NGUYÊN HUÂN
Sau khi NNVN có loạt bài “Ẩn họa nuôi chồn nhung đa cấp”, ông Nguyễn Lân Hùng - Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam đã có ý kiến về vấn đề này nhằm cảnh báo người dân trước khi sự việc đi quá xa.
Thời gian gần đây xuất hiện mô hình nuôi chồn nhung theo hình thức kinh doanh đa cấp, giá một cặp chồn giống được đẩy lên 4 triệu đồng, trong khi thực tế ngoài thị trường chỉ 100.000 - 200.000 đồng, ông có suy nghĩ gì về mô hình này?
Theo tôi, giá chồn nhung đen ngoài thị trường hiện nay vẫn là đắt, đúng ra chỉ 30.000 đồng/con là vừa vì loài này dễ nuôi lại mắn đẻ như chuột. Nói thật với anh, chồn nhung đen được chính tôi và kỹ sư Hoàng Lê Minh - Giám đốc Cty Giống cây lâm nghiệp vùng Đông Bắc (Lạng Sơn) và một đồng chí nữa đưa về Việt Nam trong một chuyến công du Trung Quốc cùng nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Sau khi nuôi thành công tại Lạng Sơn, kỹ sư Hoàng Lê Minh đã chuyển cho Viện Chăn nuôi 40 cặp để tiếp tục nuôi nghiên cứu, thử nghiệm.
Bên Trung Quốc, chồn nhung đen được gọi là hắc thốn, khi về Việt Nam, anh Nguyễn Hữu Lộc, chuyên gia lâm nghiệp của Bộ NN-PTNT đã đổi tên thành chồn nhung đen nghe cho hay. Tập quán của người Trung Quốc họ rất thích con vật màu đen như mèo đen, chó đen, ngựa đen… nên con hắc thốn được nuôi để làm thuốc, thuộc da, nấu cao và số ít làm thực phẩm. Việc nuôi chồn nhung đen trong dân tại Trung Quốc chưa phát triển rộng vì đầu ra con vật này không thật sự thuận lợi.
Theo ông, chồn nhung đen có phải là vật nuôi tiềm năng tại Việt Nam?
Theo quan điểm của riêng cá nhân tôi, chồn nhung đen là con vật góp phần làm phong phú các giống vật nuôi của ta nhưng để phát triển mạnh tại Việt Nam thì hơi khó vì thịt chồn nhung đen tôi ăn thấy bình thường, trọng lượng của nó rất nhỏ, chỉ 5-7 lạng/con nên không ưu việt cho tiêu thụ làm thực phẩm. Mặt khác, người Việt mình không có thói quen nấu cao thịt chồn hay thuộc da chồn.
Việc hàng nghìn, hàng vạn người dân đổ xô tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen (đa cấp - PV), trong đó có cả lãnh đạo, thương gia rồi nghệ sỹ, theo ông lý do nào khiến mô hình kinh doanh này phát triển tốt đến vậy?
Tất cả đều do lòng tham mà ra cả! Những người tham gia mô hình đều thuộc đối tượng dễ bị lừa đảo, lợi dụng, thậm chí bị lợi dụng rất nhiều lần đều từ khát vọng làm giàu không chính đáng mà ra. Hiện nay, hậu quả của việc nuôi giun quế cũng theo hình thức kinh doanh đa cấp vẫn còn nguyên bài học. Bản thân tôi đã phải nghe không biết bao nhiêu cuộc điện thoại của người dân rồi cán bộ các địa phương gọi tới than phiền là bị lừa hàng chục, hàng trăm triệu đồng vì tham gia mô hình nuôi giun quế đa cấp. Tôi nhận thấy mô hình nuôi chồn nhung đen hiện nay cũng có hình thức tương tự và tiềm ẩn trong nó hậu họa vô cùng to lớn, khó lường.
Trước đây, các công ty kinh doanh giun quế cũng cam kết với người dân thu mua lại giun thương phẩm và đã được Bộ NN-PTNT cấp giấy phép xuất khẩu… nhưng thực chất đều là lừa đảo hết. Vì vậy, bà con mình đừng để lợi nhuận, lòng tham và đồng tiền làm lóa mắt.
Bà con hãy thử đặt câu hỏi là con chồn nhung đen tại Việt Nam có bán được thương phẩm không, có ai thuộc da không và có nơi nào tiêu thụ cao chồn nhung đen không? Trả lời được ba câu hỏi đó, bà con sẽ biết bản chất của mô hình là gì. Bởi để sinh ra lợi nhuận phải có sản phẩm và đầu ra thương phẩm. Đằng này, các công ty và mô hình hiện nay chỉ bán giống cho bà con với giá cao gấp hàng chục, hàng trăm lần giá trị thực của con chồn, một khi thị trường bão hòa, lập tức mô hình sẽ bị phá vỡ và người dân khi đó sẽ phải chịu hậu quả vô cùng ghê gớm.
Ông có lời khuyên gì với những người đang, đã và có ý định tham gia mô hình nuôi chồn nhung đa cấp?
Là một trong những người có công đưa con giun quế rồi con chồn nhung về Việt Nam, chúng tôi rất buồn khi các con vật bản chất rất hữu ích lại bị đem đi kinh doanh dưới hình thức đa cấp. Tôi khuyên bà con mình cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia vào mô hình, bởi về mặt luật pháp không thể bắt bẻ được gì các công ty hay chủ mô hình cả vì họ có hợp đồng hẳn hoi. Tuy nhiên, nếu phía công ty có cam kết này nọ bà con nên mang hợp đồng ra UBND xã làm chứng và xác nhận vào bản hợp đồng đó, phòng khi có chuyện gì xảy ra còn có chỗ mà... bấu víu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét