Chia sẻ

Tre Làng

Thư ngỏ, Tâm thư, "Lời kêu cứu khẩn thiết"... gửi ông Đinh La Thăng


Hàng loạt thư khẩn dài có, ngắn có được bạn đọc cả nước “nhờ báo” chuyển tới những địa chỉ cần thiết. Trong đó chủ yếu là tới “Tư lệnh” ngành GTVT Đinh La Thăng. Dân trí trích "kính chuyển" một số tiếng kêu cứu đại diện dưới đây.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng 
trong một buổi đối thoại trực tuyến với dân

Phạm Đức Mừng dr.ducmung@gmail.com:

Cháu là 1 sinh viên bình thường, hàng ngày vẫn đi học bằng chiếc xe máy cũ mà bố cháu để lại từ khi cháu đi học đại học. Có lẽ sẽ không có lý do gì để cháu viết bức thư này nhờ kính chuyển tới bác, cho đến khi cháu đọc được nghị định mới vào ngày hôm nay. Trong đó quy định xe là phải chính chủ mới được phép lưu thông trên đường phố. Đây là 1 điều khá bất ngờ không chỉ với riêng cháu, mà còn với tuyệt đại đa số người dân khác nữa, bác ạ.

Thưa bác, cháu hoàn toàn đồng ý với việc phải làm nghiêm việc sang tên đổi chủ này để các bác có thể quản lý được số xe đang lưu thông trên đường phố. Điều đó cũng sẽ giúp cho công an thuận lợi hơn trong quá trình điều tra các vụ án, và hơn nữa việc sang tên đổi chủ sẽ làm giảm được thất thu thuế của nhà nước. Về mặt này thì chúng cháu công nhận là bác đúng, nhưng cho rằng vẫn chỉ là 1 mặt nhỏ của vấn đề…

Nếu xét rộng ra, Việt Nam có 87 triệu dân, khoảng 30 triệu người có phương tiện giao thông là ô tô hoặc xe máy, nhưng trong số đó có bao nhiêu người không phải là chủ sở hữu của chiếc xe mình đang đi?

Sinh viên: 90% sinh viên chưa tự kiếm được đủ tiền để có thể mua 1 chiếc xe máy, chỉ là mượn tạm xe của bố mẹ để đi học. Nếu sang tên đổi chủ thì sau này trả lại bố mẹ, lại phải sang tên lần nữa hay sao?

Người đi làm: Có rất nhiều người mua xe cũ để tiết kiệm tiền, có nhữngchiếc xe đã qua 3-4 đời chủ, việc tìm lại chủ cũ là rất khó khăn để có thể sang tên, thậm chí có gặp thì chắc gì họ đã bỏ công đi làm thủ tục sang tên với mình. Ấy là còn chưa kể chủ cũ đã qua đời, bay ra nước ngoài, hoặc đơn giản là chiếc xe đăng ký ở miền Bắc, còn chủ đã bay vào miền Nam sinh sống, lúc ấy phải tìm họ thế nào?

Người lái xe thuê: Lái xe taxi dùng xe của công ty hay tự mua xe? Người lái xe tải đâu có tiền tỉ để mua 1 chiếc xe thùng? Người lái xe buýt tự mua xe và tự lái???

Đó mới chỉ là những trường hợp chung chung, còn thậm chí sẽ có trường hợp cụ thể như: Mẹ cháu bỏ tiền ra mua 1 chiếc xe, nhưng đăng ký ở tỉnh khác để giá đăng ký rẻ hơn, nhưng là tên của người khác. Vậy bây giờ chiếc xe đó là sở hữu của ai? Cháu muốn mượn xe của bạn để đi 5 phút, cũng phải sang tên đổi chủ hay sao? Còn rất nhiều trường hợp nữa mà chắc chắn không thể giải quyết ngay được.

Vậy kính mong bác thử nghĩ thêm lại xem, khi luật này được áp dụng thì có bao nhiêu người đã biết đến quy định mới, khi bị kiểm tra rồi bị phạt nặng như thế thì khác nào “đánh úp” người dân?

Kể cả tất cả đều có ý thức sang tên đổi chủ đi chăng nữa, liệu trong vài ngày họ có kịp làm thủ tục sang tên đổi chủ? Đồng nghĩa với việc từ ngày 10/11/2012 có hàng triệu người phạm luật giao thông trên đường.

Bức thư này cháu chỉ gửi trên mạng, viết lên bằng sự bức xúc của hàng triệu người dân chứ không chỉ của riêng cháu. Ai cũng thấy việc các bác đưa ra quy định luật này là 1 điều vô lý như bao nhiêu quy định “mới” khác mà các bác đã dự tính làm như: “ngực lép không được đi xe máy”, “đi dép lê không được đi xe máy”, “xe máy không được để trên vỉa hè”, “thay đổi giờ làm để giảm tai nạn giao thông”, “xe tuk tuk” …

Bác (hoặc những cán bộ tham mưu của bác) là người có tài, có ý tưởng và dám táo bạo thực hiện. Nhưng những quyết định như vậy của các bác đưa ra chỉ có thể thực hiện với những người có xe riêng như bác, có tiếng nói như bác… Còn dân thực hiện ra sao là việc của dân, dân không làm theo ý kiến của bác thì bị lưc lượng chức năng xử lý…

Cháu thấy đáng buồn vô cùng vì bác lại xử sự với dân như thế từ vị trí lẽ ra cần rất gần dân và hiểu dân của bác. Dù sao thì là dân, cháu cũng vẫn phải ép lòng thực hiện theo ý các bác thôi... Nhưng mà cái tiếp theo bác đưa ra... càng khiến chúng cháu không còn hiểu nổi bác nghĩ thế nào nữa, vì sao ngày càng trái nghịch hoàn toàn vậy bác?

Trước đây bác đưa ra quy định thu phí đường, phí phương tiện cá nhân...với lý do là để hạn chế đăng ký mới, hạn chế phương tiện để đỡ ùn tắc. Vậy bác ra thêm quyết định này có phải là để không ai mượn được xe của ai đi nữa ạ? Muốn đi thì phải đi xe của mình. Vậy là phải đăng ký mới, mua xe mới, chính chủ mới được phép lưu hành???Vậy xe có hạn chế được không, hay lại tăng ít nhất gấp mười lần ạ?


Kính gửi báo Dân trí! Tôi hiện đang là sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Bách khoa HN. Hôm nay tôi đọc báo điện tử của Dân trí và thực sự thấy khá bất ngờ (chính xác là sốc!) khi biết tin từ ngày 10/11 bắt đầu thực thi nghị định 71 về xử phạt người vi phạm giao thông khi "điều khiển xe không sang tên đổi chủ".

Hiện tại tôi đang đi học bằng xe máy của cậu tôi (em của mẹ - gia đình tôi hiện cư trú tại Thái Bình) và xe đó là đăng ký tên của cậu. Vì điều kiện gia đình và để khích lệ việc học của tôi, cậu tôi có cho tôi mượn xe để đi học, khi nào ra trường sẽ trả lại cho cậu.

Vậy mà từ hôm nay với nghị định 71, tôi phải điều khiển phương tiện không sang tên đổi chủ.Tôi đang thắc mắc không biết trường hợp như tôi là có phải vi phạm giao thông như nghị định 71 quy định không ??? Tôi nghĩ không chỉ mình cá nhân tôi có thắc mắc này mà còn rất rất nhiều người đang rơi vào hoàn cảnh giống tôi và đang rất hoang mang.

Tôi và rất nhiều bạn đọc của báo Dân trí đều đánh giá rất cao về Dân trí với sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Tôi kính mong báo Dân trí có thể tìm được cơ chức năng có thẩm quyền có thể giải đáp thắc mắc này giúp tôi cũng như rất nhiều người dân khác. Đồng thời post bài lên báo mạng để dân chúng được biết!

Tha thiết mong Dân trí có thể phần nào giúp những người công dân như tôi sẽ không còn hoang mang nữa. Xin chân thành cảm ơn và mong hồi âm sớm từ Dân trí! Tks. (Bùi Thanh Tùng – ĐHBKHN)


Kính gửi BT Đinh La Thăng! Có lẽ những dòng tâm thư này không đến được với một người bận rộn như BT, nhưng cháu vẫn viết để những ai có tấm lòng thương yêu, độ lượng với dân tộc mình đọc và hiểu hơn cho dân…

Đất nước mình còn nghèo, mỗi gia đình ở nông thôn để sắm được cho cả nhà một chiếc xe máy đã là rất cố gắng rồi. Chưa dám nói gì đến ô tô hay phương tiện nào cao cấp hơn. Nên chiếc xe máy đó chỉ đứng tên một người hoặc là bố, hoặc là mẹ. Nếu các con lớn thì chiếc xe đó là phương tiện cho cả nhà cùng đi.

Vậy cứ lưu thông trên đường mà hỏi xe chính chủ, thì liệu ai còn dám đi xe của người thân nữa? Chưa kể như hoàn cảnh nhà cháu đây ở một vùng nông thôn miền núi, cái nghèo vẫn còn bao trùm nên được sở hữu một chiếc xe là cả một quá trình phấn đấu. Mãi năm kia nhà cháu sao bao lâu chắt chiu mới mua lại được chiếc xe máy cũ của chú ruột. Muốn thay tên đổi chủ mấy lần mà ra công an không làm được. Năm ngoái chú mất vì bạo bệnh, nên chiếc xe như một kỷ niệm về người đã khuất.

Nay cháu thi đỗ vào một trường đại học ở Hà Nội và xin được một công việc làm thêm. Bố mẹ cho cháu mang xe đó ra để thuận tiện vừa đi học, vừa đi làm thêm. Niềm vui chưa được bao lâu thì lại có nghị định xử phạt tới tiền triệu thế này…

BT Thăng ơi, chiếc xe cũ của cháu không đủ một nửa số tiền phạt ấy đâu. Mà cháu cũng làm gì để đổi sang tên cháu được vì chú cháu mất rồi… Mà theo như quy định này, thì nhà bao nhiêu người phải có bấy nhiêu xe thì mới tránh được vi phạm, thế có phải đầu xe tham gia giao thông ngày càng tăng cao không?...

Đây là những lời từ tận đáy lòng cháu và chắc cũng là của đại bộ phận dân nghèo VN, muốn được gửi tới BT Thăng. Mong BT suy xét mọi khía cạnh liên quan tới cuộc sống còn vô vàn khó khăn của dân mà đưa ra phương án tốt nhất và phù hợp nhất với người dân.


Bác Thăng ơi bác Thăng!
Tại sao bác cho rằng
cái điều luật vô lý
Sẽ đánh phăng tai nạn?
Khả năng cháu có hạn
Mãi không hiểu tại sao?
Người dân cứ xôn xao:
Xe đi không chính chủ
Lại bị phạt một…"củ" (triệu)
Nếu vậy thì (ai đó có thể) “ăn” đủ
Chỉ khổ dân mình thôi
Lòng họ cứ sục sôi
Như thế này thì chết
Kinh tế” thì sắp… hết
Phải mỗi chủ một xe
Không là bị lăm le
Đòi tiền xe vi phạm
Bác làm ơn dừng tạm
Bộ luật này lại đi
Dù sao cũng là vì
Người Việt Nam ta khó
Nếu thi hành luật đó
Người nghèo sẽ càng tăng
Vậy bác Đinh La Thăng
Sẽ là quan chức…không giỏi
Như vậy là không tốt....

Theo Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog