại bàn ghế để tránh mưa tạt vào, sàn đất ở lớp học ướt, ẩm nhầy nhụa bùn khiến các em khi thì bẩn quần áo, khi thì bẩn cặp sách...
Mùa lạnh và những khi trời đổ mưa, các em rất khó nhìn thấy chữ, số thầy giáo viết trên bảng vì không có điện...
Ông Giàng A Tống - Trưởng bản Trung Thắng cho biết: Cả bản có 54/76 hộ (463 nhân khẩu) là hộ nghèo, học sinh đi học xa nhất cũng mất gần 2 km đường rừng.
Các em đều phải rời nhà từ rất sớm để đi bộ đến trường. Dân bản mong muốn sớm có lớp học kiên cố để việc dạy và học của thầy trò nơi đây bớt vất vả.
Cách Trung Thắng vài km là bản Sài Khao. Ở đây có ba lớp học do thầy Cút Văn Sao và Lương Văn Tặng phụ trách, các thầy chia sẻ: “Cả khu trường Sài Khao có 78 học sinh chia thành 3 lớp, trong đó có 2 lớp ghép. Đời sống đồng bào nơi này còn khó khăn lắm nên cũng ảnh hưởng đến việc học của các em".
Hiệu trưởng Trường tiểu học Mường Lý, Lê Xuân Viên nói: "Hiện nay, toàn trường còn 2 khu có lớp học tạm, 7/8 khu chưa có nhà ở cho giáo viên. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm quan tâm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học ở những vùng này”.
Hoàng LamA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét