Chia sẻ

Tre Làng

NHỮNG ƯỚC MƠ CỦA NHÀ GIÁO NGÀY NAY


25 năm trước, khi bắt đầu bước chân vào nghề gõ đầu trẻ, Ngày nhà giáo 20-11 là một cái gì đó hết sức thiêng liêng với tôi. Thật sự không thể nào quên được những bông hoa đơn sơ thôi, nhưng sao mà ấm áp tình thầy trò.


Thế rồi xã hội ngày càng thực dụng hơn, đi kèm, thậm chí là thay cho những bông hoa là chiếc phong bì đựng tiền mà phụ huynh đưa cho con em mình cầm trực tiếp trao cho thầy cô! Tôi không thể nào quên được một câu nói cách đây hơn chục năm, khi mình đi chợ đã nghe mấy người nội trợ chép miệng than: Lại đến Ngày nhà giáo rồi, tốn bạc triệu cho hai đứa con chứ chẳng chơi...

Từ đó, Ngày nhà giáo VN đối với tôi không phải là ngày được chờ đợi, mong mỏi. Thay vào đó, cứ đến ngày này tôi lại mơ - những ước mơ mà khi chia sẻ cùng đồng nghiệp, hóa ra ai cũng thế. Chúng tôi mơ gì?

Chúng tôi mơ làm sao thầy cô giáo đừng trở thành một chủ đề bàn tán mãi về chuyện đồng lương chết đói. Chúng tôi không mơ cao, chỉ mơ làm sao nguồn thu nhập chỉ từ một chỗ là Nhà nước trả lương mà thôi, trong thời buổi này phải chừng 12-15 triệu đồng/người/tháng. Có như vậy, hai vợ chồng cùng là nhà giáo thì cũng vừa đủ nuôi thân vừa đủ nuôi hai con trong một mức sống bình thường, để không còn công thức: nhà giáo + nhà giáo = nhà nghèo! Nhưng cũng xin nói thêm chúng tôi không mơ cho chỉ riêng mình. Bởi nghề giáo dù là một nghề mà nhiều người vẫn nói là cao quý, nhưng không có lý gì nghề cao quý lại có đặc quyền về lương. Nghĩa là nếu chúng tôi có lương 15 triệu đồng/tháng, thì những anh chị công nhân cũng tăng tương xứng chứ không phải lẹt đẹt dưới mặt đất.

Một khi đủ sống với đồng lương, nhà giáo sẽ không còn đau đáu chuyện dạy thêm. Thời gian của chúng tôi khi ấy là dành cho việc soạn giáo án sao cho luôn mới mẻ, chứ không phải hết năm này qua tháng nọ bắt học trò nhai đi nhai lại món “đọc - chép”. Với những học sinh yếu, chúng tôi dành thời gian để kèm cặp thêm ngoài giờ cho các em mà chẳng lấy thù lao. Khi giữa thầy với trò không còn dính dáng chuyện tiền bạc, ắt phụ huynh cũng chẳng cần phải chép miệng than “lại đến Ngày nhà giáo”!

Đấy, chỉ cần lương đủ sống thôi, là mọi chuyện sẽ khác đi nhiều.

Nhưng chưa hết, giấc mơ chúng tôi còn nhiều nữa. Sau chuyện lương là chuyện thay đổi chương trình dạy và học, khi một sớm mai thức dậy sẽ nghe Bộ Giáo dục - đào tạo thừa nhận không thể nhồi nhét vào đầu học sinh một lúc 13-14 môn học. VN quyết định đi theo các nước có nền giáo dục tiên tiến, sắp xếp lại số lượng môn học hợp lý hơn, chỉ từ 5-6 môn mà thôi. Khi ấy, học sinh của chúng tôi học môn nào ra môn ấy, thích môn nào chọn môn ấy. Các em không còn lao đầu theo chuyện học từ sáng sớm đến tối mịt, mà thay vào đó là có thời gian tham gia hoạt động xã hội, chơi thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Rồi giấc mơ thi cử thay đổi hoàn toàn, đi vào thực chất hơn. Không còn cảnh cứ sau tết là thầy cô hè nhau nhồi nhét kiến thức vào đầu học sinh để chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp. Không còn chuyện các hiệu trưởng cứ chăm chăm ngồi canh tỉ lệ tốt nghiệp sao cho thật cao để đạt thành tích thi đua. Không còn chuyện học sinh thi rớt là khủng hoảng tâm lý, khi các trường nghề cho ra lò lứa nào là lứa ấy có công ăn việc làm đầy đủ, sống ổn định.

Đó là những giấc mơ của chúng tôi. Nó cao quá không? Có, khi mà chúng tôi mơ cả hàng chục năm rồi mà vẫn không thấy! Nhưng nó có bình thường không? Cũng có luôn, vì trên thế giới này có vô vàn nước đã làm rồi, và làm thành công những điều mà nhà giáo VN ước mơ...
GIÁNG HƯƠNG (TUỔI TRẺ ONLINE)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog